Thứ 5, 26/12/2024, 16:52[GMT+7]

Thúc đẩy tạo việc làm, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong kỷ nguyên số

Thứ 4, 27/11/2024 | 15:05:20
658 lượt xem
Theo các đại biểu Quốc hội, cải cách chính sách hỗ trợ việc cải thiện các thủ tục hành chính và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đồng thời hỗ trợ việc làm cho thanh niên, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động sẽ giúp tạo ra một môi trường lao động công bằng và bền vững hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: DUY LINH).

Sáng 27/11, tại phiên họp của Quốc hội, các đại biểu đưa ra nhiều đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đặc biệt là các chính sách liên quan đến hỗ trợ việc làm cho thanh niên, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, và các vấn đề liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. 

Bảo đảm hiệu quả chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho biết, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên đã được thể hiện tại các Điều 19, 20, 21, 22 của dự thảo, với nội hàm và phạm vi được mở rộng hơn luật hiện hành.

Tuy nhiên, các chính sách này còn khá chung chung, điều kiện và nội dung hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên chưa thiết thực. Quy định như vậy với thanh niên không có sự khác biệt so với các đối tượng khác, chưa thể hiện được tầm quan trọng của thanh niên là lực lượng lao động đặc biệt.

Để phát huy vai trò thực sự của thanh niên, để các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên được thực thi hiệu quả trong thực tiễn kỷ nguyên số hiện nay, đại biểu đề nghị dự thảo luật xem xét, bổ sung thêm nội dung khuyến khích, tạo môi trường việc làm cho thanh niên thông qua nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đẩy mạnh đào tạo các kỹ năng số, kỹ năng mềm, ý thức kỷ luật cho thanh niên, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, nhất là thị trường lao động số.

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong chiến lược tạo môi trường việc làm cho thanh niên nhằm mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài để tạo thêm cơ hội việc làm cho thanh niên, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua việc thiết lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung, mạng lưới kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thanh niên khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để khai thác triệt để tài nguyên vốn có tại chỗ, tận dụng các lợi thế về cơ chế, chính sách để có ý tưởng khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho thanh niên trên địa bàn.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: DUY LINH).

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) quan tâm đến phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Theo đó, đại biểu cho rằng, cần chú trọng và có cách tiếp cận mới trong mở rộng hơn về đối tượng người được hỗ trợ, để người lao động được bồi dưỡng, tham gia đào tạo về các kỹ năng nghề...

Thực tế cho thấy, số lượng, chất lượng lao động tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, là yếu tố quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư của quốc gia và các địa phương. Kỹ năng nghề lại là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng lao động; người lao động được đào tạo, có kỹ năng sẽ dễ dàng hơn trong tìm kiếm việc làm, có việc làm bền vững, ít lo lắng hơn việc bị sa thải. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định chính sách về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động cần đặc biệt được quan tâm.

Tại khoản 1, Điều 43 của dự thảo luật về hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề quy định nhà nước hỗ trợ thực hiện cả 8/8 nội dung phát triển kỹ năng nghề (được quy định tại khoản 2 Điều 34 của dự thảo luật).

Đại biểu Tuấn cho rằng, phạm vi hỗ trợ như vậy vừa quá rộng, quá dàn trải, vừa không rõ đối tượng được hỗ trợ, nguồn lực và phương thức hỗ trợ. Nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề, dù từ ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hay nguồn khác thì cũng nên có trọng tâm, tập trung vào hỗ trợ người lao động là chính, đồng thời cần mở rộng đối tượng là người lao động được hỗ trợ.

Cần có quy định bắt buộc về trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. (Ảnh: DUY LINH).

Quan tâm về nội dung về đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho biết, dự thảo đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ…

Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp.

Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm.

“Từ đó cho thấy rằng việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.

Song, dưới góc độ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị xem xét áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong các tình huống kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, hướng tới một môi trường lao động công bằng và bền vững.

Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH).

Cũng góp ý liên quan bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cho biết, tại điểm d khoản 3 Điều 60 của dự thảo luật có quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là không bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là trên 144 tháng. Tại Điều 65 của dự thảo luật quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp có đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng được 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định này, vì quy định như dự thảo luật sẽ thiệt thòi cho người có thời gian đóng bảo hiểm dài hơn là 144 tháng.

Đại biểu đề nghị điều chỉnh theo hướng người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương với thời gian đóng, có nghĩa là đóng đủ 12 tháng là được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp; hoặc nếu vẫn giữ quy định đóng đủ 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng thì cần phải quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Nữ đại biểu cho rằng, đây cũng là một trong những vấn đề mà người lao động thực sự rất quan tâm, vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, nhất là những người đang bị thất nghiệp và gặp khó khăn.

Theo: nhandan.vn

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày