Thứ 7, 20/04/2024, 09:50[GMT+7]

Gặp người cựu tù chính trị năm xưa

Thứ 4, 24/07/2013 | 14:46:44
1,622 lượt xem
Là người cùng quê, tôi có may mắn được biết nhiều điều về người cựu chiến binh, cựu tù chính trị năm xưa thuộc Ðơn vị Quận 18 phố Ðông, công binh trực thuộc Sư 2 đã có thời gian dài sống trong nhà tù Phú Quốc do đế quốc Mỹ giam cầm, đó là ông Bùi Ðình Mãn (thôn Nha, xã Thái Giang, Thái Thụy).

Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc và những hình ảnh được phục dựng tại đây. Ảnh sưu tầm từ internet

Ở tuổi 82, tuy mắt đã mờ, răng đã rụng nhưng trí nhớ của ông vẫn còn minh mẫn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, ông hồi tưởng và kể lại tỉ mỷ những trận chiến đấu ác liệt với giặc Mỹ tại chiến trường Quảng Ngãi và những kỷ niệm trong  nhà tù Phú Quốc sau 3 năm 4 tháng bị giam cầm.

Tháng 12 năm 1967, ở tuổi ngoài 30, người thanh niên Nguyễn Ðình Mãn tình nguyện xung phong vào quân đội để lại mẹ già và gánh nặng 4 con nhỏ dồn lên đôi vai người vợ gầy yếu. Dù đóng quân tại làng Hạ Liệt (trong xã Thái Giang) 30 ngày nhưng ông không một lần về thăm gia đình vì đó là kỷ luật quân ngũ thời chiến tranh. Sau đó, hơn 3 tháng ông cùng đồng đội đi bộ hành quân vào chiến trường để tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Mảnh đất Quảng Ngãi kiên cường, bất khuất là nơi ông dừng chân đóng quân.

Ðây cũng là thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, xe tăng, đạn pháo, bom mìn của Ðế quốc Mỹ hàng ngày vẫn không ngừng cày xới san bằng đất rừng Quảng Ngãi. Ngày sống trong rừng, đêm đến Nguyễn Ðình Mãn cùng đồng đội vào làng làm công tác dân vận và tải gạo vào rừng. Sống giữa làn bom đạn ông vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, làm thơ tặng đồng đội động viên nhau sau mỗi trận chiến. Là người cao tuổi nhất đơn vị, tính tình vui nhộn, gương mẫu, gan dạ, dũng cảm, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 19/5/1969. Sau đó không lâu, ông bị giặc Mỹ bắt trong một trận chiến đấu không cân sức và đưa ra giam cầm tại nhà tù Phú Quốc.

Chỉ mang quân hàm trung sỹ, tiểu đội phó song do tuổi cao cộng với vầng trán biểu hiện sự thông minh, lanh lợi, lính Mỹ lầm ông là cấp tướng, cấp tá nên chúng chăm sóc ông đặc biệt, sau đó tra tấn vô cùng dã man. Ông tự nhận tên là Bùi Ðình Mai để đề phòng chiến tranh tâm lý. Không khai thác được gì ở ông, chúng đã điên cuồng bẻ gẫy 7 chiếc răng cửa. Sau mỗi lần bị tra tấn, toàn thân bầm tím, chết đi sống lại nhiều lần song ông vẫn không khai báo một lời nào. Lúc tỉnh dậy, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan làm thơ nhập tâm rồi đọc lại cho mọi người nghe sau mỗi lần tra tấn hoặc trong những ngày tuyệt thực đấu tranh đòi quần áo và chất đốt. Bao tải, ni lông làm thay quần áo được ông ví như lụa là gấm vóc, chấy rận đầy người ví như bầy biệt kích hung hăng, khắc khổ tột cùng vẫn nghĩ sống như tiên bởi các ông là những người chiến thắng.

Thơ ông có đoạn:

“... Ai qua Phú Quốc  

                                      xem người như tiên

Hôm nay xáo trộn các miền

Gặp nhau tình cảm                  

                            nỗi niềm thiết tha

Áo quần gấm vóc lụa là

Rồng bay bướm lượn              

                        thêu ba bốn tầng

Áo này đã được mấy xuân

Ðể thêm vài cửa                                   

                   cho thân mát lòng....”

Có đoạn ông lại viết: 

“... Ăn chơi kiểu mới lu bù

Diện bằng bao tải                                                              

mấy thu cũng bền

Màu xanh bao cát nổi lên

Nilông sắc đẹp dẻo bền thắm hoa

Kim ơi đoàn kết cùng ta

Quyết tâm khắc phục                                                         

vượt qua đoạn này

Công thêu tấm áo đã dầy

Có đàn biệt kích         

             ở ngay trong mình...”.

Khi tôi hỏi kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất trong những ngày sống trong nhà tù Phú Quốc, ông nhòa đi trong nước mắt mà nói, đó là câu nói của ông Nguyễn Ngọc Trắc, Bí thư chi bộ nhà tù quê ở thôn Kỳ Nha (xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy). Sau khi bẻ gẫy 7 răng cửa, bọn cai ngục lôi từ phòng tra tấn về trại giam, ông thiếp đi lúc tỉnh lúc mê thì được ông Trắc nói nhỏ vào tai “Ðồng chí đã được công nhận là đảng viên chính thức”, niềm vui đến quá bất ngờ khiến ông bừng tỉnh dậy. Trong nhà tù, tù binh không hề hay biết ở đất liền chiến thắng Ðiện Biên Phủ trên không, chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc và kết quả hội nghị Pari. Hàng ngàn chiến sỹ cách mạng trong nhà tù Phú Quốc vẫn âm thầm lặng lẽ chiến đấu với quân thù bằng ý trí và nghị lực kiên cường, lòng gan dạ dũng cảm và tinh thần đoàn kết. Một ngày tháng 5/1975, cai tù phát cho ông  và đồng đội bộ quần áo dài màu nâu và thông báo quân giải phóng đã chiến thắng, mọi người  ôm nhau trong niềm vui vỡ òa cùng nước mắt.

Rời quân ngũ trở về quê hương Thái Giang với thân hình gầy yếu, mỗi khi trái gió trở trời toàn thân đau nhức, hàm răng tê buốt, ông Mãn sợ cả tiếng động mạnh, tiếng nói to. Nhưng cuộc sống rồi cũng quen dần, ông không âm thầm lặng lẽ mà vẫn giữ tinh thần lạc quan làm thơ tặng các bạn cựu tù chính trị. Nay dù đã ngoài 80 tuổi không một đồng trợ cấp, nguồn thu nhập chủ yếu vẻn vẹn của 2 ông bà sống chủ yếu là 3 sào ruộng nhưng vẫn sống một cuộc sống bình dị và mong đợi chính sách đãi ngộ người có công với cách mạng nhanh chóng tới những người cựu tù chính trị như các ông để vơi đi phần gian truân vất vả của tuổi già.

Đăng Cát

(Thái Giang, Thái Thụy)

  • Từ khóa