Thứ 4, 08/01/2025, 15:00[GMT+7]

Khơi gợi, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh

Chủ nhật, 29/12/2024 | 21:21:32
1,454 lượt xem
Các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật không chỉ có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh nâng cao kiến thức văn hóa, mà còn tạo điều kiện để các em bộc lộ, phát triển năng khiếu và hình thành nhân cách. Do đó, nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh đã thực hiện những cách làm sáng tạo để nâng cao hiệu quả dạy và học các môn này.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Thụy Lương (Thái Thụy) trình bày ý tưởng bức tranh do mình vẽ.

Trong tiết học âm nhạc "Tập kèn phím - Đàn gà con" tại Trường Tiểu học Vũ Đông (thành phố Thái Bình), các em học sinh lớp 5 có thêm kỹ năng chơi nhạc cụ, tự học, tự nghiên cứu, hợp tác làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp. Trong khi đó, giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn học sinh. Cô giáo Trần Thị Huệ, môn Âm nhạc, Trường Tiểu học Vũ Đông cho biết: Để những tiết học nhạc đạt hiệu quả, tôi chia nhỏ kiến thức thành từng phần, kết hợp với các buổi thuyết trình, trò chơi âm nhạc nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Với thời lượng một tiết/tuần, tôi sắp xếp xen kẽ luân phiên 3 phân môn: hát, nhạc lý - tập đọc nhạc và âm nhạc thường thức một cách linh hoạt để tránh cảm giác nhàm chán cho học sinh. 

Việc lồng ghép dạy âm nhạc với các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường cũng được nhiều giáo viên chú trọng, đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả nhiều phương pháp dạy học âm nhạc: truyền khẩu, thuyết trình, thực hành nghệ thuật, dùng hình ảnh minh họa, đồ dùng trực quan. Cô giáo Nguyễn Thị Sen, môn Âm nhạc, Trường THCS Hợp Hưng (Đông Hưng) cho biết: Giáo dục âm nhạc trong nhà trường ngoài việc cung cấp cho học sinh kỹ năng sơ lược về âm nhạc còn giúp cho các em có khả năng được tham gia vào các hoạt động ca hát, làm quen với các tiết mục văn nghệ, tham gia vào các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tất cả những nhiệm vụ đó đều làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các em, góp phần phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu. 

Bà Vũ Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh cho biết: Các giờ học âm nhạc trong trường học đã phát hiện ra nhiều em học sinh có năng khiếu, là nhân tố đặc biệt trong các cuộc thi do Trung tâm tổ chức: Tài năng nghệ thuật trẻ, em yêu làn điệu dân ca, liên hoan các nhóm nhảy... Nhiều em học sinh phổ thông đạt giải cao trong các cuộc thi này. Việc làm quen với các kiến thức liên môn văn hóa và các môn nghệ thuật giúp học sinh sẵn sàng cho những tình huống thực tế trong cuộc sống, giúp các em kết hợp hài hòa giữa đam mê cá nhân và học tập. 

Tiết Mỹ thuật của cô giáo Phan Thị Kim Thùy, Trường Tiểu học và THCS Thụy Lương (Thái Thụy) đa dạng hóa hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho các em học sinh. Cô Thùy luôn thay đổi chủ đề để các em thỏa sức sáng tạo thể hiện ước mơ, sở thích, những thông điệp về bảo vệ môi trường... hoặc những điều các em yêu quý. Những giờ học như vậy luôn được học sinh thích thú và mong chờ. Cô Thùy cho biết: Qua những bức tranh, các em được thỏa sức sáng tạo, thể hiện cách nhìn của mình về cuộc sống. Từ những ý tưởng ban đầu của các em, tôi hướng dẫn, phát triển tư duy thêm cho các em, qua nhiều lần tự chỉnh sửa, các em đã có những bức tranh hoàn hảo. Nhiều em tham gia các cuộc thi vẽ trong nước, quốc tế, vẽ gây quỹ từ thiện đạt giải cao. Theo cô Thùy, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên có phương pháp khác nhau trong giảng dạy môn nghệ thuật nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải khơi gợi niềm đam mê cho các em, để hướng đến bồi dưỡng và phát triển những năng khiếu sẵn có của từng học sinh. 

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn nghệ thuật như Mỹ thuật, Âm nhạc được đưa vào giảng dạy ở tất cả các bậc học, từ tiểu học đến THPT. Các môn này không chỉ giúp cho học sinh phát huy được sở trường, sở thích, năng khiếu của mình mà còn góp phần phát triển năng lực, tư duy của học sinh một cách toàn diện và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em. Tuy đã chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học... nhưng không ít trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất cũng như thiếu giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật... Do đó, để bảo đảm cho việc dạy và học các môn nghệ thuật cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, các nhà trường để sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất cũng như bố trí đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học. 

Tiết học Âm nhạc của các em học sinh Trường Tiểu học Vũ Đông (thành phố Thái Bình). 

Xuân Phương