Thứ 6, 22/11/2024, 00:08[GMT+7]

Phụ nữ xã An ẤP: Thi đua phát triển kinh tế

Thứ 5, 14/11/2024 | 08:52:56
2,111 lượt xem
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Ấp (Quỳnh Phụ) luôn quan tâm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế bằng nhiều hoạt động thiết thực. Với nghị lực và quyết tâm vươn lên, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất với các mô hình hiệu quả.

Xưởng may của gia đình chị Nguyễn Thị Vịnh, thôn Thượng Phúc, xã An Ấp tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cùng cán bộ Hội LHPN xã, chúng tôi đến thăm mô hình VAC của gia đình chị Nguyễn Thị Vân, thôn Xuân Lai, một trong những hội viên dám nghĩ dám làm, cuộc sống khấm khá lên từ phát triển kinh tế nông nghiệp. Trên diện tích 2,2 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả, gia đình chị Vân đã chuyển đổi và đầu tư vốn để đào ao thả cá, trồng cây ăn quả và nuôi gà thương phẩm. 

Chị chia sẻ: Ban đầu khi bắt tay vào làm trang trại tổng hợp, vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm xử lý khi dịch bệnh phát sinh, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Nhờ sự động viên của cán bộ Hội LHPN xã, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công trong và ngoài xã, gia đình tôi khấm khá lên nhờ phát triển nông nghiệp. Chăn nuôi cũng có nhiều rủi ro nhưng hiệu quả kinh tế đem lại khá nên trong quá trình xây dựng mô hình gia đình luôn bảo đảm quy trình kỹ thuật, không sử dụng các chất cấm, tăng trọng. Tôi chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tận dụng và xử lý chất thải chăn nuôi làm nguồn phân bón cho cây trồng, phế phẩm cây trồng ủ làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi giúp gia đình tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, tăng thêm nguồn thu. 

Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Vân, thôn Xuân Lai, xã An Ấp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Với 8 sào ao thả cá trắm, cá chép các loại, hơn 7 sào trồng trên 200 gốc ổi lâu năm, còn lại là diện tích nuôi gà thương phẩm, sau khi trừ chi phí trang trại tổng hợp của gia đình chị Vân cho thu nhập 180 - 250 triệu đồng/năm. Chị là một trong những hội viên tiêu biểu thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” , “5 có, 3 sạch” của địa phương, được tổ chức hội đánh giá cao. 

Tại thôn Thượng Phúc, cơ sở may của gia đình chị Nguyễn Thị Vịnh luôn bận rộn, mỗi người một công đoạn hoàn thiện các đơn hàng quần áo mùa đông. Trước đây, chị Vịnh làm công nhân may, chồng làm kỹ thuật máy may cho một công ty chuyên về may mặc nhưng phải làm việc xa nhà, không có thời gian chăm sóc con. Chị Vịnh bàn với chồng sang tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm và tìm nguồn hàng tự mở xưởng may để cải thiện kinh tế gia đình. Năm 2018, vợ chồng chị quyết định về quê lập nghiệp với số vốn gần 200 triệu đồng, trong đó có 70 triệu đồng được Hội LHPN xã tín chấp với ngân hàng cho vay ưu đãi. 

Chị Vịnh cho biết: Vợ chồng tôi đều có tay nghề may, được Hội LHPN xã tín chấp cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tôi đã mạnh dạn mở cơ sở may. Ban đầu chỉ có 6 máy may, nhân sự mỏng, đơn hàng nhỏ lẻ, dần dần cơ sở có nhiều đơn hàng lớn, được đầu tư 40 máy móc đáp ứng yêu cầu sản xuất tăng cao, sản xuất 4.000 - 5.000 sản phẩm/ tháng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, doanh thu đạt 1,8 - 2 tỷ đồng/năm. Nhờ phát triển nghề, gia đình chị Vịnh đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học, trở thành hộ giàu tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng, những tháng cao điểm đơn hàng lớn tăng cường thêm từ 15 - 20 lao động thời vụ, thu nhập 200.000 đồng/người/ ngày. 

Để giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, Hội LHPN xã An Ấp đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 39 hội viên thôn Thượng Phúc vay hơn 2,3 tỷ đồng. 

Bà Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Những năm qua, Hội đã đẩy mạnh thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho chị em trong lao động sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, vươn lên làm giàu chính đáng. Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề cho chị em. Chỉ đạo các chi hội chủ động nắm bắt tình hình hội viên để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. 

Các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tại xã An Ấp đã phát huy được hiệu quả, nhận được sự đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em phát huy nội lực, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế thông qua các mô hình, tích cực triển khai các nguồn vốn vay tín chấp, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu..

Hà Tuyết