Thứ 6, 26/04/2024, 09:29[GMT+7]

“Đất vàng” cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thứ 5, 10/10/2019 | 08:55:46
4,710 lượt xem
Với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp cùng với định hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, Thái Bình trở thành “đất vàng”, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

Chế biến ngao của Công ty TNHH Nghêu Thái Bình (Tiền Hải).

Lợi thế vượt trội

Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông liên kết, hiện đại là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, thương mại, trao đổi hàng hóa với các địa phương trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình cách thành phố Hải phòng 70km và cách Hà Nội 110km. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là vị trí đắc địa để khai thác các hạ tầng sẵn có của các địa phương như cảng biển nước sâu Lạch Huyện, sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) và sân bay quốc tế Nội Bài. Thêm vào đó, tỉnh đang nâng cấp quốc lộ 39A, 39B đạt tiêu chí cấp III đồng bằng; nâng cấp quốc lộ Hà Nam - Thái Bình - Hải Phòng; triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình đến Thanh Hóa sẽ giúp tỉnh kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các khu vực kinh tế khác trong cả nước.

Hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống lúa của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Ít nơi nào có điều kiện tự nhiên, sinh thái đa dạng, địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu màu mỡ như ở Thái Bình. Với bờ biển dài 54km, bãi triều rộng 250km2, diện tích đất nông nghiệp trên 100.000ha, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm, Thái Bình trở thành địa phương giàu tiềm năng nhất cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và phát triển công nghiệp chế biến. Cùng với đó, toàn tỉnh có hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, vùng sản xuất được quy hoạch hoàn chỉnh, đồng bộ nhờ có sự đầu tư lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Bất cứ nhà đầu tư nào đến với Thái Bình sẽ đều cảm thấy hấp dẫn bởi nguồn nhân lực dồi dào. Số người trong độ tuổi lao động của tỉnh khoảng trên 1,2 triệu người, trong đó 49,5% lao động sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản. Mỗi năm toàn tỉnh có trên 30.000 người bước vào độ tuổi lao động. Chất lượng nguồn nhân lực rất cao với tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 55% tổng số lao động toàn tỉnh. Trên địa bàn có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng và 26 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo trên 33.500 người/năm sẽ giúp cho tỷ lệ lao động qua đào tạo thời gian tới không ngừng nâng lên, là điều kiện thuận lợi giúp cho các dự án, doanh nghiệp triển khai hoạt động ngay và có hiệu quả.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp với tổng diện tích lên tới gần 31.000ha. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, với việc quy hoạch đồng bộ, tính khả thi cao và được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại cộng với nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhất là dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thì Thái Bình sẽ trở thành trung tâm tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp không chỉ của tỉnh mà cả khu vực đồng bằng sông Hồng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những “con sếu” bay về

Nhận thấy rõ những lợi thế so sánh của tỉnh, thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn - nói như đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đó là những “con sếu” mạnh đã tìm đến nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân với dự án xây dựng trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi tại xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình); Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao An Thái Thái Bình với dự án đầu tư xây dựng trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi tại xã Việt Thuận (Vũ Thư); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Thọ Phát với dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở xã Thái Hưng (Thái Thụy); Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, Công ty TNHH Phương Nam, Công ty Bồ Vàng đầu tư vào phát triển nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích gần 140ha tại hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy.

Thái Bình hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, vùng sản xuất hàng hóa lớn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ngoài các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng có hàng chục doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến, xuất khẩu nông sản thực phẩm. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Nghêu Thái Bình, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Anh Tuấn... với doanh thu, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 - 6 triệu USD/năm.

Thu hút cả “đàn sếu”

Với mục tiêu giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, Thái Bình đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Theo đó, toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện 5 hướng đột phá bao gồm: tăng quy mô đồng ruộng, tiến lên nền sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; xây dựng một số chuỗi giá trị nông sản chính; ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; rút mạnh lao động ra khỏi nông nghiệp, nông thôn tạo tiền đề cho tích tụ ruộng đất; đột phá về môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp. Đó vừa là định hướng vừa là giải pháp quan trọng mở đường cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh trong thời gian tới.

Không dừng lại ở đó, để thu hút các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư. Các lĩnh vực doanh nghiệp đầu tư được tỉnh hỗ trợ, khuyến khích gồm: xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm; cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản; đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác hải sản; xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản... Đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao thuộc danh mục khuyến khích được hưởng ưu đãi về đất đai; trong đó được miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu đối với dự án đầu tư tại địa bàn huyện Tiền Hải, Thái Thụy, miễn tiền thuê đất trong 11 năm đầu đối với dự án đầu tư tại vùng nông thôn khác. Doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản; hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác hải sản; hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và hỗ trợ sản xuất cây vụ đông.

Hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn sẽ là tấm thảm đỏ được trải ra đưa các doanh nghiệp lớn đến với Thái Bình đầu tư vào nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Từ những hiệu quả thực tế khi đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua của những “con sếu” tiên phong, hy vọng thời gian tới sẽ có cả “đàn sếu” bay về cùng Thái Bình xây dựng “thủ phủ” nông nghiệp hiện đại bậc nhất của cả nước.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày