Thứ 2, 25/11/2024, 12:31[GMT+7]

Phát huy vai trò nêu gương của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng tại các địa phương

Thứ 2, 11/10/2021 | 07:58:06
1,432 lượt xem
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề nêu gương trong công tác xây dựng Đảng, những năm qua, các địa phương trong cả nước đã đề ra nhiều giải pháp để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng (Ảnh minh họa: TL).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đặc biệt coi trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng Ðảng “trong sạch, vững mạnh”; đồng thời, nêu gương cũng là một phương thức lãnh đạo của Ðảng.

Từ thực tiễn cách mạng, Ðại hội XIII của Ðảng đã khẳng định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước Nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình, phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ".

Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ

Nhằm phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo Bác, hàng năm, trên cơ sở nghiên cứu, học tập các chuyên đề do Trung ương chỉ đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đều lựa chọn, xác định một chủ đề công tác cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nội dung "Nêu gương" được lựa chọn là một trong những nội dung quan trọng trong chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy Ninh Bình, qua đó, tạo chuyển biến tích cực, góp phần đưa việc thực hiện Chỉ thị 05 trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên.

Theo đó, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Ninh Bình đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các chủ đề tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; đảm bảo kịp thời, hiệu quả, bám sát sự chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh; đồng thời, quan tâm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, phương hướng phấn đấu của tập thể và từng cán bộ, đảng viên sau khi học tập, sinh hoạt về các chủ đề.

Trong những năm qua, việc tổ chức triển khai thực hiện chủ đề công tác năm đã dần đi vào nền nếp, tạo nên những hiệu quả rõ nét trên nhiều mặt, nhất là tạo chuyển biến tích cực trong việc "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ". Chủ đề này tập trung vào 3 nội dung cụ thể: Một là, nêu gương về tình yêu thương với người thân, với nhân dân, đối với đồng chí, đồng nghiệp; chống thờ ơ, vô cảm; Hai là, nêu gương về thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; Ba là, nêu gương về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt nhất chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị đã thể hiện nhận thức về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt phương châm "nói đi đôi với làm", "hướng về cơ sở", "gần dân, trọng dân, chăm lo đời sống nhân dân".

Thời gian qua, các cấp ủy đảng nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên. Đưa việc học và làm theo Bác trở thành nền nếp, nhu cầu tự thân, thường xuyên, hình thành ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện của mọi cán bộ, đảng viên gắn với xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư. 

Nêu gương gắn với vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo

Nhằm cụ thể hóa những chủ trương, chỉ đạo của Đảng, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đề ra nhiều giải pháp để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, bổ sung và cơ bản hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về mối quan hệ, lề lối làm việc; quản lý tổ chức cán bộ; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nhất là đối với các lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng biên chế, công chức, viên chức; quy định thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đồng thời, Tỉnh ủy ban hành nhiều quy định quan trọng để cụ thể hóa nội dung này. Nổi bật là Quy định số 04-QĐ/TU về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên; Quy định số 06-QĐ/TU về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Quy định số 08-QĐ/TU về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý.

Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc nêu gương, những người đứng đầu cấp uỷ, lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng chương trình, nội dung cụ thể để thực hiện tốt quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương đã lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phức tạp, nổi cộm và đưa ra các giải pháp cụ thể để chỉ đạo giải quyết dứt điểm từng khâu, từng việc; như trong tình hình hiện nay là gắn vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống COVID-19.

Về nội dung này, đầu tháng 8 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng về công tác phòng, chống dịch để thống nhất một số chủ trương, cơ chế, biện pháp mới, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, các phương án chuẩn bị ứng phó ở mức cao nhất với các tình huống xấu có thể nảy sinh; qua đó, đi sâu vào cơ chế chỉ huy, khâu tổ chức thực hiện và gắn với trách nhiệm cụ thể của mỗi cá nhân, mỗi ngành, mỗi địa phương.

Sau một thời gian quyết liệt thực hiện, bước đầu cho thấy, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị toàn tỉnh được nâng lên một bước, tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tăng cường, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong đó nổi bật là các cấp, ngành đã mạnh dạn tập trung vào những việc mới, việc khó; cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm hơn, nâng cao bản lĩnh chính trị; chấn chỉnh tác phong, lối sống, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Nhiều cấp ủy, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm nêu gương, đưa nội dung nêu gương vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Đổi mới tác phong công tác - “nói đi đôi với làm”

Thời gian qua, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Tỉnh uỷ Cà Mau và các cấp uỷ, tổ chức Ðảng đã nghiêm túc triển khai thực hiện trong thực tiễn; lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ khoá XV về đẩy mạnh học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Thông qua đó, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong Ðảng bộ tỉnh Cà Mau được nâng lên rõ rệt, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật. “Ða số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, đổi mới tác phong, lề lối làm việc và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao”, nhiều đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương, đơn vị đã gương mẫu, đi đầu học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới tác phong công tác, gần dân, sát dân, vì dân, “nói đi đôi với làm”, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm việc khoa học... được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên ở một số tổ chức Ðảng còn hạn chế; tính tiền phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện chưa rõ, trong đó có người đứng đầu cơ quan, đơn vị năng lực hạn chế, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ, để xảy ra sai sót, khuyết điểm; còn tình trạng đảng viên suy thoái, vi phạm (nhiệm kỳ Ðại hội 2015-2020 của Ðảng bộ tỉnh, cấp uỷ các cấp đã thi hành kỷ luật 877 đảng viên, trong đó có 264 đảng viên là cấp uỷ viên). Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh, Văn kiện Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) yêu cầu: “Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng văn hoá trong Ðảng, trong bộ máy Nhà nước theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau: Cấp uỷ các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc nêu gương tiến hành chủ động, tự giác, thường xuyên, từ việc nhỏ đến việc lớn, toàn diện về mọi mặt (nhất là về bản lĩnh chính trị; phẩm chất đạo đức; năng lực và hành động; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19); bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến để tạo sự lan toả thành phong trào sâu rộng trong xã hội; khen thưởng xứng đáng đối với các tập thể, cá nhân tích cực và xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham gia các phong trào thi đua yêu nước; đồng thời, phê phán mọi biểu hiện, hành vi thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên./.

Theo: dangcongsan.vn