Thứ 7, 27/04/2024, 13:11[GMT+7]

Thành phố: Đột phá giải phóng mặt bằng - động lực phát triển đô thị

Thứ 6, 26/01/2024 | 17:43:35
7,626 lượt xem
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự ủng hộ lan tỏa trong cộng đồng; giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất với chính quyền… Với cách làm này, thành phố Thái Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều dự án trọng điểm về giao thông, chỉnh trang đô thị.

Tăng cường đối thoại

Dự án hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm thành phố Thái Bình tại phường Lê Hồng Phong và Bồ Xuyên thực hiện thu hồi trên 250.350m2 đất của 22 đơn vị, doanh nghiệp và 61 hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 9/13 doanh nghiệp; hoàn thành di dời 3 cơ sở bến bãi. Tập trung hoàn thành kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với 61 hộ gia đình. Cơ bản các đơn vị, hộ gia đình cá nhân đã đồng thuận nhưng còn một số hộ do phải di chuyển nhà ở, chưa đồng thuận với giá đền bù, hỗ trợ GPMB của nhà nước. Để tháo gỡ, cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở thường xuyên tới các hộ dân để tuyên truyền, vận động và trực tiếp các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố đã tăng cường gặp gỡ, đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp còn đang băn khoăn, chưa nhất trí với giá đất, giá đền bù. 

Ông Trần Văn Hùng, phường Lê Hồng Phong cho biết: Khi biết dự án có lấy vào phần đất của gia đình, người dân ở đây cũng rất tâm tư nhưng khi được tuyên truyền, vận động, chúng tôi rất đồng thuận với chủ trương của thành phố trong việc chỉnh trang đô thị. Mong muốn của người dân là sớm được đền bù, hỗ trợ GPMB và bàn giao đất ở khu tái định cư để yên tâm đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Đức cho biết: Để triển khai thi công các dự án lớn trên địa bàn đạt nhiều kết quả, công tác GPMB được quan tâm và triển khai quyết liệt. Thực hiện nghiêm chủ trương công khai, minh bạch và bảo đảm tối đa quyền lợi của nhân dân, để nhân dân thấy được ý nghĩa của các dự án đối với sự phát triển chung, những lợi ích trực tiếp, gián tiếp mà nhân dân có được khi dự án hoàn thành. Lãnh đạo thành phố luôn bám sát, lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của nhân dân trong việc đền bù GPMB; thường xuyên tổ chức tiếp công dân, từ đó kịp thời tiếp thu, trả lời, chỉ đạo giải quyết bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời xác định, đối với các hộ vướng mắc, chưa đồng thuận về GPMB sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với từng hộ để giải quyết. Đối với các hộ đòi hỏi vượt quá chính sách, quy định của nhà nước sẽ tổ chức cưỡng chế. Chính vì vậy, năm 2023 thành phố đã tuyên truyền, vận động 56/99 trường hợp đã có quyết định cưỡng chế chấp hành không phải cưỡng chế để thực hiện các dự án; ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi đất đối với 43 trường hợp. Đã chỉ đạo giải quyết, trả lời 176 lượt đơn thư kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác GPMB, bảo đảm thời gian, quy định của pháp luật, không để tồn đọng.

Khơi thông các nút thắt

Để gỡ các nút thắt trong công tác GPMB, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của những người có uy tín trong nhân dân để tạo sức lan tỏa. Các tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Với đặc điểm đất đai bị thu hồi ở những khu vực đô thị lõi có giá giao dịch thị trường cao so với khung giá đất, việc vận dụng tối đa chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị thu hồi đất là rất quan trọng. Đồng thời, trong tổ chức thực hiện quy hoạch, việc tái định cư phải đi trước một bước, bố trí quỹ đất tái định cư tại chỗ ở những nơi có điều kiện, việc tái định cư phải bảo đảm điều kiện sống và sinh kế bằng và tốt hơn. Dự án hồ Ty Rượu có diện tích hơn 4ha, sau nhiều năm vướng mắc về mặt bằng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thành quả đó khẳng định, chính quyền thành phố đã luôn lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB. UBND thành phố đã linh hoạt trong việc vận dụng đúng chính sách, quy định của pháp luật cũng như lợi ích của người có đất bị thu hồi phục vụ dự án. Tích cực, chủ động trong việc báo cáo, xin ý kiến các sở, ngành, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong từng trường hợp cụ thể.

Hay tại nút thắt tuyến đường Ngô Quyền, đoạn còn lại đến đường Lý Thường Kiệt, tồn tại hơn 10 năm, song với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh, thành phố đến cơ sở, đến giữa tháng 7/2023 đã hoàn thành công tác GPMB và thông tuyến vào tháng 10/2023. 

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp thành phố Phạm Thị Lan Anh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, năm 2023, Trung tâm đã tập trung gỡ nhiều “điểm nghẽn” về mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đường giao thông, cơ sở hạ tầng, phát triển nhà ở, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh. Đã thực hiện GPMB 50 dự án, lập 65 phương án với số tiền 450 tỷ đồng, chi trả 300 tỷ đồng cho trên 400 lượt đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. Bàn giao gần 40ha đất cho các chủ đầu tư thực hiện thi công công trình. Trong đó, có nhiều dự án tồn đọng, kéo dài như dự án phát triển nhà ở thương mại khu dân cư xứ đồng Vạn Đê; khu dân cư, tái định cư phường Kỳ Bá - Quang Trung; khu dân cư và khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại tổ 39, 40 phường Quang Trung…

Có thể thấy, nhờ tuyên truyền tốt, nắm bắt sát địa bàn, lắng nghe người dân trong quá trình GPMB, thành phố đã từng bước tạo được niềm tin cho người dân, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị; diện mạo thành phố từng bước thay đổi với không gian sống hiện đại, khang trang cho người dân cũng như góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ thi công đường Nguyễn Tông Quai đoạn từ đường Lý Bôn đến đường quy hoạch số 1 phường Trần Lãm.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày