Thứ 6, 27/09/2024, 14:22[GMT+7]

Bão số 3 để lại gì cho doanh nghiệp?

Thứ 2, 23/09/2024 | 08:47:44
3,509 lượt xem
Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng bão số 3 đã làm không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thiệt hại nặng về tài sản. Sau bão, khi đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu: Các doanh nghiệp cần đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm để có được bài học ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai.

Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của bão số 3.

Chủ động từ xa

Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ là doanh nghiệp lớn với 10 nhà máy, tổng diện tích nhà xưởng lên tới hàng trăm nghìn m2 và hàng chục héc-ta cây xanh. Trước khi bão số 3 đổ bộ, Công ty đã xây dựng phương án ứng phó, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ chống bão. 

Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Hệ thống nhà xưởng của chúng tôi được thiết kế có sức chống chịu cao với bão gió, nhưng trước mỗi cơn bão Công ty đều chỉ đạo lực lượng kỹ thuật kiểm tra, đánh giá để phát hiện những mối nguy, kịp thời có biện pháp xử lý. Tất cả 10 nhà máy đều an toàn trước bão số 3 giúp Công ty tổ chức sản xuất trở lại ngay khi bão tan. Phấn khởi nhất là do nắm bắt, cập nhật kịp thời tình hình bão, Công ty có kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn cho gần 16.000 lao động.

Chủ động từ sớm là phương châm chỉ đạo ứng phó với bão của Công ty Cổ phần Green i-Park (khu công nghiệp Liên Hà Thái). 

Ông Nguyễn Minh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: An toàn tính mạng, tài sản của người lao động và doanh nghiệp là trên hết nên chúng tôi huy động trí tuệ tập thể và mọi nguồn lực để tập trung ứng phó với bão. Song song với việc làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, Green i-Park cũng chủ động phương tiện, bố trí hậu cần hỗ trợ các nhà đầu tư thứ cấp tại khu công nghiệp Liên Hà Thái trong những tình huống nguy cấp. Dù đã chuẩn bị tốt các phương án và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhưng ngay khi bão bắt đầu đổ bộ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Công ty vẫn chỉ đạo lực lượng xuống hiện trường kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các doanh nghiệp, đồng thời kiên quyết chỉ đạo di dời công nhân sơ tán về văn phòng của Green i-Park tránh trú. Chính vì vậy, mặc dù ở ven biển chịu sức gió bão mạnh nhưng cơ bản nhà xưởng, công trình của các nhà đầu tư trong khu công nghiệp không bị thiệt hại, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người.

Kho nguyên liệu của Công ty Cổ phần Đô Lương bị bão số 3 làm tốc mái.

Linh hoạt ứng phó

Bão số 3 không chỉ làm hư hỏng nhà xưởng của doanh nghiệp mà còn tàn phá hệ thống cây xanh, hạ tầng điện, thông tin, gây khó khăn cho công tác liên lạc, chỉ đạo ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, tại một số khu công nghiệp, doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt nguồn điện dự phòng và thiết bị liên lạc nội bộ nên ngay khi xảy ra sự cố về nhà xưởng, lực lượng PCTT tại chỗ luôn nhận được sự chỉ đạo và hướng dẫn biện pháp ứng phó giảm nhẹ thiệt hại. 

Ông Vũ Hùng Việt, Giám đốc Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình - Micco (cụm công nghiệp Thái Thọ, Thái Thụy) cho biết: Việc phân công lực lượng ứng trực nghiêm túc kết hợp với công nghệ quản lý, giám sát tự động từ xa giúp chúng tôi nhanh chóng phát hiện vị trí và mức độ sự cố tốc mái do bão gây ra. Đặc biệt, hệ thống thông tin liên lạc trong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Công ty luôn bảo đảm thông suốt nên công tác chỉ đạo ứng phó nhanh chóng, hiệu quả. Tuy mái nhà kho thành phẩm và xưởng sản xuất bị bão làm tốc một phần nhưng toàn bộ thiết bị máy móc, sản phẩm không bị thiệt hại nhờ có biện pháp ứng phó kịp thời.

Khi xảy ra thiên tai, bên cạnh bảo đảm an toàn cho người lao động, việc nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ họ trong và sau bão có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định nguồn nhân lực, sẵn sàng trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Bà Phan Thị Oanh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (cụm công nghiệp Tân Minh, Vũ Thư) cho biết: Chia sẻ với người lao động bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty đã quyết định chi gần 130 triệu đồng hỗ trợ gạo và một số nhu yếu phẩm. Tuy trị giá vật chất không lớn nhưng sự quan tâm kịp thời của Công ty đã động viên người lao động vượt qua khó khăn, yên tâm trở lại nhà máy làm việc.

Thiệt hại là điều không ai muốn song khi đã xảy ra rồi doanh nghiệp phải biết ưu tiên các công việc quan trọng để triển khai khắc phục nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh. 

Ông Ninh Xuân Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Đô Lương (cụm công nghiệp Đô Lương, Đông Hưng) cho biết: Bão số 3 đã làm tốc khoảng 6.500m2 mái xưởng sản xuất và nhà kho làm hư hỏng hàng trăm thiết bị, máy móc và nguyên liệu, phụ liệu may mặc, ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Việc sửa chữa lại nhà xưởng sẽ mất rất nhiều thời gian nên để có thể phục hồi sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động được ngay, chúng tôi phải sắp xếp lại các xưởng sản xuất, phân loại máy móc và nguyên liệu còn sử dụng được, lên kế hoạch đầu tư mua máy mới, nhập bổ sung nguyên liệu bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiến độ giao hàng cho các đối tác.

Sẵn sàng đối diện với thiên tai

Muốn ứng phó hiệu quả và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, không cách nào khác là phải đối diện với nó và có phương án cụ thể. Từ thiệt hại xảy ra do bão số 3, ông Đỗ Khắc Đại, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần bao bì 3D (cụm công nghiệp Đô Lương, Đông Hưng) chia sẻ bài học đắt giá của mình: Dù mới đầu tư hay công trình cũ thì chúng ta vẫn cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá đúng khả năng chống chịu thiên tai của công trình. Đặc biệt, doanh nghiệp phải nhận diện được các điểm yếu và dự kiến vấn đề phát sinh từ đó đề ra phương án xử lý, chuẩn bị nhân lực, vật tư gia cố cho công trình.

Sau khi phân tích nguyên nhân 2 dãy nhà xưởng và kho nguyên liệu mới đầu tư, đưa vào sử dụng đã bị bão tàn phá, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đô Lương nhận ra thiết kế phần mái của 2 công trình này thiếu hệ thống giằng và ke bão cho mái tôn. 

Ông Ninh Xuân Thảo, Giám đốc Công ty cho biết: Lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế, xây dựng rất quan trọng, nhất là việc duyệt thiết kế cần đặc biệt chú ý bởi nó liên quan trực tiếp đến chất lượng công trình. Doanh nghiệp cần đầu tư đúng mức cho cơ sở hạ tầng và công nghệ để tăng khả năng chống chịu của công trình trước các cấp độ thiên tai.

Bão số 3 là một “trải nghiệm” không hề dễ chịu nhưng nó cho mỗi doanh nghiệp và cả ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp nhiều bài học. 

Ông Bùi Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị và các biện pháp ứng phó với bão số 3 nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Rõ ràng, “4 tại chỗ” trong PCTT là đúng nhưng chưa đủ, đã đến lúc phải có quy định về việc diễn tập định kỳ như diễn tập phòng cháy, chữa cháy, diễn tập sự cố hóa chất để vừa nâng cao ý thức cảnh giác của doanh nghiệp vừa huấn luyện cho lực lượng chuyên trách biết việc, thuần thục kỹ năng ứng phó thiên tai. Diễn tập cũng sẽ giúp doanh nghiệp phát hiện ra những điểm yếu từ cơ sở hạ tầng đến thực hành chống bão, lũ, từ đó kịp thời bổ khuyết phương án phòng, chống hiệu quả nhất, không để xảy ra thiệt hại trong tương lai khi biến đổi khí hậu và thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Khắc Duẩn