Thứ 6, 27/12/2024, 07:54[GMT+7]

Đề xuất xây dựng chính sách trọng dụng nhà khoa học, trí thức Việt ở nước ngoài

Thứ 6, 18/10/2024 | 11:26:52
807 lượt xem
Đại diện Liên hiệp Hội Việt Nam tại châu Âu đề xuất cần tạo điều kiện cho kiều bào về nước làm việc, cống hiến và có chính sách trọng dụng các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Tiếp nhận ủng hộ từ bà con kiều bào và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Ngày 17/10, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2019, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại châu Âu đã thay mặt Liên hiệp Hội đưa ra một số đề xuất, giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ông Thắng nhấn mạnh để phát huy được vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu nói riêng tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, mong rằng Đại hội này có sự đổi mới thể hiện qua các văn kiện của Đại hội, đặc biệt là vấn đề nhân sự.

Theo đó, chọn lựa các Ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài phải thực sự là những người có tâm huyết, có tiềm lực và có uy tín với cộng đồng người Việt Nam ở quốc gia sở tại để thể hiện được vai trò của mình trong công cuộc vận động các giai tầng của cộng đồng đóng góp tích cực vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt ở nước ngoài, ông Thắng mong muốn tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt theo hình thức trực tuyến và trực tiếp; cử thêm giáo viên dạy tiếng Việt, hỗ trợ giáo trình, tài liệu, giáo cụ cho con em người Việt Nam ở nước ngoài ở sở tại; tăng cường chương trình liên kết, trao đổi sinh viên Việt Nam với các nước.

Ông Hoàng Đình Thắng Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại châu Âu phát biểu.

“Chúng ta cần tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với sở tại và phục vụ cộng đồng; tăng cường cung cấp thông tin trong nước ra nước ngoài với các phương thức truyền tải và mô hình tiếp cận mới, phù hợp với cộng đồng, nhất là lớp trẻ thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3, thế hệ thứ 4 của người Việt Nam ở nước ngoài,” ông Thắng kiến nghị.

Về phát huy tiềm năng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, ông Thắng đề xuất cần tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối mạng lưới trí thức Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan, địa phương trong nước; tạo diễn đàn quy mô lớn cho chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ sáng kiến, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước; tạo điều kiện cho kiều bào ta về nước làm việc, cống hiến, có chính sách trọng dụng các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Đánh giá về các chính sách pháp luật, ông Thắng cho rằng trong thời gian qua nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành, có tính đến quyền lợi và tạo điều kiện cho kiều bào tham gia nhiều mặt trong đời sống kinh tế xã hội trong nước. Đặc biệt, trong năm 2023 và 2024 đã có bước tiến trong chính sách về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, giúp tháo gỡ vướng mắc khó khăn và huy động nguồn lực của kiều bào cho phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quốc tịch, ông Thắng kiến nghị sớm có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư, trước đây họ chỉ cho phép mỗi người mang một Quốc tịch, hiện nay rất nhiều quốc gia đã có chính sách đa quốc tịch. Do đó nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài trước đây đến nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.

Những hoạt đồng về tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được trưng bày tại đại hội. 

“Nguyện vọng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau. Mặc dù đã có một số quy định của pháp luật về vấn đề này, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người đáp ứng được trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều,” ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng cũng đề nghị cần tạo thuận lợi cho việc xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai và đẩy nhanh quá trình xác minh nhân thân cấp hộ chiếu Việt Nam cho những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại châu Âu cũng bày tỏ mong muốn thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao để thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các nước, chính quyền các địa phương nơi có đông người Việt sinh sống để chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế ở nước sở tại cũng như ở châu lục./.

Theo Baocaovien.vn