Thứ 6, 22/11/2024, 22:02[GMT+7]

Công bố Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ 2, 24/06/2024 | 10:20:56
2,046 lượt xem
Ngày 23/6, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên cho lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 4/5/2024, với quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm. 

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày khái quát nội dung Quy hoạch vùng Tây Nguyên. 

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số; hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Quang cảnh hội nghị. 

Phấn đấu đến năm 2030, vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7 đến 7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%...

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa; hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển.

Kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Quy hoạch đã đưa ra các đột phá phát triển về nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, xây dựng và thực thi chính sách phát triển vùng, đột phá về phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng vùng.

Chiều cùng ngày, tại thành phố Đà Lạt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba.

Theo: nhandan.vn