Thứ 6, 03/05/2024, 12:33[GMT+7]

Chào mừng Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình Thực hiện Quy hoạch tỉnh để Thái Bình phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế - xã hội

Thứ 3, 05/03/2024 | 09:18:46
8,206 lượt xem
Ngày 5/3/2024, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn lãnh đạo một số sở, ngành về những định hướng, giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh để hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu phát triển tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Công tác lập Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng, giúp tỉnh định hướng chiến lược cho sự phát triển thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 và là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định quá trình triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn do đây là lần đầu tiên lập Quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp, là nhiệm vụ mới, phức tạp, khối lượng tích hợp các lớp dữ liệu lớn..., với vai trò cơ quan chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức lập Quy hoạch tỉnh, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 841/QĐ-TTg, ngày 16/6/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, ban hành kế hoạch thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố...; đồng thời, tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn và triển khai thực hiện các bước lập Quy hoạch tỉnh theo đúng quy định của Luật Quy hoạch, nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Sau gần 3 năm triển khai, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023. Quy hoạch tỉnh được xây dựng công phu, bài bản, là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm huyết của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển của tỉnh Thái Bình; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn (trung tâm công nghiệp, năng lượng của vùng đồng bằng sông Hồng, trung tâm logistics, trung tâm y tế, công nghiệp dược - sinh học, đường cao tốc, sân bay, cảng biển, dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái ven biển cao cấp, phát triển kinh tế hướng biển...), phân bổ hợp lý các nguồn lực và khai thác các tiềm năng, lợi thế của Thái Bình. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu bảo đảm phù hợp, thống nhất với Quyết định số 1735/QĐ-TTg; triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 34/KH-UBND, ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh về việc tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh bảo đảm đồng bộ, nhịp nhàng, sớm đưa các định hướng, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển của tỉnh Thái Bình trở thành hiện thực.

Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trên cơ sở điều chỉnh và kế thừa những thành quả đã có, bám sát Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới, ngành nông nghiệp tham mưu tỉnh tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo 2 hướng. Thứ nhất, cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh, đặc sản địa phương) theo hướng gia tăng giá trị thông qua việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hình thức liên kết chuỗi có khả năng gắn kết giữa sản xuất với các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh; có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại; ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng các chuỗi giá trị đồng bộ gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu sản phẩm. Thứ hai, cơ cấu lại theo từng lĩnh vực cụ thể (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp) và sản xuất nông nghiệp theo vùng nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của từng lĩnh vực, từng vùng và từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa các địa phương trong tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn 2021 - 2030 đạt trung bình 2,2%/năm, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5 - 4%/năm trong giai đoạn đến năm 2030; thu nhập của người dân, cư dân nông thôn năm 2030 cao hơn 2 - 2,5 lần so với năm 2020.

Đồng chí Trần Quang Triển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải

Quy hoạch tỉnh là một bản quy hoạch tổng hợp có cơ sở luật pháp, hàm lượng trí tuệ, khoa học và tính thực tiễn cao, chứa đựng nhiều thông điệp lớn và kỳ vọng cao vào mục tiêu và vị thế tương lai của tỉnh. Thái Bình có đủ điều kiện để biến Quy hoạch tỉnh thành hiện thực cụ thể.

Quy hoạch tỉnh xác định một trong ba đột phá phát triển then chốt của tỉnh là “tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ”.

Trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tỉnh, ngành giao thông vận tải đã tập trung cao độ, quyết liệt, bài bản trong việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai công tác rà soát, xác định mục tiêu, đánh giá hiện trạng khu vực cần quy hoạch để nhận biết rõ tình trạng của hệ thống giao thông vận tải, hiện trạng của các phương thức vận tải, tình trạng và năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông đối với nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Đồng thời, điều tra, phân tích các dữ liệu nhằm xác định vị trí phát triển của các đặc khu kinh tế để phục vụ công tác xây dựng, quy hoạch các đầu mối giao thông và các hành lang giao thông chính cho vận tải hàng hóa. Cùng với đó, đề xuất các phương án quy hoạch hệ thống giao thông vận tải có tính khả thi, kinh tế và bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng được nhu cầu của cả thế hệ hiện tại và tương lai dài hạn.

Bám sát mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh, thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh và chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức rà soát, lập kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư các dự án phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được duyệt như đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và cảng biển, đường sắt, sân bay...; huy động nhiều nguồn lực đầu tư các công trình, dự án cũng như phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đồng chí Trần Huy Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương

Trong 6 năm tới, ngành công thương Thái Bình sẽ có bước phát triển đột phá cả về quy mô, giá trị, chiếm tỷ trọng chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa của vùng đồng bằng sông Hồng. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư 2 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thành lập mới 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.574ha; thành lập mới 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.674ha, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 67 cụm với tổng diện tích 4.198ha. Cùng với đó, tỉnh sẽ đầu tư nhà máy điện khí LNG và phát triển các nguồn điện tái tạo đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Quy hoạch tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ với tốc độ tăng trưởng cao. Toàn tỉnh sẽ có thêm ít nhất 42 siêu thị, 35 trung tâm thương mại, 1 trung tâm hội chợ triển lãm; phát triển hệ thống phân phối, kho lưu trữ xăng dầu bảo đảm bình ổn thị trường và đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong tỉnh. Khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phát triển thương mại điện tử. Đặc biệt, Thái Bình đầu tư phát triển mạnh dịch vụ logistics với việc quy hoạch, thành lập ít nhất 6 trung tâm dịch vụ logistics tại thành phố Thái Bình và các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ. Đó là nền tảng quan trọng giúp ngành công thương phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Ngành giáo dục và đào tạo xác định việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội để tích hợp các nội dung của giáo dục và đào tạo. Các nội dung này đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho ngành và hình thành khung định hướng phát triển chiến lược, giúp các cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh của giáo dục và đào tạo Thái Bình để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm phát huy tối đa lợi thế. Đồng thời, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các điều kiện và tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong giai đoạn mới, từ đó phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh bảo đảm chất lượng, hiệu quả bền vững, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngay từ đầu năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai xây dựng các đề án, kế hoạch, tổ chức nhiều cuộc hội thảo từ cấp cơ sở; xin ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, các chuyên gia vào đề án, kế hoạch; chắt lọc nội dung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Do làm tốt công tác chuẩn bị, các nội dung của ngành trong Quy hoạch tỉnh được đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh, các hội đồng thẩm định đánh giá cao. Để đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng phương án phát triển, giải pháp thực hiện cụ thể cho từng nhiệm vụ, từng giai đoạn. Ngay sau hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu các chương trình, đề án, kế hoạch để thực hiện đúng, đủ, kịp thời các mục tiêu, nhiệm vụ đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày