Thứ 4, 01/05/2024, 19:22[GMT+7]

Thái Bình: Điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư

Chủ nhật, 03/09/2023 | 07:02:27
6,874 lượt xem
Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, thời gian qua, công tác thu hút đầu tư đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh Thái Bình. Để tận dụng hiệu quả những cơ hội phát triển nhanh, bền vững, Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp tạo đột phá trong công tác thu hút đầu tư, từ đó khẳng định là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Sản xuất tại Công ty TNHH Logitex (cụm công nghiệp Vũ Ninh). Ảnh: Khắc Duẩn

Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả

Xác định công tác xúc tiến đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh, hàng năm, Thái Bình luôn chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư, đặc biệt là tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã xác định phải tổ chức ngay và sớm các chuyến xúc tiến đầu tư, khởi đầu tại Nhật Bản và Hàn Quốc - là hai thị trường truyền thống tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư. 

Tại các chuyến công tác, tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh nhằm quảng bá văn hóa, giá trị truyền thống cũng như những tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, đồng thời thực hiện các buổi làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc như: Công ty Daewoo E&C, Tập đoàn Zenith, Tập đoàn Hite Jinro, Công ty TNHH Anam Electronics và Công ty SKC Lighting...; từ đó ký kết được một số thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có các lĩnh vực tỉnh đang chú trọng thu hút đầu tư như: phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và hỗ trợ... 

Ông Đỗ Văn Lân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh cho biết: Từ thành công của chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các nước phát triển công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm tập trung kêu gọi đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình.

Cùng với việc chú trọng công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài, Thái Bình còn thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam, đoàn công tác Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, Công ty TNHH Dentsu Kensetsu Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Công ty Tokyo Gas Nhật Bản, Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc và Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Tổng công ty Nhà đất Hàn Quốc, Tập đoàn Sunny Optical Technology Company Limited...; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”; phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam - AHK tổ chức hội thảo hợp tác đầu tư và phát triển Thái Bình - Cộng hòa Liên bang Đức.

 Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tôi đánh giá cao những sáng kiến trong công tác xúc tiến đầu tư cũng như quyết tâm, hành động quyết liệt nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh. Kết quả của sự nỗ lực đó được thể hiện bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây cũng như sự cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Thái Bình tăng 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư

Xác định môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, thời gian qua, cùng với công tác xúc tiến đầu tư, Thái Bình tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tích cực thực hiện các nhiệm vụ của UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 146/KH-UBND. 

Cùng với đó, tỉnh còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư như: tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thành lập tổ công tác đặc biệt do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thành lập 3 tổ công tác do 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại, vướng mắc; chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm người đứng đầu, công chức, viên chức trong việc cải thiện môi trường đầu, tư kinh doanh nâng cao chỉ số PCI của tỉnh; đồng thời, ban hành kế hoạch hành động thực hiện các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023, kế hoạch tổ chức hội nghị tăng cường sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh...

Công tác cải cách hành chính cũng được tỉnh Thái Bình chú trọng thực hiện. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành, đơn vị tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp theo hướng thân thiện, đồng hành, chia sẻ; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay...

Với sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị trong công tác thu hút, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thái Bình sẽ tiếp tục tạo nên những bước đột phá trong công tác thu hút đầu tư, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

  • Toàn tỉnh đã chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 72 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5.600 tỷ đồng, bằng 36,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 90 triệu USD;
  • Thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 690 doanh nghiệp, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 với vốn đăng ký hơn 7.300 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022;
  • Thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 268 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.
  • Tỉnh Thái Bình đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quyết định đầu tư, điển hình như: Công ty TNHH Compal Electronic chuyên sản xuất thiết bị điện tử, tổng vốn đầu tư 260 triệu USD; Công ty TNHH Greenworks Việt Nam chuyên sản xuất và lắp ráp thiết bị làm vườn, sản xuất linh kiện từ nhựa và kim loại, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Công ty Pegavision chuyên sản xuất kính áp tròng mềm và các thiết bị quang học y tế, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD...


Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày