Thứ 6, 22/11/2024, 06:22[GMT+7]

Giáo viên, học sinh cuối cấp bắt nhịp chương trình mới

Chủ nhật, 27/10/2024 | 22:03:44
2,111 lượt xem
Năm học 2024 - 2025 sẽ khép lại lộ trình thực hiện chương trình GDPT 2018 ở tất cả các cấp học, đồng thời cũng là năm học có nhiều đổi mới từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi chọn học sinh giỏi. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng sau 7 tuần học chính thức, giáo viên, học sinh cuối cấp dần bắt nhịp chương trình mới, mang lại hiệu quả tích cực sau từng tiết học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn thường xuyên sử dụng thiết bị giảng dạy hiện đại khi dạy học chương trình GDPT 2018.

Video: 301024-_GIAO_VIEN_HOC_SINH_BAT_NHIP_CHUONG_TRINH.mp4?_t=1730287190

 

Chủ động đổi mới để thích ứng 

Tiết học liên môn Khoa học tự nhiên của học sinh lớp 9A1, Trường THCS Phú Xuân (thành phố Thái Bình) trở nên sôi nổi khi cô giáo Nguyễn Thị Nhinh triển khai nhiệm vụ cho học sinh theo phương pháp thảo luận nhóm. Với cách học này, tất cả học sinh đều phải suy nghĩ, thảo luận về bài học và lần lượt cử đại diện trình bày quan điểm, suy nghĩ của nhóm mình về chủ đề mà bài học yêu cầu hoặc trả lời các câu hỏi mà cô giáo đưa ra. Cứ như thế, tất cả học sinh đều được tiếp cận kiến thức, được rèn luyện tính tích cực, chủ động trong việc nắm bắt kiến thức bài học. Các em cũng được rèn luyện khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm trong quá trình học tập. 

Cô giáo Nguyễn Thị Nhinh cho biết: Để làm quen với sách giáo khoa mới, trước thềm năm học 2024 - 2025, đội ngũ giáo viên nhà trường đã nghiên cứu kỹ nội dung chương trình, tổ chức các giờ dạy chuyên đề để rút kinh nghiệm. Chương trình mới có sự giảm tải về kiến thức, tăng cường các kiến thức đòi hỏi học sinh phải tư duy, sáng tạo khi tiếp thu kiến thức và giải quyết yêu cầu bài học. Để các tiết học trở nên sôi động, thu hút học sinh, ngoài việc sử dụng máy chiếu, máy tính, giáo viên nhà trường còn tích cực sử dụng các thiết bị hiện đại dạy học như: trí tuệ nhân tạo (AI), máy chiếu vật thể, sách điện tử...

Cùng chung nhận định chương trình GDPT 2018 có sự giảm tải về kiến thức, cô giáo Nguyễn Thị Hường, dạy môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Vũ Hội (Vũ Thư) chia sẻ: Chương trình mới ở lớp 5 đã giảm tải một số nội dung nhưng tăng cường các kỹ năng giao tiếp như: nghe, nói, đọc, viết cho học sinh thông qua các hoạt động đối thoại, trao đổi... giúp các em mạnh dạn hơn khi giao tiếp, tích lũy thêm vốn từ mới. Cùng với ưu điểm đó, giáo viên chúng tôi đã được làm quen với chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 đến nay, ngoài sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường, tổ bộ môn, tôi cũng phải dành nhiều thời gian nghiên cứu sách giáo khoa, chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi đến lớp, thực hiện linh hoạt đổi mới phương pháp giảng dạy. Có như thế mới tạo được không khí hứng thú, khơi gợi sự chủ động trong việc học tập, nắm bắt kiến thức của học sinh. 

Bà Đoàn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Hội cho biết: Nhà trường có nhiều thuận lợi khi triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 ở lớp 5 như: cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học; đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm, được tham gia các buổi tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, với sĩ số trung bình 40 học sinh/lớp, thuận lợi trong việc bố trí, sắp xếp các hoạt động học tập trong và ngoài lớp học. Vì thế, sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện sách giáo khoa mới, các tiết học đều đạt hiệu quả như mong đợi. 

 Tiết Tiếng Anh lớp 5 của học sinh Trường Tiểu học Vũ Hội (Vũ Thư).  

Chuẩn bị chu đáo cho các kỳ thi quan trọng 

Học sinh lớp 12 năm nay sẽ là khóa đầu tiên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình, sách giáo khoa mới. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đó. Điểm nổi bật nhất là kỳ thi sẽ chuyển đổi từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực tổng quát của học sinh. Điều này đòi hỏi các em phải nắm vững không chỉ kiến thức mà còn khả năng tư duy và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Những thay đổi trên không khỏi khiến giáo viên, học sinh lo lắng. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: Bên cạnh những ưu điểm thì khi thực hiện chương trình mới, giáo viên môn Lịch sử cũng gặp một số khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất đó là một số nội dung chưa thực sự logic khiến việc tiếp thu kiến thức của học sinh có phần hạn chế. Để khắc phục khó khăn đó, giáo viên nhà trường thường xuyên sinh hoạt chuyên môn, bàn giải pháp để thống nhất phương pháp dạy học nhằm mang lại kiến thức, kỹ năng cho các em. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi minh họa năm 2025, giáo viên nhà trường đã nghiên cứu, dạy học bám sát đề minh hoạ bảo đảm cho các em có sự chuẩn bị chu đáo nhất cho kỳ thi cuối năm học. 

Đối với học sinh lớp 9, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập hàng năm luôn căng thẳng, áp lực vì số lượng thí sinh dự thi đông trong khi chỉ tiêu tuyển sinh có giới hạn. Nhất là kỳ thi tuyển sinh năm học tới là năm đầu tiên thi theo chương trình GDPT 2018. Do đó, mặc dù mới học được 7 tuần nhưng giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh rất lo lắng vì không biết thi bao nhiêu môn, thi những môn gì. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, nêu rõ 2 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển hoặc thi tuyển. Về thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do sở giáo dục và đào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên. 

Tại Thái Bình, việc tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 được thực hiện từ nhiều năm trước, tuy nhiên đối với chương trình GDPT 2018 có nhiều môn học mới nên giáo viên, học sinh không khỏi bỡ ngỡ. 

Bà Nguyễn Thị Nên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 9, nhà trường có khá nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới, các thầy cô giáo luôn tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng mong rằng Sở Giáo dục và Đào tạo sớm công bố môn thi, hình thức thi, đề thi minh họa để thầy, trò nhà trường có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh năm học tới. 

Dù chương trình mới có sự thông suốt, mang tính liên thông theo từng cấp học nhưng vai trò của nhà trường, giáo viên vẫn là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định trong quá trình thực hiện. Vì thế, mặc dù vẫn còn những khó khăn nhưng nhờ sự sáng tạo của người thầy, sự chủ động của người học, học sinh cuối cấp đang dần thích nghi với chương trình GDPT mới, bước đầu tạo hiệu quả tích cực. 

 Học sinh Trường THCS Phú Xuân (thành phố Thái Bình) phát huy tính chủ động khi làm việc nhóm.

Đặng Anh