Thứ 6, 29/03/2024, 18:32[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021) Ngành Ngân hàng Thái Bình: Hành trình 70 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

Thứ 3, 04/05/2021 | 08:21:15
10,557 lượt xem
Cách đây 70 năm, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đặt nền móng cho sự hình thành, xây dựng, phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam ngày nay.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh kiểm tra hoạt động nghiệp vụ tại Phòng Kế toán - Thanh toán.

Tháng 9/1951, Tỉnh ủy Thái Bình quyết định thành lập Đại lý Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thái Bình, trên cơ sở tiếp nhận hai tổ chức: “Ty tín dụng sản xuất” và “Ngân khố quốc gia”, sau đổi thành Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thái Bình, rồi Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Thái Bình, nay là NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình. Chặng đường 70 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng ngành Ngân hàng Thái Bình không ngừng lớn mạnh, phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của ngành, vào công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước.

Những ngày đầu mới thành lập, hệ thống ngân hàng cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách bởi một nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, tự cung, tự cấp, thị trường nhỏ bé, phân tán và bị chia cắt, chi phối bởi chiến tranh; ngân sách bội chi lớn, lạm phát gia tăng, nền kinh tế mất cân đối gay gắt. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng, góp phần tích cực vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 53/HĐBT chính thức chuyển đổi cơ bản mô hình hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Cùng với cả nước, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện chuyển đổi từ mô hình hoạt động một cấp thành hai cấp, tách bạch dần chức năng quản lý nhà nước của NHNN Chi nhánh tỉnh với chức năng kinh doanh tiền tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD). Sau chuyển đổi, hệ thống ngân hàng trên địa bàn từng bước đổi mới và phát triển, hoàn thiện mô hình tổ chức, thể chế pháp lý, công nghệ và dịch vụ ngân hàng. NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng với nhiệm vụ chủ yếu: Tổ chức triển khai cơ chế chính sách; trung gian thanh toán; tiền tệ kho quỹ; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các TCTD, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Các TCTD thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, tự chủ về tài chính, phát triển quy mô, mạng lưới hoạt động, loại hình sở hữu; tập trung huy động vốn, đầu tư cho vay các thành phần kinh tế, phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của ngành Ngân hàng. 

Đến nay, mạng lưới hoạt động của ngành Ngân hàng Thái Bình có NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và 26 chi nhánh ngân hàng, TCTD, 85 quỹ tín dụng nhân dân. Các TCTD đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 93 phòng giao dịch, 45 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 64 xã và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới ngân hàng phủ khắp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn đầu tư cho nền kinh tế và cung cấp các dịch vụ ngân hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của các thành phần kinh tế.

Không chỉ mở rộng địa bàn hoạt động, nguồn vốn huy động của hệ thống Ngân hàng Thái Bình cũng tăng trưởng nhanh qua các năm. Nếu như năm 1986, nguồn vốn huy động toàn ngành mới đạt 238 triệu đồng, năm 1996 đạt 431 tỷ đồng, năm 2005 đạt 3.056 tỷ đồng thì đến năm 2015 đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với năm 2005 và đến năm 2020 đạt gần 85.700 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 21,2%/năm. Nhờ chủ động được nguồn vốn huy động, ngành Ngân hàng Thái Bình đã tích cực đầu tư vốn tín dụng, giúp các doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Năm 1991, dư nợ đầu tư nền kinh tế của ngành Ngân hàng Thái Bình đạt 158 tỷ đồng, năm 1996 đạt 728 tỷ đồng, năm 2005 đạt 3.997 tỷ đồng thì đến năm 2015 đạt 31.000 tỷ đồng, tăng gấp 7,8 lần so với năm 2005; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân giai đoạn 1996 - 2005 đạt 21,3%/năm, giai đoạn 2006 - 2015 đạt 23,4%/năm. Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay các TCTD đạt 65.300 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với 31/12/2015, tính chung giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16,1%/năm; tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 0,9%. Nhiều chương trình tín dụng được toàn ngành tích cực triển khai thực hiện như cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ đạt gần 24.850 tỷ đồng; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 5.340 tỷ đồng; cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ đạt 102,4 tỷ đồng; cho vay dự án kinh doanh nước sạch nông thôn đạt 181 tỷ đồng...

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, của tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng kịch bản ứng phó, thiết lập đường dây nóng, chỉ đạo các TCTD miễn phí đối với các giao dịch trực tuyến các dịch vụ công, miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Năm 2020, để giúp khách hàng vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng Thái Bình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 370 khách hàng với dư nợ 271 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 1.250 khách hàng với số tiền lãi hỗ trợ 530 triệu đồng; cho vay mới 6.440 khách hàng với lãi suất ưu đãi giảm 0,5 - 2,5%/năm so với lãi suất thông thường với doanh số cho vay đạt gần 22.000 tỷ đồng.

Cùng với việc tích cực huy động vốn và cho vay nền kinh tế, các ngân hàng luôn chú trọng đổi mới cơ sở vật chất, dịch vụ, công nghệ hiện đại ngân hàng. Thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 637/QĐ-NHNN, ngày 31/3/2017 của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đến nay, toàn ngành đã đầu tư lắp đặt 186 máy ATM, 692 máy POS, phát hành trên 1,2 triệu thẻ thanh toán các loại phục vụ nhu cầu thanh toán, rút tiền của cán bộ và nhân dân; thực hiện trả lương qua tài khoản cho 1.800 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng đạt 3.964.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,6%/năm, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 76% tổng doanh số thanh toán. Ngành Ngân hàng Thái Bình luôn chủ động bố trí, cơ cấu hợp lý lượng tiền mặt cung ứng ra lưu thông, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt của các tổ chức kinh tế và nhân dân, phục vụ sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD được tăng cường và nâng cao chất lượng. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản ổn định, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hoạt động của thị trường tự do bị thu hẹp, lòng tin vào đồng Việt Nam được nâng cao. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng trong lĩnh vực ngân hàng, nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, tăng cường sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các quan hệ tín dụng và các dịch vụ tiền tệ, thanh toán.

Bên cạnh thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ, ngành Ngân hàng Thái Bình còn rất tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Ngân hàng Thái Bình đã hỗ trợ gần 200 tỷ đồng để xây dựng trường học, nhà văn hóa, nhà trẻ, mua sắm các trang thiết bị y tế, hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo..., góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Với những thành tích đạt được trong 70 năm qua, ngành Ngân hàng Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, NHNN Việt Nam và tỉnh Thái Bình tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; đặc biệt, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2015 cùng nhiều cờ thi đua của Chính phủ, của NHNN Việt Nam, của UBND tỉnh, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng.

Bước sang năm 2021, ngành Ngân hàng Thái Bình ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình, phát triển ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2025 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể: Nguồn vốn huy động tăng bình quân 18 - 20%/năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân từ 13 - 15%/năm, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tăng trưởng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng bình quân 20 - 22%/năm, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt đến cuối năm 2025 chiếm 85% tổng doanh số thanh toán. 

Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, ngành Ngân hàng Thái Bình tập trung triển khai hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh công tác huy động vốn, đầu tư cho vay phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, của tỉnh, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, chấn chỉnh, củng cố hoạt động hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tăng cường quản lý, giám sát tổ chức tài chính vi mô, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn mới nhằm đạt được các mục tiêu của chiến lược phát triển ngân hàng, đặc biệt tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tích cực phối hợp triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ việc cung cấp dịch vụ công như chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thanh toán tiền điện, học phí, viện phí...; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ khách hàng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy truyền thống tốt đẹp 70 năm xây dựng và phát triển, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng Thái Bình tiếp tục phát huy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm với ngành, kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, khắc phục mọi khó khăn, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam.

Dư nợ cho vay hệ thống quỹ tín dụng nhân dân chiếm 12,4% thị phần tín dụng của các tổ chức tín dụng toàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh hiện có 85 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đang hoạt động ở 149 xã, phường, thị trấn, trong đó có 45 quỹ TDND mở rộng địa bàn hoạt động sang 64 xã liền kề. Đến ngày 31/3, tổng số thành viên của các quỹ TDND đạt 148.758 người, bình quân khoảng 1.750 thành viên/quỹ; tổng nguồn vốn huy động qua hệ thống quỹ TDND đạt 10.560 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn, tăng 124% so với thời điểm 31/12/2015; tổng dư nợ cho vay thành viên đạt 8.280 tỷ đồng, chiếm 12,4% thị phần tín dụng của các tổ chức tín dụng toàn tỉnh, tăng 95,3% so với thời điểm 31/12/2015, dư nợ bình quân 97,4 tỷ đồng/quỹ TDND; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,49% tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Trọng Tăng, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình

Với gần 40 năm công tác trong ngành Ngân hàng, tôi thấy hệ thống ngân hàng Thái Bình ngày càng phát triển mạnh không chỉ về quy mô mà cả chất lượng và hiệu quả hoạt động. Từ chỗ chỉ là ngân hàng một cấp với tổng số cán bộ, nhân viên 120 người, đến nay hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động thành hai cấp, tách bạch chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh với chức năng kinh doanh tiền tệ của các TCTD, mạng lưới hoạt động phủ khắp đến 260 xã, phường, thị trấn; từ chỗ chỉ phục vụ kinh tế quốc doanh và HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dưới hình thức huy động vốn và cho vay, đến nay đã mở rộng thêm nhiều loại hình dịch vụ khác như thanh toán, chuyển tiền, trao đổi, mua bán ngoại tệ... Không chỉ hoạt động có hiệu quả, thời gian qua, các đơn vị trong toàn ngành còn rất tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, từ đó góp phần giáo dục, vận động cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”, cùng tỉnh hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Thái Bình

Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân nguồn vốn của Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình đạt khoảng 25%, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân khoảng 20%, tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức cho phép. Trong hoạt động cho vay, Agribank chi nhánh tỉnh luôn chủ động phát huy tốt lợi thế là ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở đó tập trung cho vay có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ gần 9.700 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ với dư nợ gần 35 tỷ đồng, 127 khách hàng đang vay vốn; cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ với 3 tàu vỏ sắt, dư nợ đạt hơn 44 tỷ đồng; cho vay các dự án kinh doanh nước sạch nông thôn với 11 khách hàng vay vốn, dư nợ đạt 137 tỷ đồng... Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh tỉnh còn duy trì thực hiện có hiệu quả liên kết cho vay thông qua hội nông dân và hội phụ nữ với dư nợ cho vay gần 1.500 tỷ đồng, đồng thời bố trí giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại huyện Thái Thụy; từ đó giúp cho khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ của ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Đoán, Giám đốc Quỹ TDND Thống Nhất (Hưng Hà)

Từ việc chỉ hoạt động trên địa bàn xã Thống Nhất, sau 27 năm hoạt động, đến nay, Quỹ TDND Thống Nhất đã mở rộng địa bàn thêm 4 xã gồm: Văn Cẩm, Chi Lăng, Hùng Dũng và Hòa Bình với tổng số gần 4.700 thành viên. Đến ngày 31/3/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ đạt 315 tỷ đồng, tăng 8,25% so với thời điểm 31/12/2020, trong đó nguồn vốn huy động đạt 296 tỷ đồng, tăng 9,23% so với thời điểm 31/12/2020; tổng dư nợ cho vay đạt 260 tỷ đồng, tăng 6,56% so với thời điểm 31/12/2020. Hoạt động của Quỹ không chỉ giúp các thành viên có vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển nghề và làng nghề mà còn góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ông Đỗ Xuân Thược, Chủ tịch UBND xã Thụy Sơn (Thái Thụy)

Xã Thụy Sơn là một trong những địa phương cuối cùng của tỉnh thành lập quỹ TDND (năm 2008). Sau hơn 10 năm hoạt động, Quỹ TDND Thụy Sơn đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, không chỉ giảm tối đa tín dụng đen ở địa phương mà còn đầu tư tích cực cho thành viên phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, là điểm tựa giúp nhân dân địa phương tiếp cận nguồn vốn sớm nhất, nhanh nhất và thuận tiện nhất, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã Thụy Sơn đạt 8,4%/năm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt 56 triệu đồng.

Ông Han Byung Sun, Giám đốc Công ty TNHH Jeil Jersey VINA (cụm công nghiệp Vũ Hội)

Công ty TNHH Jeil Jersey VINA được thành lập năm 2016, chuyên may hàng thể thao xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trong suốt quá trình phát triển, mặc dù là doanh nghiệp nước ngoài nhưng Công ty luôn nhận được sự đồng hành, quan tâm, giúp đỡ của ngành Ngân hàng, đặc biệt là Agribank Chi nhánh tỉnh đã tạo điều kiện cho Công ty được vay vốn với thủ tục, hồ sơ rất đơn giản, thuận lợi. Chính vì thế, Công ty đã có nguồn lực đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019. Đến nay, Công ty luôn duy trì sản xuất hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 270 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Minh Hương

Phan Thị Tuyết Trinh
(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình)