Thứ 5, 18/04/2024, 22:40[GMT+7]

Đổi thay trên từng góc phố

Thứ 2, 01/05/2023 | 12:20:02
14,814 lượt xem
Ngày 30/6/1954, thị xã Thái Bình được hoàn toàn giải phóng. Gần 70 năm qua, từ một thị xã nhỏ bé, song hành cùng bao biến đổi, thị xã Thái Bình hôm qua, thành phố Thái Bình hôm nay đã không ngừng vươn dậy, tạo nên vóc dáng của một đô thị hiện đại mang nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa.

Phát triển đồng bộ

Sau 10 năm được công nhận là đô thị loại II, chặng đường phát triển chưa dài nhưng đô thị Thái Bình đã có những bước tiến đáng kể, có vai trò thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn vùng đồng bằng sông Hồng. 

Chị Hoàng Thúy Hằng, phường Kỳ Bá tâm sự: Để có một thành phố phát triển nhanh, mạnh thì chỉ thực sự 10 năm nay. Thành phố chuyển mình nhanh đến nỗi chính chúng tôi là người sinh sống ở đây cũng thấy đô thị mình thay đổi sau mỗi đêm thức dậy: cầu mới, đường mới, hàng loạt khu đô thị mới. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 20 năm qua nhưng hầu như năm nào anh Trần Công Kiên, phường Trần Lãm cũng cùng gia đình về quê dịp lễ, tết. Dù không có nhiều thời gian để ngắm nhìn sự đổi thay của thành phố từng ngày nhưng với anh Kiên, quê hương đã thực sự “chuyển mình”. Anh chia sẻ, nếu như trước đây, khi từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê, độ chênh của sự nhộn nhịp, sầm uất giữa 2 thành phố là lớn vô cùng, nhưng 2 - 3 năm trở lại đây, thành phố quê mình đã đổi thay nhiều với những tòa nhà cao tầng, đường phố khang trang, nhộn nhịp, không gian sống sáng, xanh, sạch, đẹp…

Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình Đinh Gia Dũng cho biết: Những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thái Bình đã không ngừng đổi mới, sáng tạo để bứt phá vươn lên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao. Tổng giá trị sản xuất quý I/2023 ước đạt gần 13.860 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 13,17%, thương mại, dịch vụ tăng 10,12%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 827 tỷ đồng, tăng 63,8% so với cùng kỳ. Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều hệ thống trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ hiện đại, đạt tiêu chuẩn cao. Các khu, cụm công nghiệp tập trung thu hút, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ và phát triển; sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển vượt bậc, dẫn đầu phong trào giáo dục toàn tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư đồng bộ, có tính đến các yếu tố cấu thành đô thị thông minh như camera công cộng; hệ thống điện, cáp viễn thông hạ ngầm... Nhiều dịch vụ tiện ích công cộng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân như khu vui chơi giải trí; công viên, vườn hoa tích hợp thiết bị thể thao… cùng hàng loạt công trình quy mô tạo điểm nhấn cho thành phố như Quảng trường Thái Bình, công viên 30/6, công viên Lê Quý Đôn, công viên Kỳ Bá, hồ Ty Diệu… Nhiều khu đô thị mới được hình thành với kết cấu đồng bộ, hiện đại cùng các khu nhà ở, khu chung cư thu nhập thấp được đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu của người dân, công nhân, người lao động.

Phố Lê Lợi.

Đô thị hiện đại

Để đạt được mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại với vai trò đô thị thông minh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, thương mại của khu vực đồng bằng sông Hồng, thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư và đưa vào sử dụng hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm, không chỉ nâng cao năng lực giao thông của thành phố mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, mở rộng không gian đô thị, là niềm tự hào của người dân thành phố. 

Từ vài tuyến đường chính như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Minh Khai nay đã mở ra nhiều tuyến phố huyết mạnh, thênh thang tạo nên những trục kinh tế xương sống cho định hướng quy hoạch thành phố hướng tới đô thị xanh, hiện đại. Giao thông thành phố giờ đã được nối dài với nhiều tuyến đường mới như đường vành đai phía Nam, đường Kỳ Đồng kéo dài, đường Lê Quý Đôn, đường Chu Văn An kéo dài, đường 454, cầu vượt sông Trà Lý… 

Cùng với đó, thành phố đang tập trung lập đề án đề nghị công nhận thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; đề án thành lập 8 phường; hoàn thiện đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng lấy sông Trà Lý làm trục cảnh quan phát triển đô thị. 

Ông Trương Văn Luyến, Chủ tịch UBND phường Hoàng Diệu cho biết: Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của phường Hoàng Diệu ngày càng được đầu tư, với hệ thống giao thông, cơ sơ hạ tầng, các công trình phúc lợi được đồng bộ hóa. Đặc biệt, Quảng trường Thái Bình đã trở thành điểm đến tham quan, vui chơi, giải trí của người dân trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tận dụng mọi thời cơ, khai thác tốt nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng phường Hoàng Diệu phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp đà phát triển, thành phố Thái Bình tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh; thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư hạ tầng đô thị. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân thành phố. Đặc biệt, với tiềm năng, vị thế và trách nhiệm của mình, thành phố phấn đấu là địa phương thực hiện tốt nhất, đột phá nhất trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, sớm đưa thành phố Thái Bình trở thành “đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng” đúng như Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển thành phố Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Đường Đinh Tiên Hoàng.

Minh Nguyệt 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày