Thứ 6, 22/11/2024, 05:45[GMT+7]

Phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ: Nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó

Thứ 5, 19/09/2024 | 08:46:30
3,982 lượt xem
Ngay sau khi nước rút, ngành y tế và các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp xử lý môi trường, nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh tại những nơi bị ngập sâu.

Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh tại xã Vũ Vân (Vũ Thư).

Nằm ngoài đê bối, trong đợt bão, lũ vừa qua ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Sửu, thôn Hà Xá 1, xã Tân Lễ (Hưng Hà) bị ngập sâu khiến sinh hoạt gia đình đảo lộn. Sau khi nước rút, gia đình bà đã tập trung dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. 

Bà Nguyễn Thị Sửu chia sẻ: Mưa, bão, lũ khiến nước dâng cao, ngập đến cửa sổ nhà. Khi bị ngập, côn trùng, nhất là ruồi, muỗi bay vào nhà trú đậu, giun chết, rác đọng trong nhà nên gia đình tôi lo lắng các dịch bệnh có thể xảy ra. Vì thế, ngay khi nước rút gia đình đã tổ chức quét dọn, rửa bùn đất trong nhà và sân, vệ sinh môi trường. 

Ông Trần Văn Phi, Bí thư Chi bộ thôn Hà Xá 1 chia sẻ: Trong đợt bão, lũ vừa qua, thôn Hà Xá 1 có 28 hộ bị ngập. Ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã kêu gọi người dân trong thôn vệ sinh môi trường, phát quang đường làng, ngõ xóm để bảo đảm môi trường, bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh. Trước mắt chúng tôi thực hiện vệ sinh môi trường còn hóa chất phun khử trùng tiêu độc chúng tôi chưa có, rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp. Khi bão, lũ xảy ra, chúng tôi nhận được tình cảm, sự chia sẻ từ các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức và nhân dân, chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm, động viên kịp thời này. Đó là điều rất trân quý lúc hoạn nạn, khó khăn. 

Thôn Hà Xá 1, xã Tân Lễ (Hưng Hà) có 28 hộ dân bị ngập, sau khi nước rút người dân tiến hành vệ sinh môi trường.

Trong đợt bão, lũ vừa qua, huyện Hưng Hà có một số khu vực bị ngập. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Trung tâm Y tế huyện đã cấp hóa chất, thuốc... cho các địa phương. 

Ông Nguyễn Quang Đới, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão, Trung tâm đã có văn bản chỉ đạo gửi các địa phương đề nghị thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, nhất là các xã có vùng bị ngập lụt. Trước khi bão số 3 đổ bộ, Trung tâm đã cấp cho mỗi xã, thị trấn 10kg Cloramin B; sau bão cấp tiếp cho 13 xã có vùng bị ngập, mỗi xã 10kg Cloramin B. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng cấp thuốc diệt muỗi và trao hơn 500 túi thuốc gia đình do Sở Y tế phân bổ về cho các địa phương. 

Tại xã Vũ Vân (Vũ Thư), toàn xã có 25 hộ bị ngập sâu. Với tinh thần nước rút đến đâu tổ chức vệ sinh môi trường đến đó, dưới sự hướng dẫn của ngành y tế, các hộ dân đã chủ động vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước phòng, chống dịch bệnh. 

Bác sĩ Ngô Thị Tâm, Trưởng trạm Y tế xã Vũ Vân chia sẻ: Ngoài việc tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường cho người dân trên hệ thống loa truyền thanh xã 2 lần/ngày, Trạm Y tế xã cũng đã thường xuyên giám sát, xử lý môi trường, nguồn nước sinh hoạt, tham mưu cho xã cấp Cloramin B cho các hộ bị ngập lụt. Mỗi gia đình được cấp 500g Cloramin B. Sau khi vệ sinh môi trường, các hộ sẽ dùng để phun, lau chùi bề mặt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị nhân viên y tế thôn thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó. Đến nay, nhiều hộ dân trong khu vực ngoài đê bao bị ngập đã vệ sinh nhà cửa, sân vườn. Khi nước rút hết sẽ tiến hành vệ sinh tiếp ở các vùng còn lại. Đối với một số khu vực trong đê bị ngập úng do mưa, sau khi nước rút cũng sẽ huy động nhân lực để thực hiện vệ sinh môi trường. Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Trạm Y tế đã tham mưu Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân xã có tờ trình đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp thêm thuốc diệt muỗi. 

Trong và sau mưa, bão, ngập lụt, các vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải, xác động vật... hòa vào dòng nước gây ô nhiễm môi trường, có thể làm lây lan dịch bệnh nếu việc vệ sinh, khử khuẩn không bảo đảm. Đợt ngập lụt vừa qua cũng làm gián đoạn việc cung cấp người sạch sinh hoạt, ô nhiễm nguồn nước ở một số địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn đang lưu hành một số bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, tiêu chảy, đau mắt đỏ... Nhằm tăng cường triển khai phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường do mưa, lũ, ngập lụt mới đây, Sở Y tế đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, Sở Y tế đề nghị các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về khắc phục hậu quả do bão, lũ theo phương châm nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm, các biện pháp xử lý môi trường, nước, có phương án cấp nước sạch đến vùng ngập lụt. Các huyện, thành phố rà soát, bổ sung hóa chất phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường khi nước rút theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau bão, lũ, ngập lụt, như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết... 

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão, lũ là điều có thể xảy ra, nhất là ở các khu vực bị ngập. Giải pháp hiệu quả mà mỗi địa phương, đơn vị, gia đình cần làm ngay là nước rút đến đâu tỏ chức vệ sinh môi trường đến đó để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tránh chủ quan, lơ là. 

Nước rút đến đâu, người dân làm vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa đến đó. 

Hoàng Lanh