Thứ 7, 30/11/2024, 11:38[GMT+7]

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về phòng chống lãng phí

Thứ 4, 27/11/2024 | 08:27:27
429 lượt xem
Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, tạo cơ sở pháp lý từng bước hạn chế lãng phí. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra khá nghiêm trọng, luôn đồng hành cùng bệnh quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10/2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Nguyên nhân chính là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa thật sự phù hợp thực tiễn và việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Cần phải có giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật về phòng chống lãng phí góp phần xóa bỏ rào cản vô hình, tận dụng thời cơ để phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường.

Việc đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng chống lãng phí là giải pháp quan trọng để phòng chống lãng phí. Đó cũng là yêu cầu khách quan, xuất phát từ nhiệm vụ cần sớm ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng do lãng phí gây ra. Thực tiễn cho thấy bệnh hình thức và quan liêu là cha đẻ của lãng phí-căn bệnh nguy hiểm làm kiệt quệ các nguồn lực, gây hậu quả nghiêm trọng, gia tăng đói nghèo; gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội; tạo rào cản, bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước. Chính vì vậy, cha ông ta đã từng nhắc nhở con cháu "Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn"; phòng chống tệ nạn "vứt tiền qua cửa sổ". Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ" "giặc ở trong lòng"".

Quán triệt lời dạy của cha ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Đảng ta-Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: "cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh"". Do đó, hoàn thiện pháp luật là giải pháp quan trọng tạo thể chế đồng bộ, phù hợp, khả thi phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi lãng phí.

Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện quyết tâm chính trị trong phòng chống lãng phí. Nhiều chỉ thị, nghị quyết qua các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng đã được ban hành, gần nhất là Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhà nước đã thể chế hóa quan điểm của Đảng thành pháp luật trong đó có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014 tạo cơ sở đưa đường lối của Đảng về phòng chống lãng phí vào cuộc sống.

Những bất cập của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cần sớm được khắc phục. Quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, chậm được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở, dẫn đến lãng phí, thất thoát; tình trạng chồng chéo, trùng lặp, chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Yêu cầu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng chống lãng phí xuất phát từ việc cần thúc đẩy tính minh bạch trong quản lý tài sản công, tạo điều kiện cho việc giám sát của người dân và các tổ chức xã hội; bảo đảm tài sản công được quản lý chặt chẽ hơn, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước.

Một hệ thống pháp luật hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ tài sản công, ngăn chặn lãng phí, không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Việc đổi mới, hoàn thiện pháp luật về phòng chống lãng phí sẽ đáp ứng yêu cầu thích ứng với sự thay đổi của kinh tế, xã hội đòi hỏi pháp luật phải cập nhật để phù hợp với các yêu cầu mới, nhất là trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa giúp Việt Nam hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng quốc tế và thu hút đầu tư.

Thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội nước ta hiện nay cho thấy lãng phí đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, càng thôi thúc việc đổi mới mạnh mẽ việc thực thi pháp luật về phòng chống lãng phí. Tình trạng lãng phí ngân sách được đề cập nhiều lần. Nhiều dự án đầu tư công vẫn diễn ra tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, hoặc không đạt hiệu quả như dự kiến. Thí dụ, một số công trình giao thông lớn bị lãng phí do không được sử dụng hết công năng hoặc không phát huy được hiệu quả kinh tế. Lãng phí chưa được phát hiện kịp thời và chưa được xử lý nghiêm minh. Việc phát hiện và xử lý các hành vi lãng phí còn yếu, do thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.

Nhiều trường hợp lãng phí lớn vẫn chưa được phát hiện kịp thời hoặc không được xử lý nghiêm minh. Tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý tài chính, nhiều địa phương và cơ quan vẫn chưa thực hiện đầy đủ. Thông tin không được công khai rõ ràng dẫn đến việc khó khăn trong việc giám sát của người dân và các tổ chức xã hội. Một số cán bộ, công chức vẫn chưa có ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản công, dẫn đến tình trạng sử dụng lãng phí.

Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thật sự hiệu quả. Các cơ quan chức năng chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiết kiệm và chống lãng phí, dẫn đến nhiều đơn vị vẫn chưa nghiêm túc thực hiện. thiếu thông tin và cơ chế để người dân có thể đóng góp ý kiến, giám sát tài sản công. Quy định xử lý vi phạm về lãng phí chưa được thực hiện một cách đồng bộ, dẫn đến việc xử lý không kịp thời và thiếu tính răn đe.

Để đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng chống lãng phí, trước tiên, cần rà soát và hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống lãng phí. Tiến hành rà soát các văn bản pháp luật hiện hành, loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp. Cập nhật các quy định để phản ánh kịp thời các quan hệ phát sinh từ thực tiễn trong bối cảnh mới và yêu cầu phát triển đất nước. Sớm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 trên tinh thần kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, đồng thời thể chế hóa kịp thời các quan điểm chỉ đạo phòng chống lãng phí song hành cùng phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng từ Đại hội XIII đến nay.

Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hoàn thiện pháp luật, tạo cơ chế minh bạch trong quản lý tài chính và tài sản công, từ khâu lập kế hoạch, triển khai đến thanh quyết toán. Quy định rõ trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tài sản công. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tăng cường giám sát và thanh tra, thiết lập các cơ quan giám sát độc lập với quyền lực và nguồn lực đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ.

Quy định rõ chủ thể có trách nhiệm định kỳ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng chống lãng phí. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống lãng phí, phát triển các hệ thống quản lý dữ liệu và thông tin để theo dõi, đánh giá việc sử dụng tài sản công. Tạo cơ chế khuyến khích việc sử dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp dịch vụ công.

Đưa nội dung về phòng chống lãng phí vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Hoàn thiện cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong giám sát, phản biện các hoạt động quản lý tài sản công. Hoàn thiện pháp luật để thiết lập chế tài xử lý nghiêm minh hành vi lãng phí, bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng trong xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Đổi mới mạnh mẽ việc thực thi pháp luật về phòng chống lãng phí, trước tiên cần tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật về phòng chống lãng phí. Đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực quản lý tài sản công và phòng chống lãng phí. Cung cấp đủ nguồn lực và công cụ cần thiết để các cơ quan có thể thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.

Thiết lập cơ chế giám sát độc lập, thành lập các tổ chức giám sát độc lập để theo dõi và đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống lãng phí. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc giám sát và phản biện. Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến quản lý tài sản công, giảm thiểu sự phức tạp và tạo thuận lợi cho việc thực hiện quy định pháp luật. Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý để nâng cao tính hiệu quả và minh bạch.

Khuyến khích báo cáo, kiến nghị và phản ánh tình trạng lãng phí bằng việc tạo ra các kênh báo cáo thuận tiện cho người dân và cán bộ công chức để phản ánh hành vi lãng phí. Bảo vệ người tố cáo để khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng. Tổ chức các đợt thanh tra định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện kịp thời các hành vi lãng phí và vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết luận công khai về kết quả thanh tra để tăng cường tính minh bạch.

Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống lãng phí trong cộng đồng. Khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc tiết kiệm. Đồng thời, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm đối với hành vi lãng phí. Từ đó tạo động lực cho các tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật.

Thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của các quy định pháp luật và thực tiễn thi hành, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Lắng nghe ý kiến phản hồi từ cộng đồng và các bên liên quan để cải tiến chính sách.


PGS, TS NGUYỄN THỊ BÁO (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Theo: nhandan.vn