Thứ 6, 07/02/2025, 00:52[GMT+7]

Vun đắp tình yêu văn học nghệ thuật

Thứ 5, 06/02/2025 | 08:25:07
754 lượt xem
Năm 1976, khi đất nước vừa thống nhất, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học. Qua 15 năm (1976 - 1990) đã bồi dưỡng được gần 200 “nhà văn, nhà thơ nhí”. Dù đến nay còn theo nghiệp viết hay không, họ vẫn luôn vun đắp niềm đam mê, tình yêu văn chương. Với họ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh luôn là mái nhà chung, nơi đã nhen nhóm, gieo cấy cánh đồng văn chương để làm nên mùa gặt lớn.

Các tác giả nguyên là học sinh lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trong buổi ra mắt ấn phẩm mới.

Từ “Búp trên cành” đến thành viên nhóm Nhà Búp 

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng chủ nhiệm lớp đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học, nhà thơ Kim Chuông, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được thành lập năm 1971. Đến năm 1976, từ quan điểm “Thái Bình đâu chỉ đất lúa”, lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học được tổ chức và kéo dài liên tục trong 15 năm. Những năm tháng say mê, bền bỉ ấy, nhiều nhà văn danh tiếng trên cả nước đã về giảng dạy như Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Võ Quảng...cùng các nhà văn Thái Bình duy trì việc “nấu sử, sôi kinh” bằng những bài sơ giản về lý luận văn học, những chuyến đi thực tế. Từ đó, sáng tác cụ thể đã được thầy và trò làm việc “tay đôi” trên bản thảo. Kết quả, trong các số Tạp chí Văn nghệ tỉnh được xuất bản, Hội dành riêng chuyên mục mang tên “Búp trên cành” chuyên đăng tải bài của các em viết. Đến nay, học sinh các lớp bồi dưỡng những năm ấy tụ họp với nhau trong ngôi nhà chung mang tên Nhà Búp. Các nhà văn, nhà thơ nhóm Nhà Búp đã có 50 đầu sách được xuất bản. Là người thầy đầu tiên dìu dắt và đến nay vẫn luôn đồng hành trong sáng tác văn học của các em, tôi tin rằng thành tựu của các em sẽ góp vào nền văn học đương đại nước nhà. 

Trong số học sinh của lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học ấy có nhà thơ, nhà giáo Phạm Hồng Oanh. Vẫn luôn miệt mài “nghiệp viết”, sau quá trình lao động nghệ thuật cần mẫn, nhà thơ Phạm Hồng Oanh được đánh giá cao với nhiều giải thưởng văn học trong nước, đã trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những kiến thức, cách truyền đạt tâm huyết của các nhà văn, nhà thơ ngày ấy đã được chị gửi gắm vào thế hệ học trò của mình hiện nay. Chị cho biết: Từ tình yêu, lửa nóng với văn chương được nhen nhóm ngày ấy, từ năm 2014 đến nay, học viên của các lớp bồi dưỡng đã tập hợp, phát động nhiều cuộc sáng tác về văn học nghệ thuật. Từ quá trình này, không ít tập thơ, văn xuôi đã được dày công gửi tới độc giả, trong đó cuối năm 2024, tập thơ và văn xuôi mang tên “Duyên” tập 2 bao gồm 219 bài viết của 72 tác giả đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. 72 giọng điệu, mỗi người mỗi tâm tư nhưng hội tụ lại là tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu văn chương, yêu những điều gắn bó giản dị trong cuộc sống thường ngày. 

Nuôi dưỡng hứng khởi sáng tác 

Là một trong những học trò có quá trình gắn bó gần 10 năm với lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hiện nay, Tiến sĩ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa làm công tác nghiên cứu vừa giảng dạy về văn hóa tại trường đại học. Ông cho biết: Quãng thời gian được học tập lâu dài với các thầy là nhà văn, nhà thơ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên rất nhiều thói quen tốt trong tư duy văn học cũng như cách tôi truyền đạt, giảng giải mỗi vấn đề với học trò. Từ niềm đam mê văn học đã được “thắp lửa” ngày ấy, cùng sự thôi thúc từ các hoạt động của nhóm Nhà Búp trong giai đoạn hiện nay, bản thân tôi song song với những sáng tác thơ, vẫn luôn ấp ủ, nuôi dưỡng tâm huyết cho nhiều tác phẩm văn chương dài hơi như sự tri ân với các thầy. 

Trong năm 2024, các nhà văn, nhà thơ nhóm Nhà Búp có 12 ấn phẩm được xuất bản. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: Về nhóm Nhà Búp của Thái Bình, tôi rất ngạc nhiên vì từ hoạt động bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học dành cho thiếu nhi đã giữ được tình yêu văn chương gần nửa thế kỷ. Đội ngũ sáng tác ấy, nhiều em đã trở thành cây bút “vạm vỡ” của nền văn học, có những người đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có những người chưa là hội viên nhưng thơ ca của họ đã quen thuộc với độc giả cả nước, đây là điều rất đáng mừng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thông tin: Từ hiệu quả rất thiết thực mà lớp đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trong giai đoạn 1976 - 1990, Ban Thường vụ Hội hiện nay luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để tiếp nối truyền thống quý báu đó. Trong thời gian tới, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh dự kiến sẽ phối hợp với các sở, ngành, tổ chức liên quan tổ chức những lớp bồi dưỡng dành cho thế hệ trẻ. Qua hoạt động chăm lo cho tài năng văn học nghệ thuật sẽ góp phần hướng mỗi người tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Tú Anh