Thứ 6, 22/11/2024, 04:18[GMT+7]

UOB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam do bão Yagi

Thứ 4, 25/09/2024 | 09:02:55
791 lượt xem
Do tác động từ bão Yagi, UOB giảm nhẹ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 6% xuống 5,9%.

Một góc Khu công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng sau bão Yagi vào ngày 18/9. Ảnh: Lê Tân

Theo báo cáo mới phát hành của ngân hàng Singapore United Overseas Bank, đà tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong nửa đầu năm khó duy trì trong thời gian còn lại năm nay vì ảnh hưởng bởi bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền so sánh cao vào nửa cuối 2023.

Dự kiến ảnh hưởng từ cơn bão này sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III và đầu quý IV ở phía Bắc, thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ bị hư hỏng.

Vì vậy, kinh tế quý III và IV sẽ chậm lại lần lượt ở mức 5,7% và 5,2%, giảm so với dự báo trước đó là 6% và 5,4%. Vào quý II, GDP tăng đến 6,93%.

"Tuy nhiên, ngoài những gián đoạn tạm thời này, các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc", báo cáo nhận định. Kết quả tăng trưởng cả năm nay dù có thể giảm 0,1 điểm % so với dự báo trước nhưng vẫn là "sự phục hồi tích cực" so với 2023, theo UOB.

Trước đó, theo ước tính sơ bộ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng, sau khi quét qua 26 địa phương, nơi chiếm khoảng 41% GDP và 40% dân số đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương chậm lại. GDP 2024 vì thế có thể giảm 0,15% so với kịch bản không có bão, ước đạt 6,8-7%.

Bất chấp tác động từ cơn bão và tỷ giá VND phục hồi đáng kể từ tháng 7, UOB cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% và tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cùng các biện pháp hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, có hai áp lực cần chú ý. Một là rủi ro lạm phát, khi CPI toàn phần 8 tháng đầu năm tăng 4% so với cùng kỳ 2023, gần mục tiêu 4,5%. Áp lực tăng giá có thể tăng sau gián đoạn trong sản lượng nông nghiệp, vì thực phẩm chiếm 34% trọng số CPI, theo nhà băng này.

Cùng với đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 có thể làm tăng khả năng và áp lực đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc cân nhắc nới lỏng chính sách một cách tương tự.

Điểm tích cực là VND đã có mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2% đạt mức 24.630 đồng đổi một USD. Áp lực bên ngoài từ sức mạnh của USD đang bắt đầu giảm dần khi Fed khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND. Tuy nhiên, đà tăng thêm của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như quý III, theo UOB.

Theo vnexpress.net