Thứ 6, 29/03/2024, 09:28[GMT+7]

Sửa đổi Luật Đất đai phải tổng thể, lâu dài, không để xảy ra cài cắm lợi ích nhóm

Thứ 7, 04/03/2023 | 21:09:28
694 lượt xem
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng cài cắm lợi ích nhóm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Duy Linh).

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong quá trình sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng, cần chỉ rõ vướng mắc, “lỗ hổng” để giải quyết, tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác.

Cùng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Duy Linh).

Tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lại 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu gợi mở, cho rằng cần bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; nghị quyết, kết luận của Đảng; nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Duy Linh).

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ. Những vấn đề Trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án luật.

Đề cập việc kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng; luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thành luật đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng cài cắm lợi ích nhóm.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cân nhắc kỹ, không đưa vào luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể.

Nội dung quan trọng nữa được Chủ tịch Quốc hội đề cập tại tọa đàm là quá trình sửa đổi luật cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, khách quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; tiếp thu, giải trình đầy đủ, cầu thị; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Đại biểu phát biểu tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: Duy Linh).

Gợi mở những vấn đề để các nhà khoa học, các diễn giả, đại biểu tham gia tọa đàm tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề cập nhóm nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai…

Cụ thể, trong 3 cấp chính quyền địa phương thì cấp xã là cấp sát với dân nhất, nhưng cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã đều chưa được đề cập trong dự thảo luật; vai trò của từng cấp chính quyền địa phương cũng chưa đủ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn. Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Quang cảnh tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Duy Linh).

Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.

Nhóm vấn đề thứ hai là thể chế hóa đầy đủ, khoa học, khả thi các quy định của số 18-NQ/TW liên quan các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Đây là nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); thời gian qua xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong xác định giá đất, làm thất thoát ngân sách, mất cán bộ.

Nhóm vấn đề thứ ba là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà khoa học, diễn giả, đại biểu thảo luận làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, các đại biểu cần làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh; về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Nhóm vấn đề thứ tư là về các quy hoạch về thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự tọa đàm. (Ảnh: Duy Linh).

Trình bày các ý kiến tham luận tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học tại các học viện đề nghị các điều luật về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư thì cần rà soát, quy định cụ thể hơn, chỉ để một số điều cần thiết do Chính phủ quy định chi tiết.

Trong Tờ trình dự án Luật đã nêu quan điểm: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp của nhân dân…

Điều 21 dự thảo Luật mới chỉ liệt kê các công việc cần phải làm trong quản lý đất đai. Tôi đề nghị thể hiện lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì những vấn đề gì là phải quản lý theo ngành và vấn đề gì phải quản lý theo lãnh thổ, tức là việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; những vấn đề gì cả hai cùng làm. Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai…

(GS, TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)


Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng đề nghị khi bồi thường phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Bởi trong thời gian qua, việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp rất thấp, do đó có nhiều người bị thu hồi không chịu trả lại đất và khiếu kiện kéo dài. 

Trách nhiệm của Nhà nước là tìm cách sử dụng quỹ đất của quốc gia có hiệu quả cao nhất, đồng thời chia lợi ích từ việc sử dụng đất đó cho công dân và các nhà đầu tư vừa theo nguyên tắc thị trường, vừa theo nguyên tắc công bằng. Các giao dịch giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất cần dựa trên giá cụ thể được cơ quan tư vấn độc lập xác định bằng các phương pháp khoa học đi đôi với thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch và đối xử công bằng về lợi ích với các bên liên quan…

(PGS, TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản)


Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị phải có cơ chế và chế tài đủ mạnh trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực và kiểm soát quyền lực hiệu quả để cán bộ quản lý đất đai không thể câu kết với các tổ chức tư vấn độc lập để định giá quyền sử dụng đất có lợi cho bên nhận nhằm được hoa hồng, lại quả… 

Theo: nhandan.vn

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày