Thứ 5, 31/10/2024, 17:13[GMT+7]

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thứ 5, 24/10/2024 | 08:40:42
1,189 lượt xem
Những năm qua, các cấp hội nông dân luôn tích cực đồng hành, hỗ trợ nông dân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bằng nhiều giải pháp thiết thực, tổ chức hội đã giúp các chủ thể OCOP đẩy mạnh quảng bá, tăng khả năng cạnh tranh, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cửa hàng liên kết nông sản xanh (thành phố Thái Bình) được nhiều khách hàng đón nhận.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Toàn tỉnh đã xây dựng được 194 sản phẩm OCOP, trong đó 48 sản phẩm đạt 4 sao. Tuy nhiên, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP cho nông dân hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô sản xuất nhỏ nên khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. 

Nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội thảo để thảo luận về thực trạng, giải pháp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đề xuất các giải pháp xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm; quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Cùng với các cấp, các ngành, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart; đưa sản phẩm tham gia trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hội Nông dân tỉnh giao Hội Nông dân thành phố Thái Bình xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản xanh để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chất lượng của nông dân, trong đó chủ yếu là các sản phẩm OCOP. 

Với mục tiêu phát triển cửa hàng liên kết nông sản xanh trở thành nơi hội tụ của các sản phẩm OCOP, Hội Nông dân thành phố cùng Công ty TNHH MTV Nông sản xanh tích cực liên kết với các chủ thể OCOP để quảng bá sản phẩm. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi đã phối hợp triển khai xây dựng thành công cửa hàng liên kết nông sản xanh để giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Đến nay, cửa hàng đã được hơn 20 chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đón nhận với hơn 50 sản phẩm trưng bày trên kệ hàng. Qua đó không chỉ góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản mà còn giúp cho người tiêu dùng có đa dạng sự lựa chọn khi đến cửa hàng. 

Ông Phạm Quốc Anh, trưởng phòng kinh doanh, cửa hàng liên kết nông sản xanh chia sẻ: Qua một thời gian mở bán, cửa hàng đón nhận rất nhiều sự ủng hộ của khách hàng. Chúng tôi mong muốn có thể hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm chất lượng cao mang đặc trưng Thái Bình. Thời gian tới, cửa hàng sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, cửa hàng để đưa các sản phẩm của Thái Bình đến với các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ, góp phần nâng giá trị của các sản phẩm OCOP lên tầm cao mới. 

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, những hội viên nông dân của huyện Tiền Hải đã chủ động kết nối và thành lập Hội OCOP huyện Tiền Hải. Tuy mới thành lập nhưng Hội OCOP huyện Tiền Hải đã tăng cường kết nối, hỗ trợ hội viên tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. 

Ông Ngô Văn Duẩn, Chủ tịch Hội OCOP huyện Tiền Hải cho biết: Đến nay chúng tôi có 36 sản phẩm OCOP của 26 chủ thể, ở 18 xã được nhận diện thương hiệu “Nông sản 14/10”, trong đó 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Với đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, những sản phẩm này ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Việc bảo đảm đầu ra thuận lợi là tiền đề quan trọng để các thành viên Hội OCOP huyện tiếp tục đầu tư, phát triển nông sản thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, Hội OCOP huyện đã tham gia 8 hội chợ, phát triển sàn thương mại điện tử mang tên “Hội OCOP Tiền Hải”. 

Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh xây dựng thành công 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh của hội viên nông dân Phạm Văn Đồng, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) tham gia xây dựng sản phẩm OCOP từ năm 2022. Từ khi tham gia Hội OCOP huyện Tiền Hải, anh Đồng được các thành viên trong Hội hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển và quảng bá sản phẩm, nhờ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty ngày càng được cải thiện. 

Anh Đồng cho biết: Hiện tại Công ty đã có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đang nỗ lực phấn đấu có thêm 1 sản phẩm được công nhận trong năm 2024. Các sản phẩm hải sản của Công ty ngày càng được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Bên cạnh đó, tôi sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm chả cá Ngọc Minh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trong thời gian tới. Tuy nhiên, Công ty còn gặp nhiều khó khăn về môi trường, điều kiện đánh bắt, thủ tục... Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp hội nông dân, các cơ quan, đơn vị liên quan để mở rộng quy mô, quảng bá sản phẩm OCOP. 

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hội viên liên kết sản xuất, chuyển đổi số. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh dự kiến sẽ phối hợp với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông tập huấn, trang bị phần mềm quản lý mã vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP cho hội viên Câu lạc bộ nông dân xuất sắc để thử nghiệm. Đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu, qua đó từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh để giúp sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa. 

Nguyễn Triệu