Thứ 7, 25/01/2025, 00:39[GMT+7]

Vị xuân của những người con xa xứ

Thứ 6, 24/01/2025 | 08:52:14
302 lượt xem
“Rất nhiều câu chuyện kết nối, lan tỏa văn hóa Việt thú vị ở nước ngoài nhưng tôi xin chọn việc tổ chức Tết Việt hằng năm của cộng đồng người Việt tại nơi gia đình tôi định cư là hoạt động ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực”, đó là lựa chọn của TS Nguyễn Thu Hiền đang công tác tại Bệnh viện Đại học Đan Mạch. Cô đồng thời là Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi “Tết Việt Nam trong tôi” do Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu và Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu phát động từ ngày 15/12/2024 đến 25/2/2025.

Trình diễn áo dài trong Tết Trung thu tại Bỉ. Trong ảnh: Tác phẩm đoạt giải cuộc thi Ảnh UGVB 2024 do Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ tổ chức. (Ảnh: LÊ NGỌC HÀ)

Thành phố Bologna được mệnh danh “thủ đô ẩm thực của nước Ý” nhưng vẫn có quán Việt mang tên Fratelli Vietnam ristorante thu hút tới 60% số thực khách là người bản xứ. Nhưng nhiều người Việt du lịch Bologna lại chưa biết có quán ở đây để ghé. Khi cộng đồng - diễn đàn “We Love Phở” ở châu Âu ra mắt, bỗng thấy chủ quán Fratelli Vietnam ristorante gửi lên lời giới thiệu “đậm mùi hồi quế”: “Chào mọi người. Em là Hoàng Kiên. Em ăn phở 365 ngày/năm vào buổi sáng. Đây cũng là công việc hằng ngày vì em muốn ăn tô phở đầu tiên để kiểm tra chất lượng trước khi bán cho khách”.

Điều gì dễ tạo kết nối và quảng bá văn hóa Việt ở nước ngoài nhất? Những câu trả lời và lựa chọn chỉ mang tính cá nhân song cho thấy Phở - một đại diện của ẩm thực Việt và Tết Việt - đại diện những nét văn hóa tốt đẹp nhất trong lòng người Việt xa xứ, đang là những căn cước để dựa vào đó xây dựng các dự án cộng đồng phục vụ chiến lược “Mỗi kiều bào là một sứ giả văn hóa”.

Khi cộng đồng là mong muốn cụ thể tự tâm

Cuộc thi “Tết Việt Nam trong tôi” (thời gian trao giải dự kiến vào 29/3/2025 tại CH Czech) là một bước hiện thực hóa của dự án “Giữ gìn, phát huy và quảng bá văn hóa Việt Nam tại châu Âu”, ra đời sau quá trình bàn thảo và thống nhất từ các hội đoàn thành viên trên toàn khu vực. Dự án được kỳ vọng trở thành cầu nối gắn kết các thế hệ người Việt Nam tại châu Âu, thúc đẩy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và hòa nhập văn hóa, đặc biệt hướng đến thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, cũng như người nước ngoài có quan hệ gắn kết với Việt Nam, yêu Việt Nam.

Chủ đề được xác định “Tết an vui - Xuân khát vọng” với hình thức thể hiện đa dạng từ thơ, tranh vẽ, ảnh đến video clip, cho thấy đây là một diễn đàn mở: khuyến khích mỗi kiều bào, từ trẻ em đến người lớn có thể thoải mái bày tỏ quan tâm và thấu hiểu của cá nhân mình về Tết, rồi từ đó lan tỏa xúc cảm trong cộng đồng!

Tại Đan Mạch hiện có khoảng 16.000 người gốc Việt, đứng thứ 16 trong top 20 cộng đồng nước ngoài có nhiều người định cư nhất ở nước này. Gia đình TS Nguyễn Thu Hiền tham gia Lễ hội Tết Việt ở Đan Mạch từ năm 2011 đến nay, nhận thấy người dự ngày càng đông (500-600 người). Thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở đây tự nguyện tham gia từ khâu chuẩn bị đến biểu diễn ca nhạc, múa lân, trò chơi dân gian trong Tết Việt.

Chương trình ban đầu chỉ hướng tới người Việt, dẫn dắt bằng tiếng Việt nay đã chuyển sang song ngữ để người bản xứ tham dự cũng hiểu. Khách Đan Mạch ban đầu chỉ đi cùng, giờ chủ động đăng ký tham dự để được thưởng thức ẩm thực Việt, xem văn hóa Việt. Đây chính là hiệu quả thấy rõ qua từng năm.

Vì chọn Tết Việt là thí dụ ý nghĩa tiêu biểu nên hiểu về chiến lược “Mỗi kiều bào là một sứ giả văn hóa” theo cách của một nhà khoa học tự nhiên như TS Nguyễn Thu Hiền cũng ngắn gọn thế này: “Đó là mỗi người hãy làm tốt nhất vai trò công dân trong công việc của mình. Duy trì những nét văn hóa Việt tốt đẹp trong chính gia đình mình: ngôn ngữ, ẩm thực và truyền thống. Rộng hơn, đó là sự kết nối, đóng góp và làm đầy những hạt vàng lấp lánh của tinh hoa dân tộc Việt trong mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng người Việt tại khu vực mình đang sống”.

Cái gì không biết thì tra… cộng đồng

Có một cộng đồng văn hóa trên mạng đang nổi lên và được quan tâm gần đây là “We Love Phở” (Community of Phở lovers). Mới ra mắt các kênh kết nối vào đầu tháng 12/2024 nhưng “We Love Phở” đang dần mở rộng với nhiều thành viên là các nhà hàng Việt, đầu bếp Việt, người yêu phở Việt từ khắp nơi trên thế giới. Thật thú vị khi được ngắm hình ảnh chia sẻ về Phở Thìn tại Seoul ở Hàn Quốc, món phở được phục vụ ở Rome trong sự kiện công bố Vietnam Airlines mở đường bay thẳng Milan-Hà Nội từ ngày 1/7/2025...

Tinh thần phở đẩy cao đến mức nhân Giáng sinh (chứ chưa đến Tết Việt) các gia đình gốc Việt, nhà hàng Việt ở châu Âu rủ nhau nấu phở đủ kiểu để chia sẻ với cộng đồng. Sự gặp gỡ và kết nối thông qua hình thức giao lưu này đang lan tỏa ở mức “cái gì không biết thì hỏi ngay cộng đồng”.

Cộng đồng, cụ thể ở đây là việc hình thành các tổ chức, các hội nhóm có tiêu chí hoạt động rõ ràng và có dự án cụ thể, đang đưa những câu chuyện về tinh thần và giá trị văn hóa Việt lan tỏa ngày một thiết thực hơn trong đời sống người Việt xa xứ.

Bản thân người viết bài này gần đây muốn tìm người mang giúp một số sách, báo Tết Ất Tỵ sang để trưng bày Góc Sách-Báo Xuân 2025 trong Lễ hội Tết Việt ở Bỉ. Hỏi mấy mối quen chưa ra thì được nhắc ngay “Làm việc này cho cộng đồng thì phải hỏi cộng đồng giúp chứ. Lên Vườn Việt chưa?” Vườn Việt, tên gọi tắt của cộng đồng Chợ Việt vườn Việt bếp Việt ở Bỉ, một cái chợ online “ra công ra việc” của người Việt tại đây.

Anh Mai Hải Lâm (bên trái) trong hành trình kết nối và lan tỏa “We Love Phở” ở châu Âu. 

Lê Thị Mai, quản trị và cũng là người thành lập diễn đàn này đang làm kế toán ở Bỉ. Cộng đồng này ra mắt tháng 3/2020, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở châu Âu, nay đã thu hút hơn 2.500 thành viên. Vừa nhắn vài dòng lên chợ, một doanh nhân người Bỉ đã hồi âm, nhận mang giúp 10kg miễn phí. Thời điểm năm hết Tết đến, nhường hẳn một vali 10kg đưa giai phẩm Tết Ất Tỵ từ Hà Nội sang Brussels quả đáng phong danh hiệu “hiệp sĩ vác báo”.

Tiếp chuyện về cộng đồng “We Love Phở” và mục tiêu 5 năm tới đây tạo lập được chuỗi sự kiện ẩm thực Việt toàn cầu, mỗi quán phở ở nước ngoài là một đại sứ văn hóa, thúc đẩy sự công nhận phở là di sản văn hóa quốc tế, hỗ trợ và phát triển phở Việt thành một ngành công nghiệp ẩm thực toàn cầu...

Từ đại diện ban đầu ở 11 nước gồm: Anh, Ba Lan, Bỉ, Đức, Hà Lan, Italia, Pháp, Rumani, Czech, Tây Ban Nha, Thụy Điển, nay “We Love Phở” đã kết nạp thêm thành viên là các nhà hàng ở Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hungary, Việt Nam. Anh Mai Hải Lâm (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan), người nêu sáng kiến và đang xây dựng mạng lưới “We Love Phở” nhằm quảng bá phở ở châu Âu, khẳng định: “Việc tăng cường kết nối văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng vì hoạt động này thúc đẩy quá trình hội nhập và kinh doanh của người Việt ở nước ngoài. Thông qua quảng bá văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa ẩm thực bằng những chương trình-dự án bền bỉ và đều đặn, người bản xứ cũng sẽ ngày càng hiểu và yêu quý người Việt, người gốc Việt nhiều hơn”.

Theo Nhân Dân