Thứ 7, 23/11/2024, 15:20[GMT+7]

Những “bông hoa đẹp” của ngành giáo dục Đông Hưng

Thứ 2, 18/11/2024 | 20:31:10
1,852 lượt xem
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện Đông Hưng ngày càng được nâng lên với nhiều thành tích đáng tự hào. Đóng góp vào thành tích đó có công sức không nhỏ của các thế hệ nhà giáo đã dành nhiều công sức, trí tuệ, niềm đam mê, nhiệt huyết cho sự nghiệp “trồng người”; trở thành những tấm gương sáng trong giảng dạy, được học trò, đồng nghiệp yêu mến. Họ được ví như những “bông hoa đẹp” giúp ngành giáo dục Đông Hưng ngày càng tỏa sáng.

Cô giáo Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Phương giúp các em học sinh tìm hiểu về lợi ích của cây xanh.

Video: 191124-PS_-_DONG_HUNG_NHAN_RONG_DIEN_HINH_GD.mp4?_t=1732002844

 

Tự hào “Nhà giáo ưu tú” 

Chúng tôi về Trường Tiểu học Đông Phương một ngày đầu tháng 11. Từ một ngôi trường nằm trong tốp cuối của huyện, sau gần 2 năm dưới sự “chèo lái” của Hiệu trưởng Trần Thị Hiền, Trường Tiểu học Đông Phương đã vươn lên trở thành tập thể lao động xuất sắc, dẫn đầu khối thi đua tiểu học toàn tỉnh và được nhận cờ thi đua của Chính phủ. Lần đầu tiên kể từ ngày thành lập, Trường Tiểu học Đông Phương có 1 học sinh đạt giải Thám hoa vòng chung kết Trạng nguyên nhỏ tuổi, Nét chữ nết người và 1 học sinh đạt giải ba cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi (thể loại truyện ngắn) do Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng phối hợp với Nhà xuất bản Văn học tổ chức.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc đơn sơ, cô giáo Hiền chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, năm 1988 tôi bắt đầu sự nghiệp “trồng người” tại Trường PTCS Dân Chủ (Hưng Hà). Năm 1991, tôi chuyển về Trường PTCS Đông La (Đông Hưng), đến năm 2023 chuyển về Trường Tiểu học Đông Phương và gắn bó cho tới bây giờ. Khi bắt đầu nhận bàn giao, các hoạt động của Trường đều rất yếu. Nhưng bằng nhiệt huyết, trách nhiệm và lòng yêu nghề, tôi đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường xây dựng thành công mô hình trường học an toàn, thân thiện, trường học chất lượng cao. Cùng với đó, tôi còn chỉ đạo giáo viên làm tốt công tác giảng dạy theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng thực hiện phong trào xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp; tiếp tục đưa các nội dung giáo dục lịch sử, địa lý địa phương, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục văn hóa truyền thống trong các tiết học; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, hoạt động ngoại khóa... 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, chủ nhiệm lớp 3B tâm sự: Cô Hiền có trình độ quản lý rất tốt, chuyên môn vững vàng; luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên của trường nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Trong mọi phong trào, cô luôn gương mẫu đi đầu; tận tâm, tận lực, nhiệt huyết trong công việc, tạo môi trường làm việc thân thiện, học sinh tích cực, tập thể đoàn kết. 

Nhờ sự tận tâm và những nỗ lực trong quá trình giảng dạy và công tác, cô giáo Trần Thị Hiền được ghi nhận với bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học Việt Nam, UBND tỉnh; danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Năm 2024, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. 

Truyền lửa đam mê lịch sử cho học sinh 

Trải qua 27 năm giảng dạy và 14 năm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử, đến nay, thầy giáo Bùi Văn Cường, Trường THCS Phương Cường Xá đã truyền lửa đam mê lịch sử cho rất nhiều thế hệ học sinh. Thầy giáo Cường tâm sự: Tôi đến với môn Lịch sử là do cơ duyên, đam mê của bản thân; càng đọc, càng nghiên cứu tôi lại càng thấy hứng thú hơn, không còn thấy “khô” và khó nữa. Chính vì thế, tôi nuôi dưỡng niềm đam mê và đã gặt hái được “quả ngọt” ở môn học này.  

Trong những năm qua, đội tuyển học sinh giỏi do thầy Cường hướng dẫn luôn đạt giải cao; kết quả chất lượng cuối năm học môn Lịch sử tỷ lệ khá, giỏi chiếm từ 82 - 97%; bản thân thầy Cường 5 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. 

Thầy giáo Bùi Văn Cường, Trường THCS Phương Cường Xá áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy môn Lịch sử. 

Thầy giáo Cường chia sẻ thêm: Trong các môn học xã hội thì Lịch sử là môn khiến học sinh khó nhớ, khó thuộc nhất. Hơn nữa, đây không phải là bộ môn được nhiều phụ huynh quan tâm hướng con em theo học. Chính vì thế, để học sinh yêu thích môn học, khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, mỗi bài dạy, tôi luôn tìm nội dung mới mẻ, làm cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tầm quan trọng của môn học, đánh thức trong học sinh niềm đam mê khám phá; hạn chế việc giáo viên làm thay học sinh những điều mà học sinh có thể làm được; vận dụng linh hoạt các phương pháp ôn tập phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh. Trong các giờ học, tôi còn chú trọng lồng ghép lịch sử địa phương qua các bài lịch sử dân tộc và giáo dục tư tưởng, đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho các em; đồng thời, chủ động tham mưu Ban giám hiệu thường xuyên tổ chức tham quan, nói chuyện lịch sử, trao đổi thảo luận..., từ đó giúp học sinh phát huy tài năng của mình, vận dụng kiến thức vào thực tế, trưởng thành hơn về mặt tư tưởng, đạo đức, trau dồi lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. 

Em Nguyễn Quang Trung, học sinh lớp 9A2 chia sẻ: Dưới sự giảng dạy, hướng dẫn của thầy Cường, những tiết học lịch sử của lớp em đã không còn “khô” nữa mà trở nên hấp dẫn hơn; thầy giúp chúng em biết vận dụng kiến thức vào thực tế một cách hợp lý thông qua việc xử lý tình huống; đồng thời, giúp chúng em rèn luyện các kỹ năng học, ghi nhớ sự kiện, phát hiện, giải quyết vấn đề, nhận biết yêu cầu của đề bài qua các từ “khóa” và kỹ năng làm bài thi giúp chúng em tự tin hơn khi tham gia các cuộc thi đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi các cấp. 

Sáng tạo phát triển ngôn ngữ cho trẻ 

Ấn tượng đầu tiên về cô giáo Nguyễn Hà Chung, Trường Mầm non Phú Lương là nụ cười tươi và sự năng động, nhiệt huyết. Cô giáo Chung tâm sự: Từ nhỏ tôi đã ước mơ trở thành cô giáo. Ước mơ ấy lớn dần theo thời gian và khi thực sự trở thành cô giáo, tôi càng yêu và trân quý nghề mình đã chọn. Tôi luôn xác định, trẻ ở lứa tuổi mầm non rất hiếu động, tinh nghịch nên ngoài kiến thức về chuyên môn, điều quan trọng giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, tính chịu khó, kiên trì.

Với vai trò Tổ trưởng Tổ nhà trẻ, cô giáo Chung luôn gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, đưa ra nhiều phương pháp giáo dục mới, sáng kiến hay trong giảng dạy, đặc biệt là đề tài nghiên cứu khoa học “Một số biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ 25 - 36 tháng thông qua hoạt động nhận biết tập nói tại Trường Mầm non Phú Lương” mang lại hiệu quả tích cực trong giảng dạy và học tập tại trường, từ đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp đồng thời tăng khả năng nhận thức cho trẻ. Bên cạnh đó, cô cũng luôn đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động như: phong trào thi đua “Hai tốt”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”... 

Cô giáo Nguyễn Hà Chung, Trường Mầm non Phú Lương luôn mang đến không khí sôi nổi giúp trẻ hứng thú hơn trong giờ học. 

Với những thành tích trong giảng dạy, cô giáo Chung được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Lương đánh giá: Với những đồ dùng đồ chơi do cô Chung tự làm từ những nguyên liệu tái chế đã mang lại không khí sôi nổi, giúp trẻ hứng thú hơn trong các giờ học. Cô Chung xứng đáng là tấm gương điển hình trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. 

Trên đây là 3 trong rất nhiều giáo viên có thành tích xuất sắc của ngành giáo dục Đông Hưng. Với sự tận tụy trong sự nghiệp “trồng người”, các thầy cô đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, xứng đáng là những giáo viên tiêu biểu và là tấm gương sáng để học sinh noi theo. 

Minh Hương