Thứ 6, 22/11/2024, 10:47[GMT+7]

Giải ngân vốn đầu tư công - kinh nghiệm từ Thái Bình Kỳ 1: Tháo gỡ những “điểm nghẽn” và “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công

Thứ 2, 31/10/2022 | 08:10:09
10,093 lượt xem
Trong những năm gần đây, Thái Bình luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Việc trở thành điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thi công dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình tại nút giao với quốc lộ 39.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng

Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) có ý nghĩa quan trọng, là nguyên nhân chính cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chính vì thế, với quyết tâm không để GPMB là vật cản khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương bị chậm đi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 5/7/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các kế hoạch nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, huyện, thành phố, đơn vị.

Là một trong những dự án trọng điểm của huyện Hưng Hà, nhờ thực hiện tốt công tác GPMB nên đến nay dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐH.65A, ĐH.65B huyện Hưng Hà đoạn từ quốc lộ 39 (Km46+100) đi đường ĐH.59 đi di tích lịch sử quốc gia đền Tiên La giai đoạn 1 thuộc địa phận 2 xã Hòa Tiến, Tân Tiến cơ bản thực hiện đúng tiến độ đã đề ra. Đến hết tháng 9/2022, dự án đạt được hơn 60% giá trị khối lượng theo hợp đồng và được thanh toán 60% kế hoạch vốn năm 2022 đã phân bổ chi tiết. 

Ông Nguyễn Đức Anh, chỉ huy trưởng công trình cho biết: Trong quá trình thi công, đơn vị thi công luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, các ban, ngành liên quan và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các xã nơi tuyến đường đi qua đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay sau khi nhận được mặt bằng, đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực và vật tư để thi công dự án bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Kiên quyết không để hồ sơ tồn đọng

Không chỉ chú trọng thực hiện công tác GPMB, Thái Bình còn yêu cầu các cơ quan quản lý ngân sách bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán vốn, kiên quyết không để hồ sơ tồn đọng. Với vai trò là cơ quan thực hiện kiểm soát và giải ngân vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh luôn đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thành các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn ngay khi có khối lượng hoàn thành gửi đến kho bạc để thanh toán vốn. 

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc KBNN tỉnh cho biết: KBNN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và nâng cao chất lượng kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN); tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát chi và linh hoạt áp dụng phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng hồ sơ, thủ tục thanh toán của từng dự án cụ thể và đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, giúp nguồn vốn đến được các dự án, công trình nhanh nhất; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của công chức trong đơn vị, đặc biệt là công chức giao dịch với khách hàng.

Chủ động thu ngân sách, tạo nguồn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản

Để tạo nguồn thanh toán đầu tư xây dựng cơ bản, thời gian qua, tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu ngân sách trên địa bàn, bảo đảm thu đúng, thu đủ và thu kịp thời các khoản thu vào NSNN. Chính vì thế, trong những năm gần đây, công tác thu ngân sách trên địa bàn luôn có được những kết quả bứt phá, tỷ lệ thu so với dự toán luôn ở mức cao. Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh có số thu nội địa cao nhất từ trước đến nay với 10.525 tỷ đồng, đạt 168,1% dự toán với số vượt tuyệt đối 4.265 tỷ đồng, tăng 35,8% so với năm 2020. 

Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Để có được kết quả đó, cùng với việc tiếp thu kịp thời các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh còn quản lý chặt chẽ, hiệu quả các nguồn thu; tổng hợp, phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến các nguồn thu, địa bàn thu, trên cơ sở đó chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các sở, ngành liên quan tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người nộp thuế trên địa bàn nộp kịp thời các khoản thuế vào NSNN. Bên cạnh đó, ngành thuế còn tích cực cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về thuế như: kê khai qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử...

Thi công dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐH.65A, ĐH.65B huyện Hưng Hà, đoạn từ quốc lộ 39 (Km46+100) đi đường ĐH.59 đi di tích lịch sử quốc gia đền Tiên La giai đoạn 1.

Tích cực tháo gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công

Kế hoạch vốn năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh hơn 3.907 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn giao đầu năm gần 3.681 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 226 tỷ đồng; kế hoạch vốn UBND đã phân bổ bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2022 và vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022 hơn 6.845 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn hệ thống chính trị, từ đó quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch được giao. Việc giao kế hoạch vốn đầu tư công được Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho tỉnh thực hiện theo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ thực hiện đầu tư các công trình nước sạch. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện và quyết định thành lập ban chỉ đạo của tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương giám sát, đánh giá đầu tư các công trình, dự án, trên cơ sở đó tham mưu kịp thời cho tỉnh điều chỉnh kế hoạch của những dự án chậm tiến độ và giải ngân cho những dự án trọng điểm, có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Cùng với đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm có nguồn vốn đầu tư lớn, qua đó nắm bắt những khó khăn và kịp thời đưa ra chỉ đạo tháo gỡ phù hợp.

(còn nữa)
Minh Hương - Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày