Thứ 2, 06/05/2024, 14:13[GMT+7]

“Bến đỗ” Tiền Hải

Chủ nhật, 11/02/2024 | 15:36:20
10,102 lượt xem
Từ những lợi thế, tiềm năng của huyện ven biển cùng hạ tầng giao thông kết nối vùng ngày càng hoàn thiện, thời gian qua, huyện Tiền Hải đã thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút các nhà đầu tư. Kết quả nổi bật từ thu hút đầu tư đã giúp kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, Tiền Hải trở thành “bến đỗ” của nhiều nhà đầu tư lớn.

Sản xuất tấm panel năng lượng mặt trời tại Nhà máy AD Green.

Giải phóng mặt bằng - “chìa khóa” thu hút đầu tư

Dự án khu công nghiệp Hải Long là dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh có tổng diện tích hơn 296ha triển khai trên địa bàn các xã: Đông Long, Đông Trà và Đông Xuyên, tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Xác định tầm quan trọng của dự án, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Tiền Hải đã tập trung triển khai thực hiện GPMB một cách quyết liệt, đạt hiệu quả. Đến hết năm 2023, huyện đã hoàn thành GPMB giai đoạn 1 của dự án với tổng diện tích 30,6ha và đang tiếp tục triển khai GPMB giai đoạn 2. 

Ông Đỗ Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh (chủ đầu tư khu công nghiệp Hải Long) cho biết: Tiền Hải đang là điểm đến thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước những năm gần đây. Các khu công nghiệp được hình thành và phát triển thể hiện bước chuyển mình của huyện, cho thấy sự năng động và khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị. Bước sang năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện đẩy nhanh tiến độ GPMB và triển khai xây dựng hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Tiền Hải đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ GPMB, nhất là tại các dự án trọng điểm của tỉnh đang triển khai trên địa bàn huyện. 

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Công tác GPMB được xác định là gỡ nút thắt thu hút đầu tư nên trong năm qua huyện đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển nhiều dự án lớn như: khu công nghiệp Tiền Hải phần mở rộng, khu công nghiệp Hải Long, các khu đất phát triển hạ tầng giao thông, phát triển khu dân cư. Tính từ năm 2021 - 2023, huyện đã thực hiện 54 dự án, lập 175 phương án, thu hồi đất của 3.483 hộ, diện tích thu hồi gần 300ha, số tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB 469,6 tỷ đồng, trên địa bàn của 30 xã, thị trấn.

Đến nay, cụm công nghiệp An Ninh có 7 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 95% diện tích đất công nghiệp giai đoạn 1.

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Tỉnh Thái Bình nói chung và huyện Tiền Hải nói riêng đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn cả trong nước và ngoài nước. Nhiều nhà đầu tư nhận xét về Tiền Hải có môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi bởi huyện có hệ thống giao thông kết nối, mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thiết chế minh bạch, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tối đa và cấp ủy, chính quyền luôn đồng hành với doanh nghiệp. 

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Damsan (nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp An Ninh) cho biết: Với vị trí thuận lợi, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, cụm công nghiệp An Ninh đang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư tại huyện Tiền Hải. Đến nay, cụm công nghiệp có 7 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 95% diện tích đất công nghiệp giai đoạn 1. Để thu hút được những dự án lớn và sớm lấp đầy diện tích đất công nghiệp, điều quan trọng nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ xúc tiến, kêu gọi đầu tư...

Những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư hạ tầng các khu, CCN và công tác triển khai xây dựng quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình được Tiền Hải triển khai tích cực. Huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh triển khai quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình, quy hoạch mở rộng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiền Hải, quy hoạch khu công nghiệp Hải Long; quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Cửa Lân. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã thu hút 27 dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng trên 330ha, tổng vốn đầu tư ước đạt 14.637 tỷ đồng, dự kiến sử dụng trên 11.500 lao động. Ngoài ra, Tập đoàn Geleximco đã ký thỏa thuận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại khu công nghiệp Hưng Phú (Nam Hưng) trong Khu kinh tế Thái Bình với tổng số vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD, công suất đạt 200.000 xe/năm, dự kiến xây dựng vào quý II/2024 và đưa vào hoạt động từ quý IV/2025. 

Theo ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải: 3 năm trở lại đây, Tiền Hải đã thu hút được các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư nhiều dự án công nghiệp, như: Geleximco, Viglacera,  Mikado, Damsan, Tân Đệ... Các nhà đầu tư vào huyện đã tiếp cận các thủ tục hành chính về quy hoạch xây dựng, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng công trình; thủ tục thẩm định các bản vẽ quy hoạch xây dựng, thủ tục đất đai và môi trường, các thủ tục bước đầu để thực hiện xin cấp giấy phép đầu tư đã được tiếp cận thông tin nhanh chóng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Tiền Hải hiện có trên 500 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động với mức lương bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và phát triển. 

Ông Phạm Bách Tùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Tiền Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng Mikado cho biết: Để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thu hút đầu tư cũng như đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu đầu tư và sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo huyện đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân thực hiện công tác GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư hạ tầng. Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm sâu sát tới các khó khăn của doanh nghiệp và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tiền Hải có 14/16 chỉ tiêu đạt tiến độ đề ra. Tổng giá trị sản xuất bình quân 3 năm ước đạt trên 22.000 tỷ đồng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 11%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt trên 14.800 tỷ đồng; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt trên 13%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm trên 76% trong cơ cấu kinh tế. Tiền Hải được kỳ vọng là điểm sáng tạo, là “cú hích” kinh tế của tỉnh Thái Bình trong giai đoạn tới. Xác định sứ mệnh và trọng trách đó, huyện đã và đang triển khai các nhiệm vụ, tập trung trên tất cả các lĩnh vực, phát triển đô thị lên 30%, là huyện có kinh tế tăng trưởng mạnh, là điểm đến thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Công ty Cổ phần Dược phẩm PHARBACO Thái Bình xây dựng nhà máy bào chế dược phẩm tại cụm công nghiệp An Ninh.

Huyện Tiền Hải hiện có 4/5 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động thu hút được 22 doanh nghiệp và 50 hộ sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 36%. Nhờ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào hoạt động tại các CCN đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN cũng như các nhà đầu tư thứ cấp tại các CCN trên địa bàn huyện còn những khó khăn, hạn chế.

Với 5 CCN trên địa bàn huyện được quy hoạch với tổng diện tích hơn 290ha. Trong đó, có 4 CCN gồm: Trà Lý, Cửa Lân, Tây An, An Ninh đã đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay, còn lại CCN Nam Hà đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các CCN, Tiền Hải đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, nhất là nhà đầu tư phát triển hạ tầng CCN. Đến nay, có 2 CCN An Ninh và Nam Hà thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, 3 CCN  còn lại do UBND huyện làm chủ đầu tư. CCN An Ninh (xã An Ninh) có tổng diện tích quy hoạch gần 50ha, vốn đầu tư hơn 319 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Damsan làm chủ đầu tư. Với vị trí thuận lợi nằm ngay cửa ngõ phía Tây huyện, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, CCN An Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp lớn vào hoạt động. Đây được coi là điểm sáng trong thu hút đầu tư vào CCN tại huyện Tiền Hải hiện nay. 

Ông Vũ Huy Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan cho biết: Để thu hút được những dự án lớn và sớm lấp đầy CCN, chúng tôi đã đầu tư xây dựng CCN An Ninh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, từ đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải rắn đến hệ thống cây xanh tạo cảnh quan sạch đẹp và có nhiều tiện ích đi kèm. Đến nay, CCN đã thu hút 7 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 95% diện tích đất công nghiệp giai đoạn I. Tiêu biểu có dự án của Công ty ET Solar Power HongKong vốn đầu tư 150 triệu USD, dự án nhà máy sợi An Ninh và nhà máy bào chế dược phẩm PHARBACO Thái Bình... Dự kiến, khi tất cả các dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo ra khoảng từ  5.000 - 7.000 tỷ đồng sản phẩm/năm.

Ông Nguyễn Văn Quang, trưởng ban thi công Công ty Cổ phần Dược phẩm PHARBACO Thái Bình cho biết: Công ty hiện đang triển khai đầu tư xây dựng nhà máy bào chế dược phẩm tại CCN An Ninh. Dự án có tổng số vốn 600 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 xây dựng nhà máy gồm 2 dây chuyền sản xuất thuốc viên có vốn đầu tư 325 tỷ đồng. Trước khi đầu tư tại đây, Công ty đã đi nghiên cứu ở nhiều nơi tuy nhiên vẫn chọn địa điểm CCN An ninh để đầu tư. Ngoài vị trí thuận lợi, hạ tầng CCN được xây dựng đồng bộ, hiện đại thì môi trường đầu tư tại Tiền Hải cũng rất thông thoáng. Các cấp chính quyền tỉnh, huyện rất quan tâm, tạo điều kiện khi Công ty làm thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng. Từ đó giúp Công ty triển khai xây dựng nhà máy được thuận lợi, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10/2024.

Ngoài CCN An Ninh còn có 3 CCN: Trà Lý, Cửa Lân, Tây An cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến hải sản, sản xuất sợi, sản xuất panel năng lượng mặt trời, xăng dầu... Các doanh nghiệp, hộ sản xuất hoạt động trong các CCN thu hút trên 2.000 lao động với thu nhập đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng và liên quan đến hàng chục nghìn lao động vệ tinh tại tổ sản xuất, hộ gia đình ở các xã, thị trấn trong huyện. 

Theo ông Bùi Đức Thàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện: Hoạt động của các CCN thời gian qua luôn được huyện quan tâm, UBND huyện thực hiện hiệu quả việc lập quy hoạch phân khu xây dựng, điều chỉnh mở rộng CCN, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, tăng cường xúc tiến đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, uy tín trong xây dựng hạ tầng CCN, thu hút các dự án thứ cấp theo hướng ưu tiên các dự án có sản phẩm giá trị cao, công nghệ tiên tiến ít ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, UBND huyện còn tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đầu tư hạ tầng trong CCN. Tuy nhiên, hiện nay tại 3/5 CCN gồm: Trà Lý, Cửa Lân, Tây An đang thuộc phạm vi UBND huyện làm chủ đầu tư còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như: các hạng mục kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ; một số doanh nghiệp hoạt động tại đây chưa thực hiện tốt việc xử lý nước thải, từ đó ảnh hưởng tới việc khai thác qũy đất công nghiệp còn lại để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN. Bên cạnh đó, công tác GPMB còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Định hướng của Tiền Hải trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng và phát triển CCN phù hợp với hướng phát triển chung của tỉnh, ưu tiên phát triển các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, ngành có giá trị cao; phát triển CCN nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, tránh tình trạng phân tán để thuận tiện cho công tác bảo vệ môi trường. 

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để nâng cao hiệu quả của các CCN trên địa bàn, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương phối hợp tốt với nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ GPMB bảo đảm tiến độ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN; đẩy mạnh việc xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào CCN; huy động các doanh nghiệp trong các CCN không có nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng góp vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong CCN; đôn đốc nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN hoàn thiện các thủ tục để sớm xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN...

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày