Thứ 6, 22/11/2024, 06:03[GMT+7]

Sứ mệnh người thầy

Thứ 6, 01/11/2024 | 21:58:16
2,789 lượt xem
Giao tiếp bằng ngôn ngữ vốn là điều hết sức bình thường giữa giáo viên và học sinh; nhưng với giáo viên Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), thay vì lời nói, các thầy cô chủ yếu dùng ngôn ngữ ký hiệu để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Với sứ mệnh của mình, các thầy cô giáo ở đây hàng ngày miệt mài “truyền lửa” giúp các em được học tập, mở ra tương lai tươi sáng.

Học sinh Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình trong giờ thực hành trang bị điện.

Một nhà triết học cổ đại đã từng nói: “Nếu không nghe được, con người không thể học được”. Nhưng khi ngôn ngữ ký hiệu ra đời, người bị câm, điếc có thể truyền tải được những lời nói, ý muốn của mình thông qua cử chỉ bằng tay. Những đôi bàn tay vốn được sử dụng để cầm, nắm giờ đây giúp cho các em học sinh khuyết tật giao tiếp với nhau cũng như với mọi người, có thể biểu đạt được ý muốn, mong ước của mình. Ngôn ngữ ký hiệu giúp cho các em được học tập, thu nạp kiến thức như bao người khác. 

Công tác tại Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình đã 24 năm, từ đó đến nay, cô giáo Bùi Thị Vân Anh, Khoa Văn hóa chỉ dạy cho các em học sinh bị câm, điếc. Sự nhọc nhằn, vất vả là rất lớn bởi công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn. Nhưng bao năm qua, cô giáo Vân Anh vẫn nhiệt huyết, gắn bó với trường, với lớp, yêu mến học sinh như những đứa con của mình, truyền đạt kiến thức bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm để giúp các em tiếp thu, biểu đạt được suy nghĩ, hành động thông qua ngôn ngữ ký hiệu. 

Cô giáo Vân Anh chia sẻ: Khó khăn nhất khi truyền đạt cho học sinh bị câm, điếc là mất thời gian để các em làm quen với ngôn ngữ ký hiệu. Nhiều em có khả năng ghi nhớ từ kém, rất chóng quên nên cô và trò phải làm đi, làm lại nhiều lần thì các em mới học và ghi nhớ được. Sau mỗi bài giảng trên lớp, tôi phải quay lại clip gửi về cho phụ huynh để phối hợp cùng gia đình dạy cho các em. Bản thân tôi phải thường xuyên đi học tập, nâng cao chuyên môn về kỹ năng sư phạm ngôn ngữ ký hiệu để nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Học sinh khuyết tật thường có sức khỏe yếu, những em chậm phát triển về trí tuệ hay có những biểu hiện và hành động bất thường. Vì vậy, mỗi thầy cô giáo phải thực sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ thì mới giúp các em thoải mái, tự tin trong học tập và vui chơi. Dạy học sinh khuyết tật phải có phương pháp khác với dạy cho học sinh bình thường. Trong các giờ học, các thầy, các cô còn phải đồng hành với các em ở rất nhiều khía cạnh. Không đơn thuần chỉ là người thầy dạy kiến thức mà còn như người cha, người mẹ dỗ dành, chăm sóc các em. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Hường, Khoa điện - điện tử chia sẻ: Học sinh của tôi có nhiều em bị khuyết tật vận động nhưng cũng có nhiều em bị khuyết tật trí tuệ. Dạy nghề cho học sinh khuyết tật thì mình phải hướng dẫn thật tỉ mỉ, cụ thể, phải làm mẫu nhiều lần thì các em mới tiếp thu được. Các em bị khiếm khuyết cơ thể nên nhận thức cũng chậm hơn so với học sinh có sức khỏe bình thường. Vì vậy, bản thân tôi luôn phải kiên nhẫn, chỉ bảo từng ly từng tí để giúp các em tiếp thu bài học tốt hơn. 

Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình hiện có gần 1.300 học sinh ở 58 lớp, trong đó có 220 học sinh khuyết tật đang theo học ở 13 lớp văn hóa chuyên biệt. 

Ông Trần Bá Trình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Suốt những năm qua, Trường đã đào tạo hàng chục nghìn học sinh tốt nghiệp các nghề như điện công nghiệp, may thời trang, chạm khắc gỗ, cơ khí, tin học văn phòng, kế toán, ngôn ngữ ký hiệu. Rất nhiều học sinh khuyết tật có tay nghề tốt, tự kiếm sống bằng nghề đã học hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn; nhiều em có kiến thức, kỹ năng tốt, tự tìm được việc làm cho bản thân.

Với mỗi thầy cô giáo ở Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình, dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng họ luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm với nghề. Bằng niềm đam mê và tình yêu thương trẻ em khuyết tật, các thầy, các cô đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết, dạy chữ, dạy người để giúp các em có nền tảng tốt, hướng tới tương lai tươi sáng. 

Cô giáo Bùi Thị Vân Anh dùng ngôn ngữ ký hiệu trao đổi với học sinh khuyết tật. 

Đỗ Hồng Gia