Thứ 6, 27/09/2024, 16:28[GMT+7]

Nức tiếng canh cá Quỳnh Côi

Thứ 6, 27/09/2024 | 10:24:57
1,464 lượt xem
Về với “Quê hương năm tấn”, du khách và con em địa phương sẽ luôn mong muốn được thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo như bánh cáy làng Nguyễn, nem bến Hiệp, cốm Thanh Hương... và không thể thiếu món canh cá Quỳnh Côi nức tiếng gần xa.

Gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Lương Cụ Nam, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) duy trì nghề làm bánh đa thủ công truyền thống.

Đậm đà hương vị quê lúa

Sau khi kết thúc công việc, chị Đoàn Thị Mát, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) lại đến với quán canh cá bà Huê để ăn sáng. Chị chia sẻ: Công việc của chúng tôi làm từ rất sớm, hoạt động nhiều nên rất mệt. Được ăn một bát canh cá buổi sáng giúp tôi đủ năng lượng để tiếp tục làm các công việc khác trong ngày. Đối với chúng tôi, canh cá là món ăn quen thuộc, dễ ăn, giá cả bình dân, phù hợp với túi tiền.

Không chỉ là món ăn khoái khẩu của những người lao động, canh cá đã trở thành món ăn sáng không thể thiếu của nhiều người dân Thái Bình. Vừa thưởng thức bát canh cá nóng hổi, ông Phạm Ngọc Khương, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) vừa hào hứng chia sẻ: Bây giờ có rất nhiều món ăn để lựa chọn cho bữa sáng nhưng tôi vẫn thích tìm đến những quán canh cá truyền thống để ăn và trở thành thói quen của tôi suốt hàng chục năm qua. Canh cá là món ăn đặc trưng của Quỳnh Côi, nổi tiếng từ xưa đến nay. Ai đã về đến Quỳnh Côi đều phải một lần thưởng thức món ăn truyền thống này.

Canh cá Quỳnh Côi với nước dùng chan xâm xấp, có vị ngọt từ nước xương, độ đậm đà trong từng miếng thịt cá vàng ruộm, rau giòn và vị chua thanh từ quất, măng chua. Hương vị thanh mát, đậm vị của canh cá Quỳnh Côi khiến cho bất cứ ai từng một lần thưởng thức sẽ phải trầm trồ về sự hòa quyện của các nguyên liệu làm nên món ăn này. Vì vậy, với những người con xa quê như ông Nguyễn Vũ Hà, quận Hoàng Mai (Hà Nội), mỗi dịp về quê là cơ hội để ông được thưởng thức bát canh cá chuẩn vị quê.

 “Như thường lệ mỗi lần về quê, tôi vẫn cố gắng chờ về đến Quỳnh Côi để ăn bát canh cá. Tôi đã ăn canh cá ở nhiều nơi nhưng canh cá Quỳnh Côi khác hẳn với canh cá ở các địa phương khác. Mỗi lần có dịp đưa bạn bè về quê, tôi đều đưa mọi người đến thưởng thức món ngon của quê hương. Ngay cả những người khó tính trong chuyện ăn uống đều thấy thích thú khi được ăn món ăn này. Tôi mong rằng món canh cá Quỳnh Côi sẽ tiếp tục có ở nhiều tỉnh thành, địa phương và giữ được hương vị nguyên bản của nó” - ông Hà tâm sự.

Đặc sắc canh cá Quỳnh Côi

Từ 4 giờ sáng, bà Bùi Thị Huê, chủ quán canh cá đã bắt đầu các công đoạn sơ chế nguyên liệu để chuẩn bị mở cửa hàng. Nhiều năm qua, cửa hàng của bà vẫn luôn là điểm đến quen thuộc của người dân mỗi sáng. 

Bà chia sẻ: Canh cá Quỳnh Côi không giống như những nơi khác. Cá rô đồng sau khi được làm sạch, luộc sơ để lọc thịt và xương. Việc gỡ xương cá đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm để miếng cá không bị nát. Sau đó ướp gia vị rồi rim nhỏ lửa đến khi miếng cá săn lại. Mỗi mẻ cá tôi phải rim tối thiểu một giờ để thịt cá thấm gia vị, có màu vàng sẫm đẹp mắt và giữ được độ dai. Nước dùng của canh cá được ninh từ chính xương cá rô đồng trong khoảng 7 - 8 tiếng nên có vị ngọt thanh. Mỗi ngày tôi bán được hơn 100 bát canh cá, còn ngày lễ, tết bán được nhiều hơn, khoảng 200 - 300 bát. Tôi rất đam mê với nghề làm canh cá và sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này đến khi không thể làm được nữa. Dù nghề này không cho tôi thu nhập cao nhưng tôi vẫn muốn giữ nghề.

Để góp phần làm nên bát canh cá Quỳnh Côi thơm ngon hoàn hảo, không chỉ là nước dùng hay thịt cá mà còn là bánh đa đạt chuẩn. Với mong muốn tìm ra sản phẩm bánh đa mang hương vị xưa, chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Lương Cụ Nam, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) - một trong số ít hộ còn duy trì sản xuất thủ công. 

Chị Huyền cho biết: Muốn làm ra những sợi bánh đa ngon, tôi phải chọn được loại gạo ngon và ngâm trong khoảng thời gian chính xác. Khi xay gạo phải xay bằng cối đá như cách truyền thống của các cụ trước đây. Công đoạn tráng bánh đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, khéo léo để bánh không bị quá dày hoặc quá mỏng. Sau đó, bánh đa được phơi ngoài nắng rồi ép mỏng, thái sợi. Đối với bánh đa thủ công cần làm trong 2 ngày mới có thể cho ra sản phẩm. Vì làm thủ công nên số lượng bánh đa làm ra ít nhưng có chất lượng cao. Bánh đa khi nấu sẽ trắng, mềm, sợi dai và thơm mùi gạo.

Canh cá là món ăn sáng được nhiều người yêu thích.

Nức tiếng nơi đất khách

Rời quê hương đến sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1996 và làm nghề kinh doanh áo cưới nhưng chị Phạm Thị Tâm vẫn luôn đau đáu nhớ về quê hương, nhớ về bát canh cá của ông ngoại nấu cho khi còn bé. 

“Trước đây, muốn tìm mua một bát canh cá chuẩn vị quê ở nơi thành phố hoa lệ này là rất khó. Trong khi các quán kinh doanh món ăn, đặc sản của những vùng miền khác đã có rất nhiều. Vì vậy, tôi nảy ý tưởng đưa món canh cá Quỳnh Côi vào kinh doanh nơi đất khách” - chị Tâm chia sẻ.

Năm 2010, chị Tâm quyết định mở cửa hàng bán canh cá và được đông đảo khách hàng yêu thích, ủng hộ. Khách hàng đến với quán của chị Duyên không chỉ là những người con Thái Bình xa quê mà còn là thực khách ở khắp mọi nơi vì yêu thích món ăn dân dã này. Để làm ra bát canh cá phù hợp với khẩu vị của thực khách, chị Tâm đã thay đổi một chút về cách nêm nếm, sử dụng gia vị và thay đổi loại rau ăn kèm. 

Chị chia sẻ: Ở quê mình, mọi người thường ăn canh cá với rau ngót, rau cần, rọc mùng thì ở đây khách hàng lại thích ăn với rau cải con hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ cách nấu, hương vị của bát canh cá chuẩn vị quê lúa với thịt cá rô đồng và bánh đa được vận chuyển từ làng nghề bánh đa làng Đợi. Tôi mong muốn món canh cá quê hương sẽ không bị lãng quên và tiếp tục phát triển, có mặt trên bàn ăn ở khắp các vùng miền trong nước và cả nước ngoài. Theo chị Tâm, nhờ được sự yêu thích của khách hàng, hiện tại chị đã phát triển được 3 cơ sở kinh doanh canh cá tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi ngày chị tiêu thụ được 150kg cá rô đồng và khoảng 5 - 6 tạ bánh đa/tháng.

Bằng sự tinh tế, khéo léo và kỹ thuật tuyệt vời của cha ông đã đưa những nguyên liệu tưởng chừng đơn giản kết hợp hoàn hảo để tạo nên món canh cá Quỳnh Côi trứ danh. Hy vọng những món ăn thú vị, mang đậm hương vị quê lúa sẽ tiếp tục được giữ gìn. Cùng với đó, những cơ sở làm bánh đa truyền thống sẽ dần trở thành một trong những điểm dừng chân trải nghiệm dành cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Thái Bình. Từ đó góp phần quảng bá, đưa hình ảnh quê hương, con người Thái Bình đến gần hơn với du khách, bạn bè quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương.

Nguyễn Triệu - Trịnh Cường

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày