Thứ 6, 22/11/2024, 05:45[GMT+7]

Thí điểm thực hiện học bạ số cấp tiểu học: Kết quả khả quan

Thứ 6, 20/09/2024 | 09:10:30
3,504 lượt xem
Sau 3 tháng triển khai thí điểm (từ tháng 4 - 6/2024), việc thực hiện học bạ số cấp tiểu học đã bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, đây chính là giải pháp tối ưu để quản lý học bạ một cách thống nhất, khoa học, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian. Việc thực hiện thí điểm học bạ số sẽ là cơ sở quan trọng để các trường triển khai đồng bộ trong năm học 2024 - 2025.

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Đông Phương (Đông Hưng) sẽ thực hiện học bạ số từ khối 1 đến khối 5.

Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số bảo đảm lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp tiểu học. Đồng thời, bảo đảm nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành. Trong 3 tháng vừa qua, 281 cơ sở giáo dục có cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm học bạ số. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: Với số học sinh mới nhập học và tốt nghiệp tiểu học, THCS mỗi năm, khối lượng học bạ mà các trường trên địa bàn huyện đang phải lưu trữ rất lớn nên dễ bị thất lạc, mất dữ liệu. Nếu triển khai học bạ số một cách đồng bộ sẽ giảm bớt hệ thống hồ sơ, sổ sách, văn bản giấy, giúp việc lưu trữ, bảo quản, tra cứu hồ sơ an toàn, nhanh chóng hơn. Việc này đồng thời giảm bớt gánh nặng cho giáo viên bởi hiện giáo viên phải ký, nhận xét thủ công từng học sinh trên hồ sơ giấy, rất mất thời gian. Nhưng với học bạ số, chỉ cần ký một lần giáo viên có thể hoàn thành cho 100% học bạ học sinh mình dạy. Tương tự đối với cán bộ quản lý cũng vậy. Một ưu điểm nữa là việc đưa lên phần mềm giúp khâu quản lý chặt chẽ hơn theo phân cấp. Là cơ sở, điều kiện thuận lợi để thực hiện triệt để việc giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. 

Trong thời gian thí điểm, Trường Tiểu học Đông Phương (Đông Hưng) đã hoàn tất 150/154 học bạ số cho học sinh từ lớp 1, năm học 2023 - 2024. Thay vì phải in ra giấy và ký tay toàn bộ thì chỉ cần vài cú nhấp chuột giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường đã hoàn thành việc ký, đóng dấu học bạ trên hệ thống mà không cần mất quá nhiều thời gian. Bà Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi tham gia hội nghị tập huấn chung về học bạ số cấp tiểu học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo từng tổ chuyên môn; đồng thời, hướng dẫn thực hiện thí điểm cho các lớp khối 1. 100% cán bộ, giáo viên toàn trường đều sử dụng thành thục các phần mềm giáo dục và chữ ký số cho hồ sơ điện tử nên việc triển khai học bạ số không gặp nhiều vướng mắc. Sau khi giáo viên hoàn tất các bước trên hệ thống, hiệu trưởng sẽ ký duyệt và đóng dấu học bạ. Tất cả thao tác đều được thực hiện trên hệ thống nên bảo đảm thống nhất, khoa học, chính xác, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, tăng tính công khai, minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm. Tuy nhiên, qua thực hiện thí điểm học bạ số cũng xuất hiện một số hạn chế như: các dữ liệu chưa đồng bộ hoàn toàn, trong đó có 4 học sinh khuyết tật học hòa nhập. Vì vậy, chúng tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tháo gỡ những vướng mắc để năm học 2024 - 2025 việc thực hiện đại trà học bạ số ở tất cả khối, lớp sẽ thuận lợi hơn. 

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Vì dữ liệu về quá trình học tập của học sinh đã được kế thừa từ phần mềm quản lý nhà trường nên công tác thí điểm học bạ số khá thuận lợi; giáo viên không mất nhiều thời gian để nhập liệu thông tin đối với quá trình học tập của học sinh. Cùng với đó, Viettel Thái Bình cũng tích cực hỗ trợ cung cấp giải pháp học bạ số và chữ ký số cá nhân cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường tham gia thí điểm. Tuy nhiên, trình độ công nghệ thông tin của giáo viên chưa đồng đều; một số người tiếp cận và thao tác còn chậm; cùng với đó là một số hạn chế về mặt kỹ thuật. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các điều kiện để triển khai đại trà học bạ số của cả 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT theo kế hoạch trong năm học 2024 - 2025. 

Trường Tiểu học Diêm Điền (Thái Thụy) có nhiều thuận lợi khi thực hiện học bạ số. 

Đặng Anh