Thứ 5, 09/01/2025, 04:56[GMT+7]

Ph.Ăng-ghen với sự nghiệp giải phóng người lao động và sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta

Thứ 2, 28/11/2022 | 08:08:37
9,385 lượt xem
Ph.Ăng-ghen (Friedrich Engels) sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ (thuộc đế chế Đức), mất ngày 5/8/1895 tại làng Yoking gần thủ đô Luân Đôn (Anh). Ông vốn là con một nhà tư sản.

Năm 22 tuổi, Ph.Ăng-ghen đến thành phố Manchester (Anh) làm việc trong một hãng buôn mà bố ông có cổ phần. Ở đây, ngoài giờ làm việc, Ph.Ăng-ghen thường đi thăm các khu nhà ở của người lao động(1), nên ông hiểu rõ về nhân dân lao động, trên cơ sở đó, ông đã viết các tác phẩm như Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh; Tình cảnh nước Anh, hiến pháp Anh;… Trong các tác phẩm này, ông đã đánh giá vai trò to lớn của người lao động đối với sự phát triển xã hội, “những người mà trí sáng tạo và bàn tay lao động đã làm nên sự vĩ đại của Anh”(2).

Đồng thời, ông cũng nhận thấy đang tồn tại các nghịch lý sau: Người lao động là những người làm ra của cải vật chất cho xã hội nhưng lại thiếu thốn về của cải vật chất (thiếu những nhu yếu phẩm phục vụ cho việc ăn, mặc, ở, đi lại...); người lao động là người làm nên sự giàu có cho nước Anh nhưng bản thân họ lại rất nghèo khổ và đang bị bần cùng hóa. Sự bần cùng hóa của đa số nhân dân lao động tạo nên sự giàu có của thiểu số giai cấp tư sản ở Anh, “giai cấp tư sản Anh, và nhất là bọn chủ xưởng là những kẻ trực tiếp làm giàu trên sự bần cùng của người lao động”(3). Sự bần cùng về kinh tế kéo theo sự nghèo nàn về các quyền cơ bản của họ, “người nghèo không có quyền, người ta đàn áp và làm nhục họ; hiến pháp không thừa nhận họ, luật pháp áp chế họ”(4). Một xã hội như vậy là hết sức bất công đối với những người lao động, bởi con người vốn có quyền tự do, bình đẳng và có quyền phát triển toàn diện tài năng của mình.

Theo Ph.Ăng-ghen, có sự bất công xã hội là do xã hội tồn tại đối kháng giai cấp nên còn áp bức, bóc lột, bởi vì, trong xã hội đối kháng giai cấp, chỉ có thiểu số giai cấp bóc lột là có điều kiện thực hiện những quyền phát triển toàn diện, còn đa số quần chúng nhân dân bị bóc lột, bị áp bức thì không thực hiện những quyền đó một cách thực chất, và chế độ tư bản chủ nghĩa dù có tiến bộ hơn chế độ phong kiến nhưng cũng vẫn còn áp bức, bất công, “Xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới”(5).

Theo Ph.Ăng-ghen, có sự bất công xã hội là do xã hội tồn tại đối kháng giai cấp nên còn áp bức, bóc lột, bởi vì, trong xã hội đối kháng giai cấp, chỉ có thiểu số giai cấp bóc lột là có điều kiện thực hiện những quyền phát triển toàn diện, còn đa số quần chúng nhân dân bị bóc lột, bị áp bức thì không thực hiện những quyền đó một cách thực chất. 


Vì vậy, xã hội tư bản chủ nghĩa không phải là xã hội tốt đẹp nhất, nên Ph.Ăng-ghen và C.Mác cho rằng cần phải cải tạo, giải phóng xã hội. Với hai ông thì giải phóng xã hội là phải giải phóng tất cả các cá nhân, bởi vì “xã hội không thể nào giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng cho mỗi một cá nhân riêng biệt”(6). Với luận điểm này, có thể thấy rằng quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về giải phóng con người, giải phóng xã hội có sự tiến bộ vượt bậc so với các quan điểm trong lịch sử, vì nó triệt để hơn ở chỗ là giải phóng tất cả cá nhân cụ thể trong xã hội.

Bởi vì “bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(7), cho nên để giải phóng, phát triển, hoàn thiện con người thì phải xây dựng xã hội tốt đẹp với những quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ, nhân văn, nhân bản. Đó là xã hội không còn nô dịch, áp bức, bóc lột, bất công, trong đó mỗi cá nhân con người có thể tự do phát triển, hoàn thiện bản thân mình một cách triệt để, xã hội tốt đẹp như vậy là xã hội cộng sản chủ nghĩa, bởi vì: “Trong khuôn khổ của xã hội cộng sản chủ nghĩa, cái xã hội duy nhất mà trong đó sự phát triển độc đáo và tự do của các cá nhân không còn là lời nói suông”(8).

Trên cơ sở quan điểm duy vật, Ph.Ăng-ghen cho rằng, để xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải phát triển kinh tế, bởi phát triển kinh tế là điều kiện, tiền đề phát triển các lĩnh vực, phương diện khác của đời sống xã hội. Phải phát triển kinh tế để “trong đó tất cả mọi vật phẩm cần cho đời sống sẽ được sản xuất ra nhiều đến nỗi mỗi thành viên trong xã hội đều có thể hoàn toàn tự do phát triển và sử dụng mọi lực lượng và năng lực của mình”(9).

Phát triển sản xuất để có thể sản xuất ra nhiều “vật phẩm” đến mức đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thành viên trong xã hội mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là xã hội không còn đối kháng giai cấp và quá trình sản xuất phải được làm chủ và tổ chức một cách hoàn toàn tự giác bởi chính toàn thể nhân dân lao động. Tức là nhân dân lao động làm quá trình sản xuất, làm chủ về kinh tế, trên cơ sở đó, làm chủ về chính trị, văn hóa... Sở dĩ phải hội đủ hai điều kiện cần và đủ là bởi lẽ, nếu nền sản xuất phát triển và tạo ra nhiều “vật phẩm” rồi mà “vật phẩm” lại rơi vào tay thiểu số giai cấp bóc lột thì chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa vẫn chưa được thiết lập. Khi hội đủ hai điều kiện cần và đủ thì xã hội bước lên một nấc thang mới khác về chất, khi đó “xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!” (10).

Kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm của Ph.Ăng-ghen về giải phóng người lao động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quần chúng nhân dân, lật đổ ách đô hộ của phong kiến, thực dân, giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi áp bức, nô lệ, bất công tạo điều kiện, tiền đề để xây dựng xã hội tốt đẹp cho nhân dân. Công cuộc đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hiện nay là tiếp tục sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động theo tinh thần của Ph.Ăng-ghen, nhằm đem lại dân chủ, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội với những giá trị cốt lõi như: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “phát triển con người toàn diện”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định(11).

Kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm của Ph.Ăng-ghen về giải phóng người lao động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quần chúng nhân dân, lật đổ ách đô hộ của phong kiến, thực dân, giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi áp bức, nô lệ, bất công tạo điều kiện, tiền đề để xây dựng xã hội tốt đẹp cho nhân dân. 


Để thực hiện mục tiêu tốt đẹp, đầy tính nhân văn, nhân bản đó, Đảng ta chủ trương phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhưng trước hết là phát triển kinh tế, trên cơ sở phát triển kinh tế, phát triển chính trị, văn hóa... Về kinh tế, đó là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế thế giới để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh, qua đó làm ra của cải xã hội nhiều hơn với chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa-đây là nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của thị trường, vừa được dẫn dắt và chỉ đạo bởi bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, an sinh xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững.

Về chính trị, đó là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”(12) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn; là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, đây là công cụ của nhân dân để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, gắn dân chủ với kỷ cương, sẵn sàng trấn áp mọi hành vi chống phá quá trình xây dựng xã hội tốt đẹp của Đảng và nhân dân ta.

Về văn hóa, đó là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế, chính trị với phát triển văn hóa, để giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng tới một xã hội giàu tính nhân văn, nhân bản, nhân đạo, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ để mỗi cá nhân phát triển, hoàn thiện bản thân một cách toàn diện, bảo đảm hội tụ cả đức lẫn tài, cả “hồng” lẫn “chuyên”, vừa giỏi chuyên môn nghiệp vụ vừa vững vàng bản lĩnh chính trị và giàu tinh thần cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về giải phóng nhân dân lao động thể hiện tinh thần nhân văn, nhân bản sâu sắc và vẫn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay.

(1) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1974, T 2, tr 7.(2) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1995, tập 2, tr 350.(3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1995, tập 2, tr 351.(4) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1995, tập 1, tr 887.(5) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1995, tập 4, tr 597.(6) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1994, tập 20, tr 406.(7) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1995, tập 3, tr 11.(8) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1995, tập 3, tr 644.(9) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1995, tập 4, tr 466.(10) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H, 1995, tập 19, tr 36.(11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2022, tr 21.(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, tr 403.

TS ĐINH VĂN THỤY, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo: nhandan.vn