Thứ 5, 02/05/2024, 05:47[GMT+7]

Tốc độ tăng trưởng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 11,8%/năm

Thứ 5, 01/10/2020 | 15:02:56
3,012 lượt xem
Sáng ngày 1/10, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố tổng kết hoạt động ủy thác giai đoạn 2015 - 2020.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác đạt 220.545 tỷ đồng, chiếm 99,56% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH, tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%; trong đó Hội Phụ nữ chiếm 38,8%, Hội Nông dân chiếm 30,6%, Hội Cựu chiến binh chiếm 16,7% và Đoàn Thanh niên chiếm 13,9% tổng dư nợ ủy thác. Tổng doanh số cho vay theo phương thức ủy thác giai đoạn 2015 - 2020 đạt 334.061 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH. Tỷ lệ nợ quá hạn trong hoạt động ủy thác giảm dần từ 4,5% (năm 2002) xuống còn 0,38% (năm 2014) và còn 0,25% tại thời điểm 31/8/2020. Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 94%, tăng 23% so với 31/12/2014. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội còn làm tốt công tác vận động tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiết kiệm tự nguyện định kỳ hàng tháng, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến ngày 31/8/2020, trên 99,9% tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 11.190 tỷ đồng với gần 6,5 triệu tổ viên tham gia, tăng 7.790 tỷ đồng so với 31/12/2014.

Mục tiêu trong thời gian tới, mỗi đơn vị cấp xã có tỷ lệ tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động ủy thác đạt từ 95% trở lên, dư nợ ủy thác tăng trưởng bình quân hàng năm phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ được giao, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ ủy thác, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt trên 90%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 95%, tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá đạt trên 97%. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư; tập trung huy động, khơi tăng nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao; chủ động duy trì tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng cũng như cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách; chỉ đạo tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt nội dung công việc ủy thác, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế phát sinh, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng.

Minh Hương