Chủ nhật, 22/12/2024, 18:30[GMT+7]

Đánh thức Thái Bình Bài 1: Vùng đất nhiều “khoáng sản” quý

Thứ 2, 18/12/2023 | 07:19:03
5,321 lượt xem
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thái Bình - Hàn Quốc vừa diễn ra, các nhà ngoại giao, chuyên gia kinh tế, văn hóa cho rằng Thái Bình có rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác. Đây là “mỏ vàng” cần được các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư có năng lực xứng tầm đánh thức để Thái Bình vươn mình phát triển.

Cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối với các tuyến giao thông liên vùng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy).

Những trầm tích chưa khai phá

Nhìn vào dòng chảy lịch sử Việt Nam có thể thấy Thái Bình là vùng đất có truyền thống văn hóa, văn hiến lâu đời, được nuôi dưỡng bởi phù sa các dòng sông lớn nhất của vùng Bắc Bộ kết hợp với nguồn gốc dân cư từ nhiều vùng miền của đất nước tụ hội. Thái Bình cũng là nơi hội tụ và lan tỏa của nhiều sắc thái văn hóa, văn minh vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn lưu giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, cả vật thể và phi vật thể: Gần 3.000 công trình kiến trúc cổ, hàng trăm hội làng, trò chơi, diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống, cổ truyền của người Việt. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến nghệ thuật chèo đang được tỉnh cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, múa rối nước và nhiều di sản Hán Nôm đặc sắc khác.

Thái Bình được mệnh danh là vùng đất trăm nghề. Những nghề truyền thống nổi tiếng gắn với địa dư vang danh bờ cõi như dệt chiếu Hới - Tân Lễ, dệt lụa đũi Nam Cao, thêu ren Minh Lãng, mây tre đan Thượng Hiền, đúc đồng An Lộng, rèn sắt An Tiêm, chạm bạc Đồng Xâm... được gìn giữ, bảo tồn qua mấy trăm năm, trở thành tinh hoa nghệ thuật nghề, vừa là nét đẹp văn hóa vừa mang lại giá trị kinh tế, bảo đảm cuộc sống của người dân. 

Ông Bùi Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, có nhiều sản phẩm chủ lực mang đậm dấu ấn, bản sắc của địa phương và được nhà nước hỗ trợ nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 113 sản phẩm OCOP, hàng chục sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó nhiều sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu.

Sản xuất nông nghiệp của Thái Bình được xếp vào hàng đầu Việt Nam cả về trình độ thâm canh và hạ tầng giao thông, thủy lợi. Ngay từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Thái Bình đã dẫn đầu cả nước về năng suất lúa với cột mốc 5 tấn thóc, rồi 7 tấn thóc/ha, được Bác Hồ về thăm, động viên và mừng công. Không chỉ giỏi trong thâm canh sản xuất, Thái Bình còn là nơi có rất nhiều sản vật quý với hàng chục giống lúa chất lượng cao như lúa Hom, nếp Bể, Bắc thơm..., nông sản, thực phẩm có mít dai vàng Hà Giang, dưa Quài Thượng, khoai Bái Thượng, bánh đa Quỳnh Côi, bánh cáy làng Nguyễn, cốm Đồng Thanh, mắm cáy, mắm rươi Hồng Tiến... ngon nức tiếng, được xếp vào hàng “tiến vua”.

Thái Bình có quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp lớn. Trong ảnh: Công tác san lấp mặt bằng tại khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Bồi tụ thêm giá trị, nâng tầm địa phương

Thái Bình một thời là ốc đảo bởi 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển nên kinh tế chậm phát triển. Song, chính ở vào địa thế đó, sau khi được đầu tư đồng bộ hạ tầng, Thái Bình là số ít địa phương có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đa dạng, kết nối thuận lợi cả đường bộ, đường thủy và liên kết với một số cảng biển, sân bay trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Là tỉnh phát triển công nghiệp sau nên Thái Bình còn và có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế; 49 cụm công nghiệp trên địa bàn 7 huyện, thành phố với tổng diện tích gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Nổi bật và hấp dẫn nhất là Khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích 30.583ha, quy hoạch 22 khu công nghiệp, tổng diện tích đất công nghiệp 8.020ha. Ngoài chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ, tỉnh có nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn cho nhà đầu tư khi có dự án đầu tư vào Khu kinh tế.

Một lợi thế khác của Thái Bình là nguồn nhân lực. Với hơn 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động, hàng năm tỉnh luôn sẵn sàng cung cấp khoảng 40.000 lao động, trong đó hơn 25.000 lao động đã qua đào tạo. Tỉnh có hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực với 8 trường đại học, cao đẳng và 30 cơ sở đào tạo nghề, mỗi năm đào tạo hàng chục nghìn người có trình độ cử nhân, cao đẳng, trung cấp nghề... đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo, có tay nghề cao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Có thể khẳng định, Thái Bình đang hội đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa bởi các cấp chính quyền địa phương ngày càng chủ động, sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ tư duy, xác định lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo hiệu quả công tác. Môi trường đầu tư thông thoáng, nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp, các dịch vụ công có chất lượng cao, thời gian giải quyết thủ tục đầu tư rút ngắn tối đa để tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên lắng nghe, chủ động đối thoại, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính công khai, minh bạch, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI không ngừng được cải thiện và nâng lên qua từng năm. Với tất cả những tiềm năng, thế mạnh sẵn có và uy tín của địa phương, nếu được đánh thức và phát huy, nhất định Thái Bình sẽ trở thành địa bàn chiến lược của các nhà đầu tư, là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

(còn nữa)
Khắc Duẩn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày