Thứ 6, 22/11/2024, 09:17[GMT+7]

Giải phóng mặt bằng: Góp phần tạo đột phá thu hút đầu tư

Thứ 2, 31/01/2022 | 09:43:21
5,336 lượt xem
Để thu hút các dự án lớn đến với Thái Bình, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được xác định là khâu quan trọng nhất, tạo đột phá trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó và phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt.

Nhân dân xã An Thái (Quỳnh Phụ) tự nguyện hiến đất làm đường giao thông.

Công khai, minh bạch

Thời gian qua, nhiều dự án bị chậm tiến độ do có những điểm nghẽn về mặt bằng khó tháo gỡ. Và để tháo gỡ những điểm nghẽn đó, không gì thiết thực, hiệu quả bằng chính sự vào cuộc, đồng thuận của người dân nơi triển khai dự án. Do đó, Thái Bình luôn chú trọng công tác GPMB, chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh trong nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế là tập trung GPMB. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 5/7/2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”. Từ đó đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa việc lãnh đạo công tác GPMB vào chương trình công tác hàng năm của cấp ủy và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao. Cùng với đó, Thái Bình đã xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt, tổ chức thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn kiên trì tuyên truyền, vận động, tránh gây bức xúc cho người dân có đất bị thu hồi nhưng cũng cương quyết với những hành vi sai trái, cố tình chây ỳ, không phối hợp trong GPMB, ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của thành phố Thái Bình phát triển nhanh chóng, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng; nhưng để hoàn thành được các công trình, dự án này thì phải có mặt bằng sạch. 

Theo ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố, thành phố luôn xác định GPMB là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong quá trình GPMB dự án cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với người dân. Nhất thiết phải tổ chức họp dân, lắng nghe, chia sẻ và đối thoại với dân về những vấn đề đặt ra hoặc những vấn đề người dân thắc mắc; bảo đảm dân chủ, kỷ cương trong công tác GPMB. Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến GPMB. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, thành phố kiên quyết xử lý, tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật, như các dự án đường Kỳ Đồng kéo dài, cải tạo, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong, đường Chu Văn An kéo dài, bến xe khách phía Tây thành phố...

Khơi dậy sức dân

Chỉ mới hơn 1 năm mà khu vực nghĩa trang nhân dân xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy đã đổi khác rất nhiều. Gần 300 ngôi mộ của thân nhân các gia đình trong vùng dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái đã được di dời sang khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu. Để thực hiện được việc di dời phần mộ của các gia đình, dòng họ quả thật không hề dễ. 

Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thụy Liên cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc di dời các ngôi mộ vì đó là vấn đề tâm linh, nhạy cảm. Có những ngôi mới xây, có những ngôi hàng chục năm, có những quần thể mộ rất đẹp, kiên cố của nhiều gia đình, dòng họ. Toàn xã có 500ha đất nông nghiệp thì bàn giao 400ha, trong đó có 300 ngôi mộ để phục vụ dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái. Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã, thôn, sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân vì một chủ trương lớn, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, cơ bản các hộ dân đã đồng thuận, di dời phần mộ và bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH72 huyện Quỳnh Phụ dài gần 18km. Trong đó, tuyến đường đoạn qua địa phận xã An Thái có chiều dài hơn 1,7km. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng nhất của xã, tập trung trụ sở hành chính của xã, trường học, trạm y tế, chợ - nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất nhất khu vực. Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường không chỉ làm cho diện mạo nông thôn mới An Thái thêm khang trang mà còn mở ra cơ hội lớn để địa phương phát triển thương mại, dịch vụ.

Xác định được điều đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận, hưởng ứng chủ trương hiến đất làm đường. Chỉ sau 3 ngày huyện Quỳnh Phụ triển khai thực hiện công tác GPMB, 100% các hộ gia đình, cá nhân xã An Thái - nơi có tuyến đường đi qua đã tự nguyện phá dỡ nhà cửa, các công trình cổng dậu, cây cối hiến 900m2 đất ở để làm đường, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng để công trình sớm được triển khai xây dựng. 

Cụ Nguyễn Thị Mý, năm nay đã ngoài 80 tuổi với 55 năm tuổi đảng ở thôn Hạ, xã An Thái là một trong những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường khi tình nguyện hiến 20m2 đất ở, phá dỡ nhà cửa, tường bao, cổng dậu để công trình sớm được triển khai. Với vợ chồng anh Đoàn Tuấn Anh, thôn Hạ, xã An Thái, dù ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, kiên cố, dọn về ở chưa tròn một năm nhưng hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường do chính quyền địa phương phát động, gia đình anh đã tình nguyện hiến đất, phá dỡ một phần ngôi nhà để mở rộng đường ĐH72, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ có An Thái mà phong trào hiến đất phục vụ dự án đã lan tỏa rộng khắp tại nhiều xã của huyện Quỳnh Phụ như Quỳnh Ngọc, An Tràng cũng như một số địa phương khác trong tỉnh. Có lẽ, từ sau phong trào hiến đất làm đường nông thôn mới thì những ngày này Thái Bình lại tiếp tục bừng lên khí thế trong việc chung sức đồng lòng GPMB thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày