Thứ 6, 22/11/2024, 05:46[GMT+7]

Cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp: Loại bỏ nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến học tập

Thứ 3, 05/11/2024 | 09:10:26
2,593 lượt xem
Quy định cấm sử dụng điện thoại trong lớp học được các trường ở Thái Bình thực hiện nhiều năm nay. Không sử dụng điện thoại, học sinh bớt sao nhãng trong giờ học, những giờ ra chơi đã trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động bổ ích, các thành viên trong lớp xích lại gần nhau hơn.

Hộp đựng điện thoại của học sinh Trường THPT Chu Văn An.

Thông tư số 32/2020/TT- BGDĐT, ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp, ở khoản 4 điều 37 đã quy định rõ các hành vi học sinh không được làm, trong đó có: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Tại Trường THPT Chu Văn An, việc quản lý điện thoại di động của học sinh trong ngày, trong giờ học được thực hiện đều đặn, quyết liệt từ nhiều năm nay. 

Ông Hoàng Trung Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước khi có Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, Trường đã ra quy định cấm sử dụng điện thoại trong lớp học. Mỗi lớp sẽ có các hộp bảo quản, học sinh tự giác để điện thoại (đã tắt nguồn hoặc để chế độ im lặng) vào đó trước mỗi buổi học, cuối buổi lấy lại. Việc này được ban cán sự lớp trực tiếp nhắc nhở nhưng tinh thần chung là cả lớp tự nguyện và cùng quản lý. Trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã tuyên truyền, phổ biến quy định này nên số lượng học sinh mang điện thoại đến trường không nhiều. Việc siết chặt không sử dụng điện thoại trong trường học giúp các em tập trung trong giờ học hơn, giờ ra chơi được trả lại đúng nghĩa của nó. Các em xuống sân chơi và giao lưu nhiều hơn, giảm tình trạng nghiện game, mạng xã hội của học sinh. Khi cần sử dụng điện thoại di động theo kế hoạch của giáo viên thì học sinh được phép sử dụng theo hướng dẫn của giáo viên.

Gần 3 năm học ở Trường THPT Quỳnh Côi, em Nguyễn Thị Mai, học sinh lớp 12A3 luôn chấp hành nghiêm và ủng hộ quy định không sử dụng điện thoại trong lớp học khi không được thầy cô cho phép. 

Theo em Mai, điện thoại thông minh rất tiện ích, dùng để tra cứu thông tin, sao chụp tài liệu phục vụ học tập và liên lạc với gia đình, bạn bè nhưng vào lớp học thì không nên sử dụng để tập trung nghe thầy cô giảng bài. Nếu cần tra cứu thông tin thì có thể sau buổi học hoặc về nhà tìm hiểu. Muốn liên lạc với gia đình, các thầy cô sẵn sàng cho học sinh mượn điện thoại. Sử dụng điện thoại trong lớp sẽ có tình trạng không tập trung vào việc học mà sử dụng để chơi game hoặc rất dễ bị cuốn vào các trang mạng xã hội.

Thực tế lâu nay đã có tình trạng học sinh mang điện thoại vào lớp học và lén lút sử dụng vào việc riêng trong giờ học như xem phim, chơi game, chụp ảnh, quay clip... Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề nên hay không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp học nhưng đa số phụ huynh, học sinh và giáo viên đều ủng hộ việc hạn chế hoặc cấm sử dụng. 

Bà Vũ Thị Lê, một phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo cho rằng: Màn hình điện thoại không đủ rộng và cỡ chữ không đủ lớn gây hại mắt và học sinh sử dụng điện thoại không kiểm soát được thời gian. Tôi thấy quy định này là rất hợp lý. Kể cả khi các con sử dụng điện thoại để tra cứu tài liệu, thì cũng dễ dẫn đến mặt trái là các con sẽ bị ỷ lại, giảm khả năng tư duy. Hơn nữa, ở độ tuổi đang phát triển, các con thường bị cuốn vào chơi game hay mạng xã hội. Trong khi nhiều con chưa biết cách kiểm soát, sử dụng điện thoại di động cũng như chưa biết cách kiểm soát các nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội.

Cô giáo Lê Thị Tú Anh, chủ nhiệm lớp 11A6, Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo cho biết: Quy định không sử dụng điện thoại khi đang học trên lớp, không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép được cả phụ huynh và học sinh đồng tình ủng hộ. Các em tập trung vào bài học, không còn tâm lý sử dụng trộm điện thoại. Những giờ ra chơi, các em đã quay trở lại những trò chơi quen thuộc của tuổi học trò như đá cầu, nhảy dây, cầu lông. Bên cạnh tiết học chính khóa, vào đầu giờ hoặc sinh hoạt lớp hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tuyên truyền để các em hiểu, làm chủ được bản thân trong việc sử dụng điện thoại đúng mục đích, phát huy tối đa lợi ích, tác dụng tích cực của internet, điện thoại trong cuộc sống cũng như phục vụ cho nhu cầu học tập.

Quản lý tốt việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác trong môi trường học tập của học sinh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Để hoạt động này thành công, ngoài quy định từ phía trường học, rất cần đến sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh trong giám sát, định hướng cho con em sử dụng thiết bị công nghệ thông tin một cách hiệu quả.

Một tiết học của cô và trò Trường THPT Chu Văn An.

Xuân Phương