Chủ nhật, 24/11/2024, 20:37[GMT+7]

Nỗ lực triển khai các tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa-Chơn Thành

Chủ nhật, 12/03/2023 | 12:37:05
13,014 lượt xem
Sáng 12/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, cơ quan, địa phương về phương án dự kiến đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà; đại diện các bộ, ngành, một số địa phương liên quan.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải, đã hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ Ủy ban nhân dân các tỉnh, các nhà đầu tư để xuất dự án tổ chức nhiều buổi làm việc; hồ sơ trình đề xuất dự án tuy chưa chính thức gửi để lấy ý kiến thẩm định nhưng qua quá trình làm việc và các nội dung được Ủy ban nhân dân các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và Bình Phước báo cáo, đề xuất, Bộ Giao thông vận tải có một số ý kiến:

Về nhu cầu đầu tư: Bộ đồng tình và cho rằng việc đề xuất đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa - Chơn Thành là hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ kết nối Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, các tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa - Chơn Thành đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế, kết nối vùng, tạo các cực tăng trưởng trong các vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông; đồng thời phù hợp chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia nói chung, phát triển kinh tế-xã hội các vùng và địa phương nói riêng: phù hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc.

Quang cảnh Hội nghị.

Về phương thức đầu tư: huy động nguồn lực ngoài nhà nước, giảm áp lực vốn nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025 đã được nêu tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông”.

Các tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa - Chơn Thành có kết quả dự báo lưu lượng và tính toán sơ bộ phương án tài chính cho thấy có khả năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Bộ Giao thông vận tải hoàn toàn đồng tình với đề xuất của các tỉnh, đã nghiên cứu và đề xuất các dự án đầu tư công, kết hợp đầu tư theo phương thức PPP, phối hợp nguồn vốn Nhà nước của địa phương và Trung ương trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư cả nước rất lớn.

Vốn đầu tư công sẽ là “vốn mồi” thu hút vốn từ các nhà đầu tư, giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước, để dành ưu tiên bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, cũng như cần tập trung cho các ngành, lĩnh vực và nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác của đất nước.

Về quy mô, tỉnh Ninh Bình, Thái Bình nghiên cứu các phương án mặt cắt ngang và đề xuất quy mô đầu tư 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh bề rộng nền đường 24,75m; tỉnh Bình Phước, đề xuất đầu tư với quy mô 4 làn xe bề rộng nền đường 12m (dải dừng đỗ khẩn cấp không liên tục, đủ bề rộng mỗi làn xe và các điều kiện khai thác với tốc độ 100km/giờ) do khi nghiên cứu với phương án đầu tư quy mô hoàn chỉnh 24,75m không bảo đảm khả thi hoặc nguồn vốn Nhà nước cần hỗ trợ quá lớn.

Tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình với chiều dài nghiên cứu khoảng 88km, đi qua khu vực địa hình đồng bằng thấp, có địa chất yếu, nhiều cửa sông lớn; trên tuyến phải bố trí 5 công trình cầu vượt sông lớn và 37 công trình cầu chính tuyến, cầu vượt ngang; phạm vi nền đường phải xử lý đất yếu để bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật khối lượng lớn (chiếm khoảng 80% chiều dài tuyến) sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí xây dựng.

Theo báo cáo của địa phương như trên, có thể thấy, phương án đầu tư toàn tuyến đồng bộ 4 làn đầy đủ 24,75m kinh phí rất lớn, dự án PPP không khả thi, thu hồi vốn của nhà đầu tư thời gian quá dài, trường hợp Trung ương hỗ trợ vượt quá mức 50% sẽ phải trình Quốc hội cũng tương tự như dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành mà tỉnh Bình Phước và nhà đầu tư đề xuất dự án đã phân tích và lựa chọn phương án 19m nêu trên.

Do vậy, Bộ Giao thông vận tải cho rằng trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn, việc phân kỳ đầu tư với quy mô l9m (dải dừng đỗ khẩn cấp không liên tục, đủ bề rộng mỗi làn xe và các điều kiện khai thác với tốc độ 100km/giờ) là phù hợp.

Đồng thời, đối với tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với đề xuất tách đầu tư công đối với đoạn tuyến cao tốc thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình (dài 26km) và giao tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án; đoạn tuyến cao tốc qua địa phận Nam Định-Thái Bình (dài 62km) đầu tư theo phương thức PPP, giao tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án, Tuyến cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành (128,8km) tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP như chuẩn bị và đề xuất của Cơ quan có thẩm quyền-Ủy ban nhân dân Bình Phước…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu, đến năm 2030, đất nước ta là một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến 2045, là nước phát triển có thu nhập cao. Muốn đạt được các mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông chiến lược.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết cho 6 Vùng, đều xác định rõ các tuyến đường cao tốc phải làm, trong đó có đồng bằng sông Hồng xác định rõ tuyến cao tốc bắc-nam và nhánh sang Đông Nam sông Hồng, tức là nối Ninh Bình sang Nam Định, Hải Phòng, kết nối Quảng Ninh lên Cửa khẩu Móng Cái, Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) rồi sang Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện có cao tốc bắc nam Hà Nội-Ninh Bình, và một số tuyến cao tốc khác như Hà Nội-Hải Phòng Quảng Ninh, Hà Nội-Lào Cai.

Vùng trũng trù phú là phần đông Ninh Bình, Nam Định kết nối một phần Thanh Hóa có điều kiện phát triển. Nhưng ở khu vực này mới chỉ phát triển nông nghiệp vì hạn chế hạ tầng giao thông, muốn phát triển công nghiệp thì phải phát triển hệ thống giao thông, giảm chi phí logistics.

Thủ tướng cho rằng, quốc lộ 10 nối Nam Định với Ninh Bình hiện nay rất hẹp, không phát triển được, xe container đi lại khó khăn. Đây là tuyến huyết mạch để kết nối liên vùng giữa vùng Bắc Trung Bộ với đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc.

Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với tỉnh Nam Định, khi đó đặt câu hỏi vì sao Nam Định có điều kiện phát triển, là tỉnh đầu tiên hoàn thành mục tiêu nông thôn mới, nhưng hiện nay, công nghiệp không phát triển, có bước thụt lùi về công nghiệp, dịch vụ và phát triển các động lực mới.

Thủ tướng đặt vấn đề chúng ta đang thiếu gì, vì sao? Chúng ta đã lý giải nguyên nhân do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhất là đường cao tốc để phát triển không gian đô thị, dịch vụ.
Thái Bình là tỉnh đồng bằng sông Hồng, đất đai phì nhiêu nhưng không phát triển. Phát triển nông nghiệp thì chỉ vẫn thế, trong khi đường ven biển chưa hoàn thiện được.

Do vậy đường cao tốc nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sẽ kết nối Hải Phòng, Quảng Ninh. Chúng ta đã phát triển hệ thống tuyến cao tốc phía đông từ Hà Nội lên tới Cửa khẩu Móng Cái, rồi các tuyến cao tốc từ Hà Nội lên Lào Cai, Hà Nội lên Lạng Sơn.

Ở khu vực Đông Nam Bộ, chúng ta đang rất tích cực phát triển hạ tầng giao thông trong đó có Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh bằng kết hợp nguồn kinh phí Trung ương, nguồn tăng thu của địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh VOV

Trong vùng, tỉnh Bình Phước là tỉnh rộng, địa chất tốt, đất đai màu mỡ, địa hình bằng phẳng, tiềm năng phát triển công nghiệp tốt, nhưng vẫn là tỉnh thiếu hạ tầng giao thông đồng bộ, thiếu cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, đường từ Bình Phước lên Đắk Nông là thuận lợi nhất, nhưng từ Bình Phước đi các tỉnh khác thì đường rất dài và khó khăn hơn.

Đường nối từ Tây Nguyên đi các tỉnh, chúng ta đang làm. Đường nối từ Đắk Nông đi Bình Phước là ngắn nhất để nối ra cảng ở Vũng Tàu, chính là đường chiến lược nối Tây Nguyên ra Đông Nam Bộ nhưng đường ở đây hiện rất hẹp, đi lại khó khăn, chi phí logistics cao, luân chuyển hàng hóa khó…

Do đó, cần phải có đường nối với Bình Phước với Bình Dương; đường nối từ Đắk Nông với Bình Phước xuống Đồng Nai, Bình Dương để Tây Nguyên có đường “thoát” nhanh, lúc đó mới phát triển nhanh được.

Theo Thủ tướng, các con đường này, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ, sớm đầu tư ngày nào thì sớm phát triển nhanh ngày đó, sớm có khu đô thị, dịch vụ.

Nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế, nhưng để đột phá tăng trưởng mà chỉ trông vào nông nghiệp là rất khó khăn. Muốn phát triển kinh tế nông nghiệp thì phải có công nghệ cao, thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, du lịch, giao thông. Giao thông là nút thắt cần tháo gỡ cho vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Về vấn đề cách làm và huy động vốn, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã có mô hình hợp tác công tư, như Quảng Ninh là rất điển hình khi vận dụng sáng tạo, lúc đó chưa có Luật về mô hình hợp tác PPP, nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách Nhà nước thì không biết bao giờ mới xong.

Theo Thủ tướng, hình thức khai thác cũng linh hoạt khi đầu tư công kết hợp PPP nhưng nhà đầu tư được khai thác tuyến cao tốc. Vấn đề là khi hợp tác PPP thì tất cả phải thật sự công khai, minh bạch, không vụ lợi, đặt cái chung lên trên hết, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Kinh nghiệm đó cho thấy đã có mô hình làm hiệu quả.

Thủ tướng tin rằng, với khí thế, nhiệt huyết của các địa phương thì chắc chắn chúng ta sẽ làm thành công. Vấn đề liên quan nhiều tỉnh thì phải có sự liên kết của các tỉnh, mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân trên cương vị của mình làm hết sức mình thì sẽ thành công.

Thủ tướng mong 2 tuyến cao tốc này sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ này, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Hồng.

Ở Tây Nguyên, chúng ta đang đầu tư tuyến cao tốc từ Đắk Lắk xuống Nha Trang, từ Gia Lai xuống Bình Định (cảng Quy Nhơn); Đông Nam Bộ cần có tuyến đường Gia Nghĩa-Chơn Thành để nối với Tây Nguyên; Nam Bộ có các tuyến từ Tiền Giang xuống Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh qua Đồng Tháp đến An Giang, Kiên Giang, tuyến bắc nam từ Cần Thơ đi Cà Mau, tuyến từ Trần Đề (Sóc Trăng) qua Hậu Giang, An Giang… Như vậy, chúng ta có hệ thống tuyến cao tốc trọng điểm tương đối bao phủ các vùng kinh tế trọng điểm.

Theo Thủ tướng, 2 tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sẽ tạo ra sự phát triển cho các tỉnh. Chúng ta cần kiểm điểm xem đã làm được gì, vướng mắc ở đâu, ai giải quyết? Nếu hợp tác công-tư thì Chính phủ phải giải quyết về mặt thủ tục, Bộ Tài chính bố trí vốn như thế nào, ngành Ngân hàng hỗ trợ vốn như thế nào, các địa phương, doanh nghiệp phải làm gì thì phải bàn kỹ.

Trên cơ sở đó, các cơ quan phải tích cực vào cuộc với tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết. Chỉ có hợp tác PPP mới có nguồn lực để làm, phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

Chúng ta đã trải qua nhiều thời kỳ hết sức khó khăn, kể cả trong chiến tranh, nhưng nếu nỗ lực, quyết tâm thì sẽ vượt qua. “Cần phải có mục tiêu rõ, giải pháp rõ và tổ chức thực hiện rõ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày