Thứ 5, 03/04/2025, 04:45[GMT+7]

Chủ động phòng, chống dịch bệnh xuân hè

Thứ 3, 01/04/2025 | 09:20:01
1,162 lượt xem
Hiện nay, thời tiết đang dần chuyển sang hè, mưa, nắng thất thường, nền nhiệt thường xuyên thay đổi, một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Bên cạnh đó, bệnh sởi, sốt xuất huyết, cúm... vẫn đang lưu hành rải rác ở một số địa phương. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, các đơn vị y tế trong tỉnh đã có kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp, chủ động phòng, chống dịch.

Học sinh Trường Mầm non Trần Lãm (thành phố Thái Bình) rửa tay phòng, chống dịch bệnh.

Năm 2024, trên địa bàn thành phố Thái Bình có sự lưu hành của một số bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, hội chứng cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, sởi, ho gà..., trong đó số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với những năm trước. Từ đầu năm đến nay, dù dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát song tại một số xã, phường lại ghi nhận sự gia tăng của một số ca mắc sởi. Cụ thể, từ ngày 1/1 - 27/3, thành phố đã ghi nhận 20 ca mắc sởi, rải rác ở một số xã, phường.

Ông Đàm Xuân Tính, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, UBND thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa xuân hè và bệnh sởi, Trung tâm Y tế thành phố đã có công văn gửi các trạm y tế xã, phường, trong đó đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm như: cúm, thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi...; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý ca bệnh; kiện toàn, củng cố các đội cơ động phòng, chống dịch, chủ động sẵn sàng khi có dịch xảy ra. Bên cạnh đó, các trạm y tế cần tăng cường công tác tiêm chủng; rà soát các trường hợp trong độ tuổi chưa tiêm, tư vấn, hướng dẫn các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; duy trì chế độ trực 24/24 giờ; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà trường, cộng đồng dân cư để người dân nắm bắt, thực hiện; chủ động cập nhật chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin ca bệnh truyền nhiễm trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế.

Các hoạt động trên nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Thái Bình. Cụ thể, dưới 40 ca mắc sốt xuất huyết/1 vạn dân đối với bệnh sốt xuất huyết; dưới 30 ca mắc/1 vạn dân với bệnh tay chân miệng và dưới 1.000 ca/1 vạn dân với hội chứng cúm...; bảo đảm kiểm soát kịp thời, hiệu quả các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, lưu hành; hạn chế nguy cơ bùng phát và sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để thành phố phát triển kinh tế - xã hội.

Tại cơ sở khám chữa bệnh, các bệnh viện cũng đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa xuân hè năm 2025. Ông Phạm Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy cho biết: Cùng với việc tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư hóa chất và thuốc bảo đảm thực hiện thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh truyền nhiễm nếu dịch bùng phát; chỉ đạo các khoa, phòng thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, sàng lọc, phát hiện các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh truyền nhiễm tới khám, điều trị tại đơn vị; chủ động phân loại bệnh nhân, điều trị tích cực, chuyển tuyến kịp thời, giảm tối đa bệnh nhân diễn biến nặng, không để bệnh nhân tử vong. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn cũng được chú trọng nhằm tránh lây chéo trong bệnh viện.

Từ đầu năm đến ngày 24/3, Thái Bình đã ghi nhận 87 ca mắc sởi, tăng so với cùng kỳ năm 2024. Số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận là 33 ca, không có ca tử vong; mắc hội chứng cúm là hơn 6.900 ca, tay chân miệng là 62 ca. Đặc biệt, gần đây cũng đã ghi nhận 1 trường hợp bị viêm màng não do mô cầu tại Quỳnh Phụ. Các ca bệnh, ổ dịch đều được giám sát, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường. Do đó, sự chủ động của các ngành, địa phương, đơn vị, nhất là sự vào cuộc tích cực của ngành y tế và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân có vai trò quan trọng để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhân viên y tế huyện Hưng Hà phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày