Phục hồi chức năng sau đột quỵ tránh bỏ lỡ “thời gian vàng”
Bệnh nhân Bùi Ngọc Võ, 56 tuổi, xã Văn Lang (Hưng Hà) phát hiện bị đột quỵ não từ đầu năm 2024 và phải mổ, ghép sọ não. Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân được chuyển điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng cơ xương khớp, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Từ nằm hoàn toàn trên giường bệnh, không tự dậy được, phải chăm sóc toàn diện, đến nay bệnh nhân đã có những tiến triển tốt.
Bà Nghiêm Thị Minh Nguyệt, vợ bệnh nhân chia sẻ: Đột quỵ do cao huyết áp khiến chồng tôi bị liệt nửa người. Qua các đợt điều trị, đến nay chồng tôi đã có tiến triển tốt, chân trái đã nhấc lên được, đang tập đi và đã nói chuyện được bình thường. Hàng ngày, các bác sĩ, nhân viên y tế đều xuống xoa bóp, hướng dẫn tập vận động. Cũng may là phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên cũng hạn chế phần nào biến chứng của đột quỵ não.
Cùng điều trị ở Khoa Phục hồi chức năng cơ xương khớp, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh còn có bệnh nhân Nguyễn Thị Lanh, xã An Đồng (Quỳnh Phụ). Bị đột quỵ từ cuối năm 2021. Đến nay, qua 3 đợt điều trị, với sự hỗ trợ của gậy tập đi, bệnh nhân đã tự đi được.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Lanh cho biết: Lúc đầu tôi bị đau chân, không đứng vững được, tưởng chỉ là bệnh xương khớp tuổi già song qua thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi được chẩn đoán bị đột quỵ. Căn bệnh này khiến tôi bị liệt nửa người bên trái. Cứ nghĩ tuổi “xế chiều” cuộc sống sẽ chỉ xoay quanh chiếc giường. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm, tận tình chăm sóc, điều trị của các bác sĩ, nhân viên y tế qua việc châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... đến nay tôi đã tự nhấc tay, nhấc chân được. Tôi rất phấn khởi.
Theo thống kê của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, từ đầu năm đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị sau đột quỵ 736 bệnh nhân, chiếm 29,2% tổng số bệnh nhân điều trị. Các bệnh nhân nhập viện với mức độ, tình trạng bệnh khác nhau.
Bác sĩ Nguyễn Thái Sinh, Trưởng khoa Phục hồi chức năng cơ xương khớp, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Bệnh nhân đột quỵ não thường là bệnh nhân ở tuyến trên chuyển về sau khi thực hiện các phẫu thuật, điều trị. Khi chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng vẫn phải thở máy, xông, tiểu tiện chưa kiểm soát được, trong đó nhiều trường hợp liệt nặng, không thể tự lăn trở, phải chăm sóc toàn diện. Những trường hợp nhẹ hơn thì tự lăn trở được nhưng chưa tự đứng và đi được, không thể tự sinh hoạt hàng ngày. Di chứng sau đột quỵ não thường rất nặng nề như: liệt vận động, không giao tiếp được hoặc khó giao tiếp. Khi bị liệt có thể dẫn tới loét, nhiễm trùng đường tiểu, đường hô hấp, viêm phổi và co rút cơ, teo cơ. Phục hồi chức năng là cách duy nhất để bệnh nhân cải thiện khả năng linh hoạt của cơ, giữ thăng bằng cơ thể và có thể tự di chuyển sớm hòa nhập vào xã hội. “Thời gian vàng” phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ là trong khoảng 6 tháng đầu.
Đột quỵ não thường gây yếu cơ, khó khăn trong việc di chuyển, nuốt, nói và thực hiện các hoạt động thường ngày. Việc điều trị cho người bệnh sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh, mức độ liệt. Mỗi giai đoạn lại có những bài tập với các mục tiêu khác nhau. Bệnh nhân bị liệt nằm, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ điều trị để bệnh nhân có thể tự lăn trở, sau đó tự ngồi dậy, đứng và tập đi. Bệnh nhân bị thất ngôn sẽ có chương trình trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp, các bài tập sẽ giúp cải thiện khả năng nói, hiểu và nuốt. Với bệnh nhân rối loạn cơ tròn, không tự chủ được tiết niệu, tiêu hóa... sẽ có phương pháp điều trị, bài tập khác. Ngoài ra, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ sử dụng các dụng cụ trợ giúp như nạng, xe lăn, gậy đi bộ để cải thiện khả năng di chuyển tự chăm sóc của người bệnh và phối hợp với các phương pháp trị liệu y học cổ truyền tập các động tác tinh bàn tay giúp bệnh nhân sử dụng được các dụng cụ sinh hoạt.
Bác sĩ Nguyễn Thái Sinh cho biết thêm: Các dạng đột quỵ não gồm: nhồi máu não và xuất huyết não. Cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid... là các yếu tố có liên quan đến đột quỵ. Do đó, để phòng tránh đột quỵ não cần kiểm soát những yếu tố nguy cơ về huyết áp, tiểu đường cũng như thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Đột quỵ có “thời gian vàng” cấp cứu và “thời gian vàng” phục hồi chức năng sau đột quỵ. Nếu người bệnh được điều trị sớm thì cơ hội phục hồi càng cao, di chứng để lại ít, điều trị muộn thì cơ hội phục hồi thấp đi. Bệnh nhân đột quỵ không có nhiều dấu hiệu đặc trưng do bệnh tiến triển âm thầm. Khi thấy các dấu hiệu như: một hoặc cả hai mắt đột nhiên bị mờ nhòe, không nhìn rõ; tê bì chân tay, yếu hoặc liệt nửa người; nói khó, nói líu lưỡi, phát âm không rõ chữ, nói ngọng; cơ thể mệt mỏi, mất thăng bằng... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bác sĩ hướng dẫn người bệnh tập bài tập giữ thăng bằng.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam