Thứ 3, 15/04/2025, 20:18[GMT+7]

“Ngân hàng lưu động” - cách tiếp cận vốn tín dụng hiệu quả

Thứ 7, 12/04/2025 | 14:23:40
866 lượt xem
Mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh từ lâu đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn, được ví như “ngân hàng lưu động”, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giảm chi phí đi lại.

Toàn tỉnh có 242 điểm giao dịch xã giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn tín dụng ngay tại nơi sinh sống.

Phát huy vai trò “ngân hàng lưu động” 

Đã thành thông lệ, ngày 21 hàng tháng, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV), người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Đông Vinh (Đông Hưng) lại tập trung về UBND xã để nộp tiền lãi, gửi tiết kiệm, vay vốn... Bà Trần Thị Thư, tổ trưởng tổ TK và VV thôn Văn Ông Trung chia sẻ: Trước đây, hàng tháng chúng tôi phải lên tận Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để thực hiện hồ sơ vay vốn cho các thành viên. Giờ chúng tôi không phải đi xa nữa vì cán bộ tín dụng đã về tận xã giải ngân, rất thuận tiện. 

Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã thành lập 242 điểm giao dịch cố định hàng tháng đặt tại trụ sở UBND 242 xã, phường, thị trấn nhằm triệt để thực hiện cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Tại mỗi điểm giao dịch xã, Ngân hàng đều niêm yết công khai chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, quy trình, thủ tục, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ của từng hộ vay, nội quy giao dịch... Ông Trần Ngọc Tưởng, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vũ Thư cho biết: Hiện, cán bộ tín dụng của Ngân hàng đã thực hiện lịch trực giao dịch cố định hàng tháng tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn. Để tổ chức tốt một phiên giao dịch lưu động ngay tại UBND xã, thị trấn, trước mỗi phiên giao dịch, cán bộ tín dụng họp giao ban với lãnh đạo xã, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng tổ TK và VV để đánh giá tình hình trong tháng, triển khai chủ trương, chính sách mới và đề ra kế hoạch hoạt động cho tháng tiếp theo. Qua đó, tổ trưởng tổ TK và VV nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách mới để phổ biến lại cho người dân có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn với các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh. 

Tổ giao dịch xã được trang bị đầy đủ các điều kiện hoạt động như một phòng giao dịch thu nhỏ, bảo đảm an ninh, an toàn trong suốt quá trình diễn ra phiên giao dịch. Cán bộ tín dụng thực hiện giải ngân, thu lãi, thu nợ, thu tiền gửi của tổ viên, huy động tiền gửi dân cư; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, hồ sơ xử lý nợ nhanh, gọn. Tất cả các hoạt động đều có sự giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, tổ trưởng tổ TK và VV cùng chính quyền địa phương. 

Thông qua hoạt động của các điểm giao dịch xã đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là ở các xã xa trung tâm huyện, được giải ngân vốn nhanh chóng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà Trần Thị Miên, xã Quỳnh Hưng cho biết: Gia đình tôi vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ để chăn nuôi gần 200 con lợn, gà, chim bồ câu. Với thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm, gia đình tôi đã thoát nghèo. Việc vay vốn, trả nợ, trả lãi ngân hàng hàng tháng được thực hiện ngay tại nơi tôi sinh sống thay vì trước đây phải đi tận lên huyện nên rất nhanh và thuận tiện. 

Không chỉ giải ngân, tại điểm giao dịch xã Hà Giang, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng còn phổ biến chính sách tín dụng mới tới người dân.

Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm giao dịch xã 

Với phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, những điểm giao dịch xã đã tạo ra cơ hội để ngân hàng cũng như chính quyền, trực tiếp là các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng để tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng vay vốn, giúp họ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Điểm giao dịch xã còn tạo điều kiện cho nhân dân và chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của ngân hàng trên địa bàn, giúp hạn chế tối đa sai sót, tổn thất trong giao dịch, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. 

Hiện Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ cho vay đạt trên 4.900 tỷ đồng, với hơn 95.000 lượt khách hàng còn dư nợ. Tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt trên 97%, tỷ lệ thu lãi đạt từ 95 - 98% tổng giá trị giao dịch, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0,06% tổng dư nợ. Ông Phạm Văn Thắng, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh khẳng định: Điểm giao dịch cấp xã là mô hình thu nhỏ của phòng giao dịch ngân hàng CSXH cấp huyện, nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với tín dụng chính sách của Chính phủ và sử dụng dịch vụ tài chính thuận lợi. Hiệu quả giao dịch được nâng lên rõ rệt, thời gian giao dịch được rút ngắn so với trước đây, thực sự là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của loại hình “ngân hàng lưu động” đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, củng cố các tổ TK và VV, bảo đảm 100% khách hàng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, tiếp tục nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng tác phong phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ tín dụng. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Giải ngân vốn tín dụng tại điểm giao dịch xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ).

Trung Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày