Thứ 6, 22/11/2024, 00:15[GMT+7]

Thêm “lá chắn” bảo vệ sức khỏe

Thứ 3, 22/10/2024 | 09:44:00
5,163 lượt xem
Tiêm vắc-xin được xem là một trong những giải pháp quan trọng để phòng bệnh tật, nhất là trong bối cảnh gia tăng ca mắc một số dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo kế hoạch, năm 2024 tỉnh Thái Bình đưa ra mục tiêu tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng với 12 loại vắc-xin đạt 95%.

Có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, chị Vũ Thị Hồng (Kiến Xương) luôn chú ý đến lịch tiêm của con. Chị Hồng chia sẻ: Khi đến trạm y tế xã, tôi được tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm vắcxin. Do đó, mỗi khi nhân viên y tế phát giấy tiêm, tôi đều cho con đi tiêm để phòng bệnh, chỉ trì hoãn khi con ốm mà chưa thể tiêm ngay được.

Quan tâm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ năm 1985, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai rộng khắp trên cả nước. Số vắc-xin, số mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng ngày càng tăng. Hiện các loại vắc-xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: vắc-xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản... 

Tại Thái Bình, chương trình tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện hàng tháng ở các xã, phường, thị trấn. Nhằm giúp người dân hiểu được lợi ích của việc tiêm vắc-xin, cán bộ các trạm y tế và đội ngũ y tế thôn, tổ dân phố trong tỉnh thường xuyên viết bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh xã, lồng ghép qua các hội nghị, buổi nói chuyện chuyên đề hoặc tuyên truyền trực tiếp khi người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế... 

Y sĩ Hà Thị Huê, cán bộ phụ trách tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Đông Á (Đông Hưng) chia sẻ: Trung bình mỗi tháng, Trạm đón tiếp khoảng 40 - 50 trẻ em và phụ nữ có thai đến tiêm chủng. Để bảo đảm công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, ngay từ ngày 14 - 15 hàng tháng, chúng tôi đã rà soát vào danh sách các đối tượng cần tiêm chủng, sau đó in giấy mời, giao y tế thôn phát tận nhà. Với trẻ bị ốm hoặc không tiêm, y tế thôn sẽ báo lại để không lấy vắc-xin về, tránh lãng phí. 

Gần 40 năm triển khai, chương trình tiêm chủng mở rộng đã được thực hiện rộng khắp tại các tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Bình, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao. Nhiều năm, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng với 12 loại vắc-xin đạt từ 95%/năm trở lên. Thái Bình đã thanh toán được một số bệnh như: bại liệt, uốn ván sơ sinh. Bên cạnh đó, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, một số bệnh truyền nhiễm cũng đã giảm đáng kể số ca mắc và tử vong như: sởi, ho gà, bạch hầu... Dù ở một số thời điểm do dịch Covid-19, việc tiêm đầy đủ, đúng lịch bị ảnh hưởng phần nào. Song với nỗ lực, quyết tâm cao, chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả ở nhiều địa phương. 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngoài các điểm tiêm tại các cơ sở y tế công lập, Thái Bình hiện có gần 50 cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Các điểm tiêm này đã góp phần nâng tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng đặt ra vấn đề cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động để các cơ sở tiêm chủng ngoài công lập thực hiện tiêm chủng an toàn, hiệu quả. 

Bác sĩ Phạm Tiến Thịnh, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Để công tác tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả, tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao, cùng với việc duy trì tiêm chủng thường xuyên tại 260 xã, phường, thị trấn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng năm 2024 và tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng của năm 2022, 2023; đồng thời thực hiện duy trì tiêm chủng thường xuyên hàng tháng, tiêm vét ngay trong tháng cho các đối tượng hoãn tiêm lần trước. Các trạm y tế cử cán bộ, nhân viên y tế thôn, tổ dân phố trực tiếp đến các gia đình có đối tượng cần tiêm bù, tiêm vét làm công tác truyền thông tiêm chủng, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm vắc-xin. Cùng với cả nước, Thái Bình đang nỗ lực, tiến tới mục tiêu chung giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% và loại trừ bệnh sởi, rubella trong thời gian tới; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ đạt 95% và bổ sung thêm 2 vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm, đến năm 2030 bổ sung tiếp vắc-xin phòng 2 bệnh truyền nhiễm.

Hoàng Lanh