Thứ 2, 25/11/2024, 01:09[GMT+7]

Bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh

Thứ 6, 01/11/2024 | 21:27:49
1,308 lượt xem
Cuối năm phụ tải điện thường tăng mạnh do các doanh nghiệp chạy nước rút sản xuất để kịp tiến độ đơn hàng. Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Thái Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm cấp điện ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình kiểm tra hoạt động tại trạm biến áp 110kV.

Tại Công ty TNHH Sứ Đông Lâm (khu công nghiệp Tiền Hải), không khí làm việc rất khẩn trương. Người lao động tập trung, nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt mọi công việc, chỉ tiêu được giao. Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Hàng năm, Công ty sản xuất trên 2 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, sứ dân dụng cao cấp, giải quyết việc làm cho gần 500 công nhân và hàng nghìn lao động vệ tinh. Từ nay đến hết năm là thời gian chúng tôi tăng tốc sản xuất để hoàn tất các đơn hàng đã ký kết trong năm. Để bảo đảm nguồn điện ổn định, an toàn cho sản xuất, Công ty đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao về quản lý năng lượng. Trong những tháng cuối năm, Công ty phải sắp xếp các ca sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất lớn vào giờ cao điểm nhằm giảm thiểu tiêu thụ điện năng, tiết giảm chi phí đầu vào, giúp giữ ổn định giá thành sản phẩm. 

Với Công ty Cổ phần May HNF (Quỳnh Phụ), từ đầu năm đến nay, nhờ duy trì các đơn hàng truyền thống và ký được một số đơn hàng mới nên người lao động luôn có việc làm và thu nhập ổn định. Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại, nguồn điện ổn định là rất quan trọng, do đó chúng tôi đã phối hợp với Điện lực Quỳnh Phụ kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ trạm biến áp, hệ thống đường dây, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh có 16 trạm biến áp với tổng công suất là 1.294 MVA; 28 đường dây với tổng chiều dài 302,11km; 7 trạm biến áp trung gian... Trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp đang hoạt động. Ngoài việc nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, thì vào thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang phải tăng tốc để đáp ứng đơn hàng trong quý IV/2024 cho các đối tác. Do đó, lượng điện tiêu thụ ở khu vực sản xuất tăng. Để bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sản xuất, từ đầu năm đến nay lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp. Trong tháng 6, Công ty đã tổ chức lễ gắn biển công trình, đưa vào vận hành trạm biến áp 110kV Hưng Hà 2 có công suất 2x40MVA theo tiêu chí trạm biến áp không người trực với mức đầu tư 72 tỷ đồng; trạm biến áp 110kV Trà Linh (Thái Thụy) cũng được đưa vào vận hành với mức đầu tư 116,8 tỷ đồng với quy mô xây dựng mới 3,2km đường dây 110kV trên không, mạch kép, dây dẫn AC400, đấu nối chuyển tiếp trên một mạch đường dây 110kV từ trạm biến áp 220kV Thái Thụy đến trạm biến áp 110kV Thái Hưng cấp điện cho trạm biến áp 110kV Trà Linh để đáp ứng nhu cầu điện cho một số khu vực huyện Thái Thụy, đặc biệt khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái. Ngoài xây dựng 2 trạm biến áp 110kV ngành điện còn cải tạo đường dây từ Vũ Thư đi Nam Định; đường dây Long Bối, Kiến Xương đi Tiền Hải, thay thế 124 máy biến áp, cấy thêm 100 trạm biến áp chống quá tải. Từ năm 2021 - 2024 có 26 dự án đã và đang được triển khai theo đúng quy hoạch phát triển điện lực Thái Bình. Các dự án, công trình điện được đầu tư tại các địa phương trên địa bàn tỉnh khi đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. 

Bên cạnh công tác đầu tư, Công ty Điện lực Thái Bình luôn chú trọng công tác bảo đảm cung cấp điện an toàn, chất lượng ổn định, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, tăng cường công tác quản lý vận hành, kiểm tra tổng thể đường dây lưới điện, theo dõi các điểm xung yếu, các vị trí và cung đoạn đường dây có nguy cơ xảy ra sự cố; định kỳ vệ sinh hotline, kiểm tra định kỳ lưới điện nhằm phát hiện sớm những khiếm khuyết, tồn tại rên hệ thống. Từ đó, có kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế kịp thời, ngăn ngừa sự cố lưới điện bảo đảm cho các doanh nghiệp sản xuất ổn định. Nổi bật phải kể đến công nghệ sửa chữa điện hotline cho phép thực hiện sửa chữa trên lưới điện mà không làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng hay trung tâm điều khiển từ xa, các trạm biến áp 110kV không người trực, các thiết bị kiểm tra hệ thống điện từ xa, văn phòng số, công tơ điện tử, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra đơn vị tổ chức ra quân giải phóng hành lang lưới điện; tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. 

Thời gian tới, ngành điện tiếp tục bám sát nhu cầu của các nhà đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp để xây dựng kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện theo hướng chủ động, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp. 

Sản xuất sợi tại nhà máy sợi An Ninh (Cụm công nghiệp An Ninh, Tiền Hải).

Mạnh Thắng