Thứ 6, 22/11/2024, 05:34[GMT+7]

Luật Đất đai năm 2024: Động lực mới cho phát triển bền vững Kỳ 1: Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai

Thứ 2, 23/09/2024 | 08:36:39
12,912 lượt xem
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Với nhiều điểm mới mang tính đột phá, Luật được kỳ vọng sẽ từng bước gỡ những “điểm nghẽn” trong các quy định liên quan đến đất đai.

Đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng khu dân cư thuộc phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình).

Sau gần một thập kỷ thực hiện Luật Đất đai năm 2013, những chính sách, pháp luật về đất đai là nền tảng để Thái Bình kiên định quan điểm phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Tạo nguồn lực phát triển

Những năm qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp đã tác động mạnh mẽ đối với kinh tế, tạo ra “cú hích” lớn với quỹ đất mới. Đây chính là tiền đề để Thái Bình phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020; lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); xây dựng phương án phân bổ đất đai đến năm 2030 trong Quy hoạch tỉnh. Căn cứ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho các địa phương để thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, chính sách, pháp luật về đất đai từng bước được hoàn thiện và được triển khai kịp thời đến các tầng lớp trong xã hội trên địa bàn tỉnh; từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; khắc phục những bất cập về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, từng bước giải quyết tốt hơn quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện lồng ghép với công tác thanh tra, kiểm tra đất đai các cấp. Đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương và tại các doanh nghiệp; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạn chế khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài về đất đai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, hệ số sử dụng đất canh tác tăng dần qua các năm; tạo quỹ đất thực hiện dự án đầu tư, hình thành các khu đô thị hiện đại..., không chỉ góp phần tích cực giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên những không gian sống tốt hơn. Các dự án giao thông như đường Thái Bình - Hà Nam, đường vành đai phía Nam thành phố, tuyến tránh quốc lộ 10, 39A, 39B, tuyến đường bộ ven biển... đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực. 

Huyện Thái Thụy cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường bộ ven biển.

Đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa

Với định hướng phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo tập trung phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế về nguyên liệu, nguồn nhân lực, tăng cường thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao đã quy hoạch bố trí quỹ đất dành cho các khu, cụm công nghiệp, khu làng nghề truyền thống và khu sản xuất, kinh doanh tập trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất tại địa phương cơ bản phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; đồng thời, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và nhu cầu đô thị hóa của tỉnh; diện tích đất khu, cụm công nghiệp đáp ứng được yêu cầu thu hút nhà đầu tư vào hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Thái Bình hiện có 10 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp. Đặc biệt nổi bật và hấp dẫn là Khu kinh tế Thái Bình với diện tích 30.583ha, trong đó diện tích cho công nghiệp hơn 8.000ha. Đây là lợi thế rất lớn để Thái Bình bứt phá phát triển công nghiệp. Khu kinh tế được xây dựng theo mô hình tổng hợp, đa ngành, thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống.

Nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã trở thành khu công nghiệp điển hình trong thu hút đầu tư, chỉ 2 năm sau ngày động thổ đã thu hút được 20 dự án với tổng số vốn gần 1,3 tỷ USD với các ngành nghề thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm tin học, công nghiệp cơ khí, chế tạo máy, tự động hóa, linh kiện ôtô, nông cụ tiên tiến..., sản xuất hạn chế phát sinh rác thải, ít tác động đến môi trường. 

Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Thái Thụy, chỉ sau hơn 2 năm công tác giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Liên Hà Thái đã cơ bản hoàn thành với gần 600ha đất của trên 3.600 gia đình và 4 doanh nghiệp. Trong đó, đất lúa trên 3.200 hộ, đất chuyển đổi và đất bãi bồi ven sông 332 hộ, đất ở 64 hộ; di chuyển gần 2.000 ngôi mộ... để dành đất cho sản xuất công nghiệp. Qua đó, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố Thái Bình
Những năm qua, chính sách, pháp luật về đất đai từng bước được hoàn thiện và được triển khai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, khắc phục những bất cập về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 cũng bộc lộ nhiều bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng, gặp khó khăn, vướng mắc trong áp dụng.

Ông Đặng Đình Thiêm, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư)
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đã được địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời, giúp người sử dụng đất nắm được những quy định cơ bản, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Các chính sách tài chính về giá đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất được công khai, minh bạch, bám sát quyền và lợi ích của người dân. Tình trạng vi phạm về sử dụng đất đã từng bước được hạn chế.

(còn nữa)

Minh Nguyệt