Thứ 6, 22/11/2024, 00:33[GMT+7]

Phụ nữ Đông Quan: Giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ 6, 20/09/2024 | 10:44:01
5,585 lượt xem
Với tinh thần chung tay vì hội viên phụ nữ nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Quan (Đông Hưng) tích cực thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Chị Hoàng Thị Ngân, xã Đông Quan mỗi vụ thu 10 tấn củ riềng.

Cách đây 2 năm kinh tế khó khăn nên chị Hoàng Thị Ngân, thôn Nam Doanh được Hội LHPN xã tín chấp với ngân hàng cho vay trên 70 triệu đồng, cử tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đi tham quan một số mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài huyện. Có vốn, có kiến thức chị Ngân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 6 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả phát triển mô hình VAC. 

Chị Ngân cho biết: Tôi thấy củ riềng ngoài việc sử dụng để nấu ăn trong gia đình, có nhiều doanh nghiệp cũng cần số lượng lớn riềng để chế biến, xuất khẩu làm gia vị, nên rất dễ bán. Mặt khác, riềng là cây dễ trồng và ít bị sâu bệnh. Vì vậy, tôi đã trồng 4 sào riềng. Mỗi vụ gia đình thu trên 10 tấn củ riềng, thương lái tới tận nhà mua, giá ổn định 8.000 - 9.000 đồng/kg. Riềng 2 năm cho thu hoạch, vì vậy để lấy ngắn nuôi dài, trên bờ tôi xây chuồng nuôi trên 1.000 con ngan và hàng chục con chim bồ câu, dưới ao tôi thả cá truyền thống. Ngan, chim bồ câu chị Ngân mua giống ở cơ sở uy tín, tiêm phòng đầy đủ, đúng định kỳ, giữ chuồng sạch sẽ, cho ăn đủ chất nên không bị dịch bệnh, xuất chuồng 2 lần/năm. Ngoài ra, chị Ngân còn cấy 4 mẫu lúa hàng hóa, thu 8 - 9 tấn thóc/vụ. Mỗi năm gia đình chị Ngân thu trên 100 triệu đồng từ phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Còn chị Bùi Thị Huế, thôn Phong Châu cũng nhờ nguồn vốn vay, kiến thức tiếp thu được từ các lớp tập huấn do các cấp hội phụ nữ tổ chức, chị năng động, tích cực học hỏi và mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. 

Chị Bùi Thị Huế, xã Đông Quan làm giàu với mô hình kinh tế vườn. 

Chị Huế chia sẻ: Khi tôi còn đang loay hoay chưa biết làm gì để tăng thu nhập cho gia đình thì được Hội LHPN xã tập huấn trang bị kiến thức phát triển sản xuất, chăn nuôi, khởi sự kinh doanh. Xây dựng xong kế hoạch thì lại thiếu vốn, Hội LHPN xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho tôi vay vốn đầu tư làm ăn. Trên diện tích gần 4.000m2 vườn và ao tôi trồng trên 400 cây ăn quả các loại kết hợp nuôi chim bồ câu, cá, ba ba... Gia đình cũng buôn bán vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương. Doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/năm. 

Để đồng hành cùng chị em phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, hàng năm Hội LHPN xã Đông Quan phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình hiệu quả để chị em về áp dụng vào thực tiễn đồng ruộng, vườn, ao, chuồng của gia đình. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn tín chấp với các ngân hàng cho gần 600 hội viên vay trên 37 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, khởi sự doanh nghiệp. 

Bà Hà Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Quan cho biết: Hiện toàn xã có trên 40 mô hình kinh tế do chị em làm chủ, mỗi năm cho thu nhập hàng chục tới hàng trăm triệu đồng, trong đó 3 mô hình được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen. 3 năm qua, Hội LHPN xã bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả đã đồng hành, giúp 16 gia đình do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống 0,9%. 

Thời gian tới, không chỉ tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật mà trên cơ sở các mô hình phát triển kinh tế thành công, Hội LHPN xã tổ chức cho các hội viên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm; vận động các chị phát triển kinh tế hiệu quả chia sẻ, giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ giống chất lượng cho các chị em có nhu cầu để cùng phát triển kinh tế gia đình. 


Thu Hiền