Thứ 6, 22/11/2024, 00:37[GMT+7]

Uống nước kiềm, nhịn ăn có “lành” bệnh?

Thứ 7, 02/11/2024 | 15:15:53
5,218 lượt xem
Tin vào những lời quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều người bệnh đã uống nước kiềm, nhịn ăn trong nhiều ngày với mong muốn đỡ, khỏi bệnh. Song việc uống nước kiềm kết hợp với nhịn ăn liệu có “lành” bệnh như lời quảng cáo?

Bệnh nhân bị ngộ độc điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh minh họa.

Nhiều người nhập viện do nhịn ăn, uống nước kiềm dài ngày 

Gần đây, Báo Nhân Dân có bài viết với tiêu đề “Suy kiệt vì uống 10 lít nước ion kiềm pha muối một ngày để thanh lọc cơ thể”. Bài viết thông tin về bệnh nhân nam bắt đầu liệu trình uống nước ion kiềm từ ngày 28/8 đến ngày 17/9/2024 tại nhà của một thầy lang. Thầy lang khuyên uống 10 lít nước ion kiềm pha muối mỗi ngày và không ăn uống gì thêm để “thanh lọc cơ thể”. Sau 18 ngày, người nhà lên thăm phát hiện bệnh nhân suy kiệt nghiêm trọng, sụt gần 10kg và quyết định đưa về nhà chăm sóc. Sau đó bệnh nhân có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi và phải chuyển điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy mức protein trong máu xuống thấp, chỉ số men gan tăng gần 5 lần so với bình thường. Bệnh nhân bị teo cơ và mất lớp mỡ dưới da, cơ yếu.

Cũng theo phản ánh của Báo Nhân Dân trong bài viết Cận kề “cửa tử” vì uống nước để chữa bệnh, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc, thậm chí có trường hợp nguy kịch vì nghe theo quảng cáo hoặc lời truyền miệng uống nước kiềm, nhịn ăn hoàn toàn trong nhiều ngày, trong đó có bệnh nhân ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng mệt lả, bủn rủn chân tay, nôn nhiều. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali. 

Mới đây, một cơ sở tại Hà Nội quảng cáo chữa trào ngược dạ dày, đau dạ dày, các khối u bằng nước... (miễn phí) đã bị xử phạt hành chính do cung cấp dịch vụ chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo dịch vụ chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. 

Hiện nay trên các trang mạng xã hội không khó để tìm thấy những nội dung đăng tải về việc uống nước kiềm, nhịn ăn. Tại Thái Bình, trên mạng xã hội facebook, một chủ tài khoản cá nhân đăng tải nội dung hướng dẫn tự uống nước kiềm, ngồi thiền lành các loại bệnh trào ngược dạ dày, đau dạ dày, huyết áp, gan nhiễm mỡ, gout, xương khớp..., các loại khối u và các loại bệnh khác miễn phí, ghi thông tin địa chỉ ở xã Thụy Phong (Thái Thụy). Các đoạn video chủ tài khoản quay và đăng tải có nhiều lượt bình luận, chia sẻ. Bác sĩ Trần Khánh Toàn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thụy Phong cho biết: Ở địa phương có một cơ sở hướng dẫn người dân tự uống nước kiềm lành bệnh. Nhiều người bệnh ở các tỉnh, thành phố trong nước đã tự tìm đến đây để được hướng dẫn uống nước kiềm với mong muốn đỡ, khỏi bệnh. Địa phương cũng đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra và tuyên truyền người bệnh đang ở đó cũng như người dân địa phương về việc uống nước kiềm không thay thế được thuốc chữa bệnh và có bệnh phải đến các cơ sở y tế được cấp phép điều trị. 

Khuyến cáo từ ngành y tế 

Bác sĩ Lã Mạnh Lãm, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Chỉ số toan kiềm máu (pH máu) trong cơ thể bình thường là từ 7,35 - 7,45. Nếu cơ thể có pH máu lớn hơn 7,45 cho thấy đã bị nhiễm kiềm máu (kiềm chuyển hóa hoặc hô hấp). Khi sử dụng nước, hóa chất có nồng độ kiềm cao có thể bị nhiễm kiềm chuyển hóa. Ở nồng độ quá cao, khi tiếp xúc với chất kiềm có thể gây ra bỏng kiềm (giống như bỏng vôi) làm đông vón protein, gây tổn thương bề mặt và có thể gây loét sâu, nặng nề có thể thủng thực quản, dạ dày, ruột. Khi kiềm nhiễm vào máu (mạn tính hoặc cấp tính) sẽ gây ra các triệu chứng toàn thân nặng nề, tổn thương nhiều cơ quan. Cụ thể, gây giảm sức co bóp cơ tim, thay đổi dòng tưới máu mạch vành tim; trên thần kinh cơ gây co giật do tổn thương não, tăng trương lực cơ (co quắp tay chân); ở chuyển hóa gây hạ kali máu, hạ canxi máu, bất thường chức năng của các enzyme; ảnh hưởng khả năng gắn vận chuyển oxy. Ngoài ra, còn có các rối loạn chức năng gan thận khác kèm theo do ngộ độc phối hợp với nhiễm chất kiềm... Trong y tế có sử dụng dung dịch kiềm để chữa bệnh trong những trường hợp bệnh lý đặc biệt. Tuy nhiên, những trường hợp này phải tuân thủ nghiêm ngặt việc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.  

Khuyến cáo với người bệnh, bác sĩ Lã Mạnh Lãm, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Khi chưa mắc bệnh thì lối sống, chế độ dinh dưỡng, thể thao, làm việc hợp lý và khám sức khỏe định kỳ là biện pháp dự phòng bệnh tốt nhất (dự phòng cấp I). Nếu đã nhiễm bệnh, có dấu hiệu rối loạn cơ thể, người dân cần đến khám, điều trị ở cơ sở y tế uy tín, được cấp phép hoạt động. Tại đây, các bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, làm các cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cụ thể cho từng bệnh, từng người bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành. Sau khi điều trị khỏi hoặc với những bệnh mạn tính đã qua đợt cấp của bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra dự phòng cấp II (dự phòng tránh tái phát, tái nhiễm, tránh nặng hơn). Người bệnh không nên tin vào những lời quảng cáo về các sản phẩm chữa bệnh, chữa “lành” không có căn cứ, chưa có bằng chứng khoa học hoặc không được cấp phép để phòng hoặc chữa khỏi một số bệnh lý khiến tình trạng bệnh có thể nặng hơn. 

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cho người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thùy Dung, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Dinh dưỡng là nhu cầu sống còn của cơ thể. Khi cơ thể bị bệnh, quá trình dị hóa mạnh hơn quá trình đồng hóa, vì vậy nhu cầu năng lượng và các vi chất dinh dưỡng càng tăng hơn nữa. Nếu dinh dưỡng không bảo đảm, người bệnh dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau. Có một số nghiên cứu về hiệu quả của nhịn ăn trong thời gian ngắn song nó phụ thuộc vào phương pháp nhịn ăn, đối tượng áp dụng và đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ để bảo đảm an toàn cho người tham gia; chế độ nhịn ăn cũng cần có sự phù hợp cá thể hóa với từng người bệnh, từng hoàn cảnh và các yếu tố khác. So với nước thường, nước kiềm chứa nhiều ion canxi và các khoáng chất khác cần thiết để tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Do đó, nước kiềm là vị cứu tinh cho những người mắc các bệnh về sức khỏe răng miệng, dư thừa axit dạ dày cũng như nhiều bệnh toàn thân khác. Tuy nhiên, nước kiềm cũng không thay thế được thuốc chữa bệnh. Khi kết hợp uống nước kiềm với nhịn ăn kéo dài sẽ khiến cơ thể bệnh nhân rơi vào tình trạng suy kiệt trầm trọng, suy giảm miễn dịch, mất cơ bắp, vận động kém hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm quá trình phục hồi sau bệnh, tăng nguy cơ tử vong. 

Có bệnh thì vái tứ phương, song người bệnh cần có sự lựa chọn sáng suốt, tránh tiền mất tật mang, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Như Hoàng