Thứ 2, 25/11/2024, 11:35[GMT+7]

Chào mừng hội nghị “Kết nối Thái Bình - Hàn Quốc” Thái Bình: Xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư

Thứ 2, 04/07/2022 | 10:01:11
3,823 lượt xem
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Cụ thể hóa mục tiêu đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, từ đó đưa Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Dự án sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Innoflow Vina (cụm công nghiệp Đô Lương) có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Ảnh: Khắc Duẩn

Kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư

Xác định công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng nên thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Cùng với ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, ngay từ đầu năm tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng... để thu hút đầu tư. Là một trong những khu công nghiệp được thành lập đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình, chỉ sau hơn 1 năm triển khai, đến nay khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy) có tổng diện tích gần 600ha nằm trên địa bàn xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền đã cơ bản được bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng. 

Ông Bùi Thế Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Công ty luôn nhận được quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ phía tỉnh và huyện, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã rất sát sao trong công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chính vì thế đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đến nay, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút được 4 doanh nghiệp FDI đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư 440 triệu USD; Công ty đã và đang xúc tiến đầu tư với 9 nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, Thái Bình còn thành lập Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển; Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc của tỉnh; Tổ công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; vận hành chính thức trang thông tin Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng zalo. Cùng với đó, các hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức, trên cơ sở đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, từ đầu năm đến nay tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Bình như: Tập đoàn AEON Việt Nam, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Tập đoàn Kumagai Gumi, Công ty Zenith Group, Công ty TNHH HiteJinro, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn Pondera (Hà Lan), Công ty Tokyo Gas, Tập đoàn Điện lực quốc tế Kyuden (Nhật Bản), Công ty Mitsubishi Corporation, Công ty ET Solar Power HongKong...; đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin, hợp tác phát triển với các ngành, địa phương lân cận như: tổ chức hội nghị gặp mặt những người thành đạt đang công tác ở một số ngành, lĩnh vực và các doanh nhân tiêu biểu là người Thái Bình, tổ chức đoàn công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam nhằm trao đổi hợp tác và xúc tiến đầu tư vào Thái Bình, làm việc giữa tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng, giữa Bộ Tư lệnh Quân khu 3 với tỉnh Thái Bình và Nam Định, tham dự hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022 tại Thanh Hóa...

Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Sau 4 năm tăng thứ hạng và điểm số, đến năm 2021, theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI của tỉnh sụt giảm cả về điểm số và thứ hạng. Để nâng cao chỉ số PCI - một trong những tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư tham khảo trước khi tiến hành đầu tư, Thái Bình đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan giải trình, trong đó chỉ rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan liên quan việc giảm thứ hạng chỉ số PCI và điểm của các chỉ số thành phần, trên cơ sở đó tham mưu các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. 

Cùng với đó, tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp về bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế gắn với cách tiếp cận đánh giá chỉ số cải cách hành chính và chỉ số PCI do các chuyên gia của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Nội vụ trực tiếp giảng dạy. Từ thực tế kết quả chỉ số PCI và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2021, các chuyên gia đã phân tích, làm rõ hơn về những hạn chế cần khắc phục để cải thiện chỉ số PCI và cải cách hành chính của tỉnh, đồng thời khuyến nghị các giải pháp cũng như chia sẻ một số ý tưởng cải thiện chỉ số PCI, cải cách hành chính cấp tỉnh. 

Bà Tạ Thị Thanh Vân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân cho biết: Thông qua hội nghị bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế gắn với cách tiếp cận đánh giá chỉ số cải cách hành chính và chỉ số PCI đã giúp Công ty hiểu sâu hơn về các thủ tục hành chính, về cải cách thủ tục hành chính, từ đó có thể rút ngắn được thời gian khi thực hiện các thủ tục dự án đầu tư.

Đến ngày 20/6/2022, toàn tỉnh đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 40 dự án với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 14.497 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 32 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, Khu kinh tế với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 5.315 tỷ đồng, 8 dự án đầu tư trong khu công nghiệp, Khu kinh tế với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 9.182 tỷ đồng; có 4 dự án FDI mới với vốn đầu tư đăng ký gần 45 triệu USD. 

Cùng với đó, Thái Bình thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 564 doanh nghiệp, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2021 với số vốn đăng ký mới 5.758,4 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021; đồng thời, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 189 chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

Hiện trên địa bàn tỉnh đang có 25 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 123 triệu USD, trong đó có 3 dự án có vốn đầu tư khá lớn là dự án sản xuất mô tơ, linh kiện cho màn hình tivi của Công ty Ohsung Vina Thái Bình (khu công nghiệp Liên Hà Thái) với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, dự án sản xuất hàng may mặc của Công ty TNHH PS Vina (khu công nghiệp Gia Lễ) với tổng vốn đầu tư khoảng 16,7 triệu USD và dự án sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Innoflow Vina (cụm công nghiệp Đô Lương) với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.

Những kết quả tích cực trên đã khẳng định hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh nhằm xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, từ đó đưa Thái Bình ngày càng phát triển.

Dự án sản suất mô tơ, linh kiện cho màn hình tivi của Công ty Ohsung Vina Thái Bình (khu công nghiệp Liên Hà Thái) có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD. Ảnh: Khắc Duẩn.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày