Thứ 5, 21/11/2024, 19:55[GMT+7]

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tạo xung lực mới để phát triển

Thứ 3, 03/09/2024 | 11:30:05
7,051 lượt xem
Những năm gần đây, Thái Bình trở thành điểm sáng, là địa chỉ tin cậy đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, từ khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng được chú trọng, từ đó tạo xung lực mới để Thái Bình phát triển.

Đến nay, cụm công nghiệp Quý Ninh (Quỳnh Phụ) đã thu hút được 2 nhà đầu tư thứ cấp.

Gia nhập câu lạc bộ “tỷ đô”

Tháng 4/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại địa ốc Capital Holding khởi công xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) Quý Ninh (Quỳnh Phụ) với quy mô diện tích 61,9ha. Ông Cai Guo Qiang, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: Những năm gần đây Thái Bình có môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư bởi tỉnh hội tụ đủ những điều kiện để phát triển thành một trung tâm công nghiệp mới của miền Bắc như: vị trí địa lý thuận lợi; cơ chế, chính sách ưu đãi; cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông đang được đầu tư đồng bộ; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; bộ máy chính quyền năng động, điều hành hiệu quả, tích cực cải tiến trong mọi thủ tục đầu tư. Chính vì thế, chúng tôi quyết định lựa chọn Thái Bình để đầu tư dự án xây dựng hạ tầng CCN Quý Ninh. Thực tế đã chứng minh, trong quá trình triển khai dự án, Công ty gặp một số khó khăn tuy nhiên đã được tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ tháo gỡ rất tích cực. Đến nay, CCN Quý Ninh đã thu hút được 2 nhà đầu tư thứ cấp đang thử nghiệm đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 40% và có 2 nhà đầu tư thứ cấp đang nghiên cứu, tìm hiểu, hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Năm 2023 là năm Thái Bình chứng kiến làn sóng đầu tư chưa từng có. Thu hút vốn FDI của tỉnh đạt gần 3 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022. Với kết quả đó, Thái Bình tự hào đứng trong tốp 5 toàn quốc cùng các tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh... Trên đà phát triển, 7 tháng năm 2024, thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực với 90 dự án đầu tư được chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có 35 dự án mới, 55 dự án điều chỉnh, tăng gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt gần 9.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, vốn FDI đạt gần 270 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 với 20 dự án được chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đến tháng 7/2024, Thái Bình có 160 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5 tỷ USD, trong đó phải kể đến nhiều nhà đầu tư lớn như: Công ty Pegavision Corporation sản xuất kính áp tròng, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Công ty TNHH Lotes Việt Nam sản xuất chân cắm ram, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD; Công ty TNHH Compal Electronic sản xuất điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thông minh, tổng vốn đầu tư 260 triệu USD; Công ty TNHH Greenworks Việt Nam sản xuất thiết bị làm vườn, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD...

Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2023 nói riêng, những năm gần đây nói chung, Thái Bình trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, là địa chỉ tin cậy được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện dự án.

Bà Thái Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Thái Bình đạt được kết quả đó chính là sự đồng hành, lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh. Doanh nghiệp đến với Thái Bình sẽ luôn được tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình từ nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án. Với những vướng mắc mới phát sinh, hàng tuần, thông qua chương trình “Cà phê doanh nhân”, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” và các vướng mắc trong thu hút đầu tư; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ, các tuyến liên kết vùng, trục hành lang nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi cho việc thông thương trong tỉnh và khu vực.

Hạ tầng khu, CCN cũng được tỉnh chú trọng đầu tư. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập Khu kinh tế với diện tích 30.583ha, trong đó có trên 8.000ha đất phát triển công nghiệp; đã thành lập 10 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu kinh tế) và 49 CCN với tổng diện tích gần 3.000ha, đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Ông Ma Qiang Qiang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SRS Chi nhánh Thái Bình chia sẻ: Chúng tôi đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi SRS Thái Bình tại CCN Quý Ninh (Quỳnh Phụ) chuyên sản xuất sợi tinh 100% cotton nguyên chất với công suất thiết kế 13.200 tấn/năm, diện tích đất sử dụng hơn 44.000m2 , tổng vốn đầu tư gần 53 triệu USD. Đến nay, nhà máy đang hoàn tất các công đoạn để chuẩn bị đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo việc làm cho 330 lao động. Chúng tôi quyết định đặt nhà máy tại Thái Bình bởi nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là nhận thấy những lợi thế về mặt bằng sạch sẵn có, nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng tốt, giao thông kết nối, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư hấp dẫn và thủ tục đầu tư thông thoáng.

Đẩy mạnh thu hút dự án FDI, Thái Bình còn tích cực, chủ động lựa chọn và tiếp nhận nguồn vốn đầu tư; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trung ương trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức xúc tiến đầu tư; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hạ tầng logistics để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Cùng với đó, công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư nước ngoài được chú trọng thực hiện với quan điểm: Tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn có ưu thế của tỉnh; thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, không thu hút đầu tư bằng mọi giá; ưu tiên thu hút đầu tư từ các đối tác có công nghệ cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu. Ngoài ra, tỉnh còn tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, các nhà đầu tư đã hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công tại tỉnh để giới thiệu về môi trường đầu tư; tổ chức thành công đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đức, Hungary, Hà Lan..., và mới đây nhất là tại Trung Quốc.

Triển khai hiệu quả công tác thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đặc biệt là dự án FDI đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển. Dù là một năm có nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội song năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thái Bình tăng 7,37% so với năm 2022, cao hơn bình quân cả nước (5%). 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng.

Minh Hương - Thúy Hà

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày