Thứ 2, 28/10/2024, 20:10[GMT+7]

Độc đáo gỏi cá mè Vũ Thắng

Thứ 2, 28/10/2024 | 10:31:30
527 lượt xem
Xã Vũ Thắng (Kiến Xương) nổi tiếng với món gỏi cá mè. Từng miếng cá tươi ngon được phủ lớp riềng xay tơi, cách chế biến công phu, mang hương vị đặc trưng, thu hút nhiều du khách tìm về thưởng thức.

Về xã Vũ Thắng, điều làm tôi ấn tượng nhất là sự nồng hậu, mến khách của người dân, nơi có món gỏi cá mè dân dã, hương vị quê nhà rất riêng. Gỏi cá có nhiều nơi với nhiều cách chế biến khác nhau nhưng cách làm và chế biến của người dân xã Vũ Thắng nổi tiếng và thơm ngon đặc trưng hơn cả. Món ăn dân dã này không biết có từ bao giờ nhưng nhắc đến gỏi cá mè, du khách nhớ ngay đến xã Vũ Thắng. 

Tôi tìm đến gia đình bà Bùi Thị Duyên, thôn 4, xã Vũ Thắng được người dân địa phương giới thiệu là hộ chuyên làm gỏi cá mè nức tiếng đắt khách trong và ngoài xã, để thưởng thức món ngon độc đáo này. Để tạo nên đặc sản, người làm gỏi cá ở Vũ Thắng phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ chọn cá đến cách chế biến, chọn các loại rau ăn cùng đến làm nước chấm. Cá được làm gỏi thường là cá mè, phải là cá tươi, sống, chọn thớ cá giữa thịt mới săn chắc và dễ cắt mỏng thành miếng nhỏ dài 2 - 3cm, được rửa sạch bằng nước riềng củ xay. Sau khi cắt xong, cá phải được trộn ngay với riềng củ xay tơi để khử mùi tanh và giữ cá tươi ngon. 

Khi được hỏi về bí quyết tạo nên sự riêng biệt thơm ngon của gỏi cá mè Vũ Thắng, bà Duyên cho biết: Cách chế biến gỏi cá mè ở nhiều nơi cũng đa dạng và công phu, ngoài làm tốt khâu chọn và sơ chế cá, thì nước chấm hay được gọi là giấm mẻ của món gỏi cá mè Vũ Thắng đặc sắc hơn cả. Giấm mẻ được làm từ thịt lợn ba chỉ băm nhỏ, kết hợp với mẻ cơm phải đủ độ ngấu thơm chua, riềng xay mịn cùng các gia vị vừa ăn được nấu chín và vùi bếp than củi, trấu trong nhiều giờ, trộn cùng lạc, vừng rang thơm tạo nên giấm mẻ sánh mịn thơm ngon, chua thanh, ngọt dịu. 

Để cân bằng vị hàn trong món ăn, gỏi cá mè được ăn cùng với các loại lá gia vị không thể thiếu ngay trong vườn nhà: lá mơ lông, vọng cách, đài bi, lá sung, sắn thuyền, lá chanh, đinh lăng. Lá vọng cách được trồng nhiều ở xã Vũ Thắng, có hương thơm hơn những vùng khác, loại lá không thể thiếu trong món gỏi cá. Người dân Vũ Thắng truyền tai nhau rằng ra vườn ngửi mùi thơm lá vọng cách là nghĩ ngay đến gỏi cá mè. 

Bà Duyên chia sẻ thêm: Cũng như nhiều hộ khác trong xã, trước đây gia đình tôi chỉ làm món gỏi cá mè truyền thống của cha ông để đãi khách, song do nhu cầu ngày càng đông du khách từ khắp nơi tìm về Vũ Thắng để thưởng thức đặc sản này, năm 2003 gia đình tôi đã chuyển sang chuyên làm gỏi cá mè phục vụ nhu cầu của khách hàng ngày, cũng là thu nhập chính của gia đình. Mỗi ngày tôi bán được 30 - 40 suất, cuối tuần hay ngày lễ bán được 70 - 80 suất/ngày, có giá 60.000 đồng/suất, thu nhập 20 - 30 triệu đồng/ tháng. Khách đặt đến đâu tôi làm đến đấy để bảo đảm gỏi luôn tươi mới, thơm ngon đến tay khách hàng. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ gia đình khác trong xã cũng chuyên làm gỏi phục vụ khách trong và ngoài xã, ngoài mang lại thu nhập cho gia đình, cũng là giúp người dân gìn giữ món ăn dân dã của cha ông để lại. 

Các loại lá gia vị sạch, bảo đảm được người dân chăm sóc và hái trực tiếp trong vườn nhà.

Bà Nguyễn Thị Tám, thôn 4, xã Vũ Thắng đã gần 90 tuổi nhưng vẫn không quên cách chế biến ra món gỏi cá mè. Bà Tám cho biết: Món gỏi cá mè này có lâu lắm rồi, từ hồi cụ thân sinh ra bố tôi đã làm gỏi cá mè nên người dân Vũ Thắng không ai là không biết cách làm ra món gỏi này. Trước đây thường làm gỏi cá từ tháng 3 âm lịch; thời tiết nóng ăn gỏi cá mát lắm, kết hợp cùng các loại lá trong vườn nhà đều là các lá vị thuốc, đặc biệt là lá vọng cách, giúp tiêu hóa tốt, đến mùa lạnh không làm nữa. Làm gỏi cá phải rất công phu, cẩn thận và thong thả nên lúc nông nhàn hay làm đãi khách. Bây giờ người ta ăn gỏi cá quanh năm, có máy xay riềng nên nhàn hơn trước rất nhiều. 

Anh Nguyễn Tiến Sơn đang sinh sống tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: Ngày trước mỗi dịp nhà có khách, bố tôi thường làm gỏi cá mè đãi khách, những thớ cá trắng tươi săn chắc trộn cùng riềng xay thơm gói cùng 7 - 8 lá gia vị các loại, giấm mẻ chua thanh ở giữa khiến ai được thưởng thức cũng xuýt xoa, nhớ mãi hương vị. Mỗi lần có dịp về quê, tôi đều mua món gỏi cá mè vị quê nhà để tiếp đãi bạn bè, lần đầu ăn sẽ chưa quen, nhưng ăn được rồi thì sẽ khó quên được vị thơm ngon hòa quyện. 

Gỏi cá mè Vũ Thắng được làm từ nguyên liệu quen thuộc của làng quê, trở thành món ăn quen thuộc của người dân nơi đây. Món ăn dân dã nhưng không xuề xòa, từ bước chọn nguyên liệu, chế biến đến thưởng thức, gỏi cá mè Vũ Thắng đều đem lại sự tỉ mẩn, cẩn thận, tinh tế. Cuộn gỏi ăn cũng đòi hỏi sự khéo léo sắp xếp các loại lá gia vị, cuộn lại thành hình phễu bên trong đặt lát cá mỏng, trên miệng phễu cho giấm mẻ. Vị tươi của cá, mùi riềng xay thơm nồng, vị của các loại lá gia vị hòa quyện cùng vị chua thanh, ngọt bùi của giấm mẻ tạo nên một hương vị quê nhà quen thuộc, hấp dẫn.

Tuyết Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày