Chủ nhật, 24/11/2024, 10:21[GMT+7]

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 4, 02/10/2024 | 09:34:11
5,767 lượt xem
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của mỗi cơ quan, đơn vị và người dân. Tuy nhiên, quá trình CĐS thời gian qua diễn ra chậm, nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch, do vậy cần có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh CĐS.

Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình sử dụng căn cước công dân gắn chip để hoàn thiện thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân.

Chủ động chuyển đổi số 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học trong tỉnh đã tổ chức thí điểm lập học bạ số, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, góp phần giảm gánh nặng cho giáo viên. Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Thái Bình) có hơn 1.000 học sinh. Thực hiện thí điểm lập học bạ số, nhà trường đã triển khai nhiệm vụ này tới tất cả các khối từ lớp 1 đến lớp 4 ngay từ đầu năm học. 

Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mỗi năm học, khối lượng học bạ nhà trường phải lưu trữ rất lớn nên dễ bị thất lạc, mất dữ liệu. Việc triển khai học bạ số sẽ giảm bớt hệ thống hồ sơ, sổ sách, văn bản giấy, giúp việc lưu trữ, bảo quản, tra cứu hồ sơ an toàn, nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, thông qua quản lý trực tuyến, Ban giám hiệu nhà trường sẽ thực hiện quản lý hồ sơ học bạ, bảo đảm lưu trữ đầy đủ, chính xác, công khai, minh bạch thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập; giáo viên, phụ huynh có thể tra cứu hồ sơ học bạ của học sinh và con em mình. Đến nay, học sinh khối 1 của Trường đã hoàn thành 100% học bạ số, từ khối 2 đến khối 4 hoàn thành trên 90% học bạ số. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về cấp, đổi lại giấy phép lái xe (GPLX) theo hình thức trực tuyến, từ năm 2023, ngành giao thông vận tải Thái Bình tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động này tới người dân. 

Cán bộ Sở Giao thông vận tải hướng dẫn người dân thủ tục cấp, đổi lại GPLX tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Ông Bùi Thanh Trà, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Hiện nay, số lượng cấp, đổi lại GPLX trên địa bàn tỉnh rất lớn. Nếu thực hiện theo phương pháp truyền thống, người dân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để cấp, đổi lại sẽ mất nhiều thời gian đi lại và phải chờ đợi. Sau khi triển khai cấp, đổi lại GPLX theo hình thức trực tuyến trên phạm vi toàn tỉnh, Sở đã thành lập tổ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình cấp, đổi lại GPLX; các bộ phận chuyên môn và công chức tiếp nhận hồ sơ sẽ thao tác mẫu, hướng dẫn công dân đăng ký tài khoản thực hiện đổi lại GPLX trực tuyến để người dân biết và nộp hồ sơ trực tuyến. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà sử dụng thiết bị có kết nối mạng sẽ thực hiện các thao tác cấp, đổi lại rất đơn giản. Tháng 6/2023, khi mới triển khai, tỷ lệ nộp hồ sơ cấp, đổi lại GPLX trực tuyến toàn trình chỉ đạt trên 10%, đến nay tỷ lệ nộp hồ sơ đạt trên 80% với khoảng 15.000 GPLX được cấp, đổi lại. Qua đó góp phần giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân đăng ký, kê khai thông tin qua mạng. 

Khắc phục tồn tại, hạn chế để thúc đẩy chuyển đổi số 

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 78,3% (vượt mục tiêu 28,3%); tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 99,1% (vượt mục tiêu 2,1%); tỷ lệ văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân các đồng chí lãnh đạo đạt 79,7% (vượt mục tiêu 29,7%). 

Mặc dù nhiều mục tiêu đề ra tăng, tuy nhiên công tác CĐS và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, một số chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt ở mức thấp so với mục tiêu kế hoạch năm 2024 như tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia mới đạt 2,22%; số nhiệm vụ về CĐS hoàn thành so với nhiệm vụ giao thấp, đạt 16%; vẫn còn 5 đơn vị chưa ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến thuộc các dịch vụ công thiết yếu ở một số lĩnh vực còn thấp; 6 mô hình chậm tiến độ và chậm chuyển biến; tiến độ làm sạch dữ liệu hộ tịch còn chậm (đạt 62,48%)... 

Nhiều nguyên nhân được nêu ra song theo Sở Thông tin và Truyền thông, nguyên nhân cơ bản do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS và Đề án 06, thực thi trách nhiệm trong công việc còn hạn chế, chưa đầy đủ, có lúc còn xem nhẹ việc thực hiện nhiệm vụ CĐS, Đề án 06 trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo; cơ sở hạ tầng phục vụ CĐS chưa đáp ứng yêu cầu. 

Tại các hội nghị đánh giá kết quả thực hiện CĐS và Đề án 06, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về CĐS, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh nhấn mạnh: CĐS đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay, tạo bứt phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì vậy mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định rõ tầm quan trọng của CĐS, từ đó kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để thúc đẩy CĐS, trong đó tập trung rà soát, kiểm tra từng nhiệm vụ đã, đang và phải thực hiện thuộc lĩnh vực phụ trách để phân công giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, đơn vị, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ nội dung, rõ tiến độ, thường xuyên đánh giá, đề ra giải pháp thúc đẩy CĐS và Đề án 06 trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời chủ động xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Nguyễn Cường