Thứ 3, 08/10/2024, 01:05[GMT+7]

Đổi mới mạnh mẽ công tác thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển

Thứ 4, 02/10/2024 | 08:55:05
2,316 lượt xem
Đến ngày 21/8/2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 21.600 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023; tuy nhiên, so với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng nói riêng, cả nước nói chung, thu hút vốn đầu tư thực tế năm 2024 chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chính vì thế, thời gian tới, cả hệ thống chính trị của tỉnh quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác thu hút đầu tư, từ đó tạo động lực đưa Thái Bình ngày càng phát triển.

Với tổng vốn đầu tư gần 53 triệu USD, khi đi vào hoạt động, Công ty TNHH SRS (cụm công nghiệp Quý Ninh, Quỳnh Phụ) sẽ tạo việc làm cho 330 lao động địa phương.

Chưa tương xứng với tiềm năng 

Thái Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế bởi có vị trí gần thành phố Hà Nội, tiếp giáp với Hải Phòng; được kết nối với sân bay, cảng biển tại Hải Phòng bằng các hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, tỉnh còn có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp với Khu kinh tế Thái Bình - là địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư với diện tích 30.583ha, trong đó có hơn 8.000ha đất phát triển công nghiệp; thành lập 10 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình) và 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000ha, đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Không chỉ có vị trí thuận lợi, kết nối giao thông đồng bộ, quỹ đất lớn, Thái Bình còn có dân số khoảng 2 triệu người, trong đó hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động, người lao động có trình độ, tay nghề cao. 

Ông Xu Junqi, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Gốm sứ Hoa Liên (Hồ Nam, Trung Quốc) cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghiên cứu phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gốm sứ, Tập đoàn có thị trường rộng lớn, sản phẩm xuất khẩu đi 42 nước trên thế giới. Trong chiến lược kinh doanh thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp Gốm sứ Hoa Liên sẽ tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường quốc tế, trong đó mục tiêu là đầu tư vào Việt Nam để từng bước đưa sản phẩm thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Nhận thấy tỉnh Thái Bình có nhiều điểm hấp dẫn, nhất là giàu tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp gốm sứ bởi nguồn nguyên liệu phong phú, lao động dồi dào và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu, Tập đoàn mong muốn được đầu tư dự án tại Thái Bình với tổng vốn đầu tư khoảng 200 - 230 triệu USD, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động. 

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nhưng thu hút vốn đầu tư của tỉnh từ đầu năm đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Đến ngày 21/8, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 21.600 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có 105 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 10.100 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và 6 dự án phát triển nhà ở với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 11.500 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 21 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đạt gần 290 triệu USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ tháng 12/2023 đến tháng 8/2024, thu hút vốn FDI của tỉnh đạt gần 450 triệu USD, đứng thứ 6 khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ 13 cả nước. 

Sản xuất tại Công ty TNHH Lotes Việt Nam (khu công nghiệp Liên Hà Thái).

Quyết tâm đổi mới 

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến kết quả công tác thu hút đầu tư của tỉnh chưa đạt được như kỳ vọng đó là do tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, chưa vững chắc do xung đột chính trị; dư chấn của dịch Covid-19 kéo dài; bất ổn của thị trường tài chính, bất động sản; sự bất cập và thiếu đồng bộ của một số chính sách; công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sự đồng thuận của người dân còn hạn chế, một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sẽ có lợi hơn; nhân lực còn hạn chế trong khi số lượng dự án cần giải phóng mặt bằng lớn. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, xúc tiến thu hút đầu tư ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự được coi trọng; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư chưa chặt chẽ; quá trình thẩm định thủ tục đầu tư còn rườm rà; quá trình hướng dẫn cấp phép đăng ký kinh doanh chưa cụ thể gây khó khăn cho nhà đầu tư; một bộ phận cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị trách nhiệm thực hiện công việc còn chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc cầm chừng... 

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Toàn huyện có 4/5 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 300ha và khu công nghiệp Tiền Hải có tổng diện tích 466ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 61%, trong đó có khoảng 48 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Huyện đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trong Khu kinh tế Thái Bình như khu công nghiệp Hải Long, mở rộng khu công nghiệp Tiền Hải, khu công nghiệp Hưng Phú... Qua chia sẻ của một số nhà đầu tư trong quá trình làm thủ tục đầu tư dự án trên địa bàn huyện, do một bộ phận cán bộ làm công tác thẩm định của sở, ngành còn yếu về chuyên môn, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, chính vì thế dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án. 

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Mặc dù trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng 8 tháng năm 2024 toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hơn 800 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp của toàn tỉnh lên gần 11.000 doanh nghiệp đã thể hiện sự thành công rất lớn trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh rất vui mừng trước sự đổi mới và không ngừng phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Để đón làn sóng đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là đầu tư FDI, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính; kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác chuyển đổi số nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. 

Với quyết tâm xây dựng Thái Bình thực sự là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn nhà đầu tư, tỉnh xác định đổi mới mạnh mẽ công tác thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại cuộc họp UBND tỉnh nghe báo cáo kết quả thu hút đầu tư 8 tháng năm 2024 và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tổ chức trung tuần tháng 9/2024, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới mỗi cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương phải thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao; đổi mới phương pháp, cách tiếp cận công việc; làm việc tận tâm, tận lực, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm mục tiêu hướng tới; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết công việc; rà soát lại các thủ tục hành chính, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; công khai, minh bạch thời gian, thủ tục, trình tự và kết quả giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan chủ trì trong quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư...

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày