Chủ nhật, 15/12/2024, 11:51[GMT+7]

Bình Phước mở ra không gian phát triển mới, nhiều cơ hội, lợi thế

Chủ nhật, 15/12/2024 | 07:41:31
199 lượt xem
Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng 14-12, Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 doanh nghiệp với tổng nguồn vốn 628,7 triệu USD; khởi công dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước; khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ôtô trị giá 500 triệu USD và công bố giai đoạn 2 Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.

Cùng dự có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tham dự hội nghị có Lãnh sự quán Trung Quốc, Indonesia, Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc và  các cơ quan ngoại giao.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đại biểu dự hội nghị

Bình Phước - “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24-10-2024. Đây là cơ sở pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách, triển khai bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa các lợi thế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật; là dấu mốc giúp tỉnh chủ động kiến tạo tương lai phát triển một cách đột phá, bền vững trong thời gian tới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu khai mạc hội nghị

Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị. Đồng thời, tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 10%. Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 11%; kinh tế số chiếm 30% trong cơ cấu nền kinh tế. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%. Giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh thành lập mới 15.000 doanh nghiệp…

Đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.

Hội nghị cung cấp những thông tin cơ bản về quy hoạch tỉnh để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân biết, hiểu, thống nhất về nhận thức để triển khai thực hiện. Đồng thời, giới thiệu những định hướng phát triển của tỉnh; thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra chặng đường phát triển mới của tỉnh Bình Phước cho lãnh đạo tỉnh Bình Phước

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh Bình Phước.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Huỳnh Thị Hằng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh trao thư quan tâm của tỉnh cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào Bình Phước

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền ký bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bình Phước với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 doanh nghiệp với 32 dự án có tổng số vốn đầu tư 628,7 triệu USD. Trao thư quan tâm của UBND tỉnh cho 3 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Tươi, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thành Phương, Công ty cổ phần Tập đoàn TH. Đồng thời ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Bình Phước với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang.

Bình Phước - sức trẻ mới, không gian phát triển đầy tiềm năng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc mừng những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước đạt được trong suốt chặng đường vừa qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược “đầu gối Trường Sơn”, “vai kề biên giới” với nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới; kết nối kinh tế, văn hóa, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mêkông và ASEAN. Đây cũng là vùng đất đa sắc về văn hóa, giàu truyền thống cách mạng với những “địa chỉ đỏ” đã đi vào lịch sử như: Di tích Phú Riềng Đỏ - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) ở huyện Lộc Ninh; điểm cuối đường Hồ Chí Minh, cùng nhiều địa danh lịch sử như sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long... gắn với những chiến công vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước và cả nước. Chính từ truyền thống lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, cùng tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm với khát vọng phát triển, tỉnh Bình Phước đã biến tiềm năng thành động lực phát triển.

Minh chứng cho điều này là chỉ sau hơn 27 năm kể từ ngày tái lập, từ một tỉnh nghèo, khó khăn, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Phước năm 2024 tăng gấp 92 lần so với năm 1997; tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 27 năm qua luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng/năm; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lũy kế đến năm 2024 đạt gần 4,5 tỷ USD; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ; tốc độ đô thị hóa đạt tỷ lệ hơn 41%.

Nhắc lại một số mục tiêu, nhiệm vụ Bộ Chính trị đặt ra cho khu vực Đông Nam Bộ tại Nghị quyết 24, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Bình Phước được xác định là hướng mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; phát triển kinh tế cửa khẩu, logistic; có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học. Quy hoạch tỉnh Bình Phước là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị; với tầm nhìn chiến lược, tổ chức không gian phát triển dựa trên tiềm năng tài nguyên, vị thế chiến lược, giá trị văn hóa, con người. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng liên vùng, xuyên Á sẽ kết nối không gian kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ và Tiểu vùng Mêkông. 

“Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được nhận diện, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định, đó là tư duy đổi mới, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền; sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tổ chức thực hiện quy hoạch để hiện thực hóa khát vọng của tỉnh” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý. 

Nhận định Bình Phước là sức trẻ mới, không gian phát triển mới, là nàng tiên xinh đẹp nhưng còn ngủ quên, cần được “đánh thức”, Phó Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm để Bình Phước tạo đột phá trong kỷ nguyên mới, đó là:

Tỉnh cần tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng, vốn là “điểm nghẽn” lớn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để chủ động đón làn sóng lan tỏa phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tập trung hoàn thành tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vừa động thổ và cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Đẩy mạnh kết nối giao thông giữa 3 trục phát triển, gồm: Phía Đông (Chơn Thành - Bù Đăng); phía Tây (Chơn Thành - Lộc Ninh) và trục trung tâm là Đồng Phú - Phước Long. Cùng với đó cần tập trung phát triển hạ tầng số.

Bình Phước cần có chiến lược thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư có công nghệ giá trị gia tăng cao, có lợi thế như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, chế biến nông sản… Phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp xanh, tuần hoàn. Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện phân vùng đầu tư theo tiểu vùng sinh thái để vừa tận dụng lợi thế sức lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, đô thị của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương vừa thực hiện tốt chức năng sinh thái của vùng đặc biệt là bảo vệ nguồn nước.

Bình Phước cần tập trung phát triển hệ thống đô thị tạo động lực lan tỏa cho phát triển kinh tế, đặc biệt là tại khu vực tam giác phát triển gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú đã được xác định là trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Chú trọng mô hình phát triển đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD) đang được định hình. Thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn xanh, thông minh, hài hòa với nông thôn bền vững, giàu bản sắc văn hóa. 

Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bình Phước cần quan tâm một số lĩnh vực về phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng xã hội theo hướng đa năng; ưu tiên nguồn lực nhà nước, khuyến khích phát triển các dịch vụ xã hội, nhất là giáo dục, văn hóa và chăm sóc sức khỏe; quan tâm, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo dịch vụ xã hội đô thị và hệ thống an sinh chất lượng cao cho mọi người dân để tạo nên sức hút nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, minh chứng là các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư trong lễ công bố quy hoạch, Bình Phước sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, động lực mới và là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho rằng: Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, nhất là thu hút vốn FDI. Đồng thời, bám sát các nghị quyết, định hướng, chỉ đạo mới của Trung ương, các quy hoạch cấp quốc gia để tích hợp theo hướng thống nhất, đồng bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh khẳng định: Tỉnh nhận thức sâu sắc rằng, công bố quy hoạch mới là bước khởi đầu, chặng đường thực hiện quy hoạch là rất dài, nhiệm vụ rất quan trọng nên sẽ dành sự quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, đặt trách nhiệm và tình cảm trong từng quyết định, hành động để tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, chất lượng.

Tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, toàn diện ý kiến chỉ đạo quan trọng của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị, Bình Phước sẽ có những chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng lòng ủng hộ, cùng tổ chức thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả.

Khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ôtô 500 triệu USD

Dự án nhà máy sản xuất lốp ôtô của Công ty TNHH HAOHUA (Việt Nam) được UBND tỉnh Bình Phước trao giấy chứng nhận đầu tư tháng 9-2023, với tổng nguồn vốn 500 triệu USD. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 43 ha, thuộc Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico (huyện Hớn Quản), công suất 14,4 triệu lốp xe/năm.

Nằm trong chuỗi sự kiện là lễ khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ôtô của Công ty TNHH HAOHUA (Việt Nam)

Cùng với việc hoàn thiện giai đoạn 1, tháng 11-2024, Tập đoàn HAOHUA (Trung Quốc) tiếp tục đầu tư thêm 280 triệu USD để mở rộng nhà máy thêm 31 ha đất. Dự án mở rộng này dự kiến đạt công suất 10 triệu lốp xe/năm, tương ứng với doanh thu 322 triệu USD. Khi cả 2 giai đoạn hoàn tất, tổng công suất của dự án sẽ đạt 24,4 triệu lốp xe/năm, mang lại doanh thu tối thiểu 1,092 tỷ USD. Như vậy, Tập đoàn HAOHUA đã nâng tổng vốn đầu tư lên 780 triệu USD, trở thành doanh nghiệp sản xuất lốp xe lớn nhất Việt Nam. Dự án sẽ góp phần tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Bình Phước, thúc đẩy phát triển các ngành phụ trợ khác.

Ông Vương Khắc Cường, Chủ tịch Tập đoàn HAOHUA phát biểu tại buổi lễ

Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Trung Quốc

Ông Huỳnh Thành Chung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Minh Hưng - Sikico tặng hoa chúc mừng Tập đoàn HAOHUA

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng khi dự lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA tại Bình Phước. Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, với quy hoạch là cực tăng trưởng mới của khu vực Đông Nam Bộ, với vị trí địa lý chiến lược, có các tuyến giao thông kết nối thuận lợi và giữ vai trò quan trọng, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng với Tây Nguyên và Campuchia - Lào - Thái Lan, Bình Phước đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Những dự án có tính chất động lực như Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico đang từng bước đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Ông Vương Khắc Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAOHUA trao bảng đóng kinh phí 10 tỷ đồng giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn địa bàn tỉnh Bình Phước

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn II cho Tập đoàn HAOHUA

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo và chúc mừng

Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ôtô của Công ty TNHH HAOHUA (Việt Nam)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Mạnh Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh dự lễ khánh thành

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Bình Phước cần tiếp tục đồng hành hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh; khẩn trương đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Đồng thời mong muốn nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đầu tư giai đoạn 2 của dự án với tổng nguồn vốn 280 triệu USD. 

Nhà máy sản xuất lốp ôtô của Công ty TNHH HAOHUA (Việt Nam) đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ sản lượng cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp khoảng 120.420 tấn/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động địa phương và 200 lao động nước ngoài. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Bình Phước - địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất cả nước với hơn 240.000 ha.

Ông Huỳnh Thành Chung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Minh Hưng - Sikico cảm ơn sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh Bình Phước đối với doanh nghiệp

Ông Huỳnh Thành Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Minh Hưng - Sikico khẳng định, thành công hôm nay không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ từ lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước. Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi ngay từ những ngày đầu Tập đoàn HAOHUA khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy. Trong suốt quá trình triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành đã nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn và động viên để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ đúng quy định và tiến độ đề ra.

Khởi công cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn Bình Phước

Dự án xây dựng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước do Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài khoảng 6,6km; vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/giờ; tổng mức đầu tư 1.474 tỷ đồng; thời gian thực hiện giai đoạn 2024-2026. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết hợp với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tạo thành các trục giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian di chuyển, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Các đại biểu dự lễ khởi công cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn Bình Phước

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ khởi công xây dựng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là 1 trong 8 dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là tuyến giao thông chiến lược, được quy hoạch kết nối với Tây Nguyên xuyên qua các trung tâm công nghiệp sản xuất lớn của Bình Phước, Bình Dương hướng về TP. Hồ Chí Minh, kết nối đồng bộ với hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển và sân bay quốc tế Long Thành. Dự án có tổng chiều dài khoảng 70km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Phước là 6,6km, qua Bình Dương là 52km.

Công bố giai đoạn 2 Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước

Đối với Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước nằm trên địa bàn thị xã Chơn Thành, với tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất hơn 4.500 ha. Trong đó, khu công nghiệp hơn 2.448 ha, còn lại là khu dân cư. Dự án xây dựng trên mô hình kết hợp giữa công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị với tổng ngân sách đầu tư 20.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án đã thu hút vốn đăng ký hơn 1,1 tỷ USD. Tại buổi lễ, UBND tỉnh Bình Phước cùng chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước thực hiện lễ động thổ và chính thức khởi công giai đoạn 2.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Becamex Bình Phước Phạm Ngọc Thuận báo cáo quá trình triển khai dự án giai đoạn 2

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Becamex - Bình Phước Phạm Ngọc Thuận cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển sắp tới, công ty sẽ đầu tư giai đoạn 2 với diện tích 500 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước cũng đã trao tặng 500 căn nhà đại đoàn kết, tổng trị giá 40 tỷ đồng để cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống người dân

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh trao tặng nhiều phần quà cho 18 hộ dân trong vùng dự án

Dịp này, nhà đầu tư đã trao tặng nhiều phần quà cho 18 hộ dân trong vùng dự án; Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước trao tặng 500 căn nhà đại đoàn kết, tổng trị giá 40 tỷ đồng để cùng địa phương chung tay chăm lo đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Theo baobinhphuoc.com.vn

  • Từ khóa