Thứ 6, 22/11/2024, 11:47[GMT+7]

Tổng Bí thư Tô Lâm: Hải Phòng cần có tầm nhìn và giải pháp đột phá để sớm trở thành thành phố phát triển hàng đầu châu Á và thế giới

Thứ 6, 15/11/2024 | 06:41:16
548 lượt xem
Ngày 14/11, tại thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác của Trung ương Đảng đã làm việc với Thành ủy Hải Phòng.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với Thành ủy Hải Phòng.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính; Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; Mai Văn Chính, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Quốc phòng và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến đã báo cáo tóm tắt với đồng chí Tổng Bí thư và đoàn công tác của Trung ương về công tác phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hải Phòng lần thứ 17 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. 

Cùng chung bối cảnh và thể chế nhưng Hải Phòng đã đổi mới, sáng tạo vươn lên phát triển vượt trội

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Hải Phòng luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu về dựng nước và giữ nước. Cách đây trên một ngàn năm, người dân Hải Phòng với tinh thần dũng cảm và mưu trí đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực phi thường của dân tộc trong việc khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và văn minh Đại Việt; dưới thời Pháp thuộc, Hải Phòng đã từng hướng đến mục tiêu trở thành “Thủ đô kinh tế" của xứ Đông Dương…

Ngày nay, Hải Phòng - thành phố “Trung dũng-Quyết thắng” đã và đang trở thành thành phố cảng quan trọng, trung tâm kinh tế công nghiệp, kinh tế biển, trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục không chỉ của vùng Duyên hải Bắc Bộ mà còn là động lực quan trọng của cả nước. 

Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) cùng với Vịnh Hạ Long đã trở thành Di sản thiên nhiên thế giới. 

Trong đó, hiện Hải Phòng đang giữ vai trò là thành phố mở cửa, hội nhập và luôn nằm trong top đầu các địa phương có mức tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã biểu dương những cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng trong suốt chiều dài lịch sử và nhất là sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.

Liên tục trong 9 năm qua, thành phố Hải Phòng luôn duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số. Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị (2019-2023) vừa qua, Hải Phòng đã đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước và tăng gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018.

Quy mô kinh tế của Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội và đứng thứ năm cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 (theo giá hiện hành) đạt 7.960 USD, gấp 1,83 lần 2018, bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ hai trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Sản xuất công nghiệp của Hải Phòng phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại.

Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước với năng suất lao động đạt hơn 392 triệu đồng/lao động trong năm 2023, gấp hai lần bình quân chung cả nước.

Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của thành phố đạt mức tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, gấp 1,67 lần bình quân chung cả nước; riêng năm 2023 đạt khoảng 104 nghìn tỷ đồng, đứng thứ ba cả nước và Hải Phòng hiện là một trong số 18 địa phương cả nước có đóng góp cho ngân sách Trung ương, với mức đóng góp thuộc nhóm đầu…

Hải Phòng luôn nằm trong nhóm những địa phương dẫn đầu về thu hút FDI, xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển nhanh, khá đồng bộ, hiện đại; không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng công nghiệp, du lịch, thương mại, công nghệ thông tin phát triển mạnh…

Cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố Hải Phòng ngày càng phát triển mở rộng.


Các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, an sinh xã hội cũng được thành phố quan tâm đầu tư lớn và có nhiều cơ chế chính sách tốt, đạt kết quả toàn diện, nổi bật; quốc phòng, an ninh được củng cố, an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh…

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hoạt động của cấp ủy, chính quyền có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hơn; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện và nâng cao…

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế-xã hội Hải Phòng cũng phát triển toàn diện với mức tăng trưởng GRDP 9,77%; thu ngân sách và tăng trưởng xuất khẩu đều tăng gần 30% so với cùng kỳ; khách du lịch tăng 14,1% so với cùng kỳ…


Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, thời gian qua, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, những thành tựu nói trên có được chính là nhờ Đảng bộ và Chính quyền thành phố Hải Phòng đã biết khơi dậy tinh thần "dám nghĩ-dám làm", phát huy tiềm năng, chí khí, bản lĩnh, kiên nghị, thông minh và táo bạo vốn đã thành cốt cách của người Hải Phòng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. 

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý, với tinh thần xây dựng, nhìn thẳng, nói thẳng, thành phố Hải Phòng cũng cần nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém, nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP đang chững lại và khó đạt mục tiêu đề ra.

Cùng với đó là chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa thật bền vững và nhất là chưa có những động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh doanh mới, nhất là hạ tầng thông minh, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu chuyển đổi số và công nghiệp 4.0…

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn chậm và hạn chế; còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, tốn nhiều thời gian công sức của người dân và doanh nghiệp; nhiều dịch vụ công trực tuyến chất lượng thấp, tỷ lệ người sử dụng chưa cao…

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu. 

Đồng thời, việc gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa còn hạn chế; còn sai phạm, thất thoát trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; chưa có biện pháp xử lý dứt điểm những dự án đầu tư kéo dài; hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, đường sắt còn lạc hậu, chưa có hạ tầng giao thông đô thị ngầm, hiện đại…

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, một số vụ việc, vụ án tham nhũng chưa được giải quyết kịp thời, còn kéo dài; một số cán bộ, đảng viên, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu tính chủ động, thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc nâng cao chất lượng đảng viên và hoạt động của các tổ chức đảng còn khó khăn...

Cần có tầm nhìn chiến lược và giải pháp tích cực hơn để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, các thành viên trong đoàn công tác Trung ương Đảng đã đóng góp nhiều ý kiến gợi mở, giải đáp những đề xuất của thành phố Hải Phòng về các lĩnh vực cụ thể.

Đô thị Hải Phòng ngày càng khang trang, hiện đại. 

Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Hải Phòng cần nỗ lực phấn đấu phát triển thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, là thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao như các mục tiêu mà Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Trước yêu cầu cao của Bộ Chính trị, thành phố Hải Phòng phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai và quyết tâm theo đuổi mục tiêu.

Tổng Bí thư cho rằng, Hải Phòng muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt; bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng; lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất cho sự phát triển của thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, thành phố cần tập trung làm tốt 6 vấn đề quan trọng hiện nay:

Một là, thành phố quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh-hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của thành phố; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2025-2030) theo đúng chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.

Hai là, Hải Phòng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, quy hoạch hạ tầng ngầm, quy hoạch không gian; kết nối và đồng bộ các loại hình giao thông; quy hoạch tương lai thành phố cần được mô hình hóa, lấy ý kiến rộng rãi và công khai quy hoạch. Quy hoạch chính là nguồn lực, là tầm nhìn để thành phố trở nên minh bạch trong phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Định hướng quy hoạch thành phố phải là đô thị hiện đại, không gian xanh rộng mở hướng biển, phát triển không gian ven sông thành khu vực kinh tế dịch vụ bền vững, tăng diện tích cây xanh, tăng cường công bằng xã hội thông qua các dự án công cộng ven sông, ven biển, công viên để mọi tầng lớp dân cư đều có quyền tiếp cận; bảo tồn các khu phố cổ, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.

Quy hoạch thành phố Hải Phòng cần có tầm nhìn chiến lược. 

Thành phố cần phát huy lợi thế là “cửa chính ra biển” đối với cả miền bắc, quy hoạch xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả vùng Bắc Bộ.

Ba là, Hải Phòng hướng tới là đô thị đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực Đông Nam Á; thành phố cần tập trung xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực…

Thành phố cần có chiến lược tốt trong lựa chọn thu hút FDI và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế…

Bốn là, Hải Phòng phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa; tạo dựng một cách cơ bản, rõ nét các nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế và khoa học-công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ… Trong đó, thành phố cần định hình lại chính sách hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật cao để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số; tăng tốc đô thị hóa có chất lượng; chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống.

Nông thôn mới Hải Phòng ngày càng khởi sắc. 

Năm là, Hải Phòng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững hơn với việc đột phá về cải cách hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, khắc phục tình trạng trì trệ, kém hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức.

Sáu là, củng cố các nền tảng xã hội, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chủ động phòng ngừa, ứng phó trong mọi tình huống...

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng tâm đắc với ý kiến của thành phố về xây dựng mô hình Chủ nghĩa xã hội gắn với con người Xã hội chủ nghĩa và Trung ương cũng sẽ có tổng kết và hướng dẫn về nội dung này.

Cảng biển, logistics luôn là thế mạnh của Hải Phòng cần phải phát huy.

Với tấm lòng trân trọng đối với thành phố Cảng anh hùng, tình cảm yêu mến đối với đồng bào, đồng chí Hải Phòng, Tổng Bí thư tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, chủ động, sáng tạo cùng với thời cơ, vận hội mới, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ vượt qua thách thức, tạo bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, sớm hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra.

Về các kiến nghị của thành phố cơ bản được các bộ, ngành ủng hộ, Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp và gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất cho Hải Phòng phát triển.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày