Thứ 2, 25/11/2024, 14:46[GMT+7]

Nghị quyết số 01 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Phương pháp tiếp cận mới về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ 2, 22/11/2021 | 08:42:49
1,648 lượt xem
Ngày 24/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU “về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”. Như vậy, trong 10 năm, từ năm 2011 đến năm 2021, với ba kỳ Đại hội liên tiếp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành ba Nghị quyết(1) về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xã Hòa Bình (Hưng Hà) vừa được đoàn thẩm định của tỉnh công nhận đạt 11/11 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh; Thanh Thủy

Điều đó nói lên tính nghiêm túc, tinh thần chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008, hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người dân sống ở nông thôn từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn, cảnh quan môi trường; qua đó nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Ba Nghị quyết ở ba thời điểm khác nhau, mỗi Nghị quyết đều có giá trị về lý luận và thực tiễn đáp ứng với sự đòi hỏi của từng giai đoạn phát triển của tỉnh, phù hợp với tiến trình chung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước, được đông đảo nhân dân trong tỉnh đón nhận. Hai Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới ở hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, XIX đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt kết quả rất quan trọng. Vì vậy, đến năm 2019 Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; đặc biệt 100% dân cư ở nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội XIX(2).

Kế thừa và phát huy tinh thần cơ bản các Nghị quyết  mà Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đã và đang triển khai thực hiện, Nghị quyết số 01-NQ/TU có phương pháp tiếp cận đổi mới, sáng tạo đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp được nêu trong Nghị quyết đã làm rõ hơn những vấn đề về lý luận và thực tiễn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thể hiện trên ba nội dung sau:

Một là: Đã quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình cách mạng , khẳng định vị trí, vai trò, của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong thư gửi hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc Bác viết: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc. Một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”. Tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI ngày 19/7/1960, Người khẳng định: “Nước ta là một nước nông nghiệp… muốn phát triển công nghiệp phải lấy nông nghiệp làm gốc”. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc Bác viết năm 1968, Người còn căn dặn: “Trong bao năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng gian khổ khó khăn. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỷ hả, mát dạ, mát lòng thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất”. Nghị quyết số 26-NQ/TW, hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú đậm đà bản sắc dân tộc...

Từ quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng trên, Nghị quyết số 01-NQ/TU đã khẳng định: Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trong tỉnh tiếp tục có những thời cơ, vận hội và có những thách thức đan xen. Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài… Trong bối cảnh đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ổn định, bền vững của toàn xã hội… Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, trong đó coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, xuyên suốt… nhằm xây dựng nông thôn mới Thái Bình văn minh, hiện đại, sản xuất, phát triển, xã hội dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa… chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí và vị thế của người dân nông thôn ngày càng cao...

Hai là: Đề cao vai trò, vị thế của nhân dân, khẳng định nhân dân là trung tâm của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong tác phẩm “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “I- Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân…”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng(3).

Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của nhân dân trong các cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo, từ tình hình thực tiễn qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong tỉnh, để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Nghị quyết số 01-NQ/TU đã bổ sung thành tố “dân cần” và “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” vào phương châm hành động và được cấu trúc cụ thể: “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân thụ hưởng”, “nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ” là điểm mới, sáng tạo trong phương châm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Như mọi người đều biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có rất nhiều nhiệm vụ, nhiều công việc cần làm, trong khi nguồn lực và thời gian không cho phép tiến hành cùng một lúc. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải chọn những công việc trọng tâm, trọng điểm có tính đòn bẩy, lan tỏa và đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân. Mặt khác, tùy tình hình cụ thể, mỗi địa phương sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau, do vậy trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phải căn cứ nhu cầu của người dân và thực tế của địa phương để chỉ đạo thực hiện không làm dàn trải, ồ ạt kiểu phong trào, làm đến đâu chắc đến đó, đó là phương châm hành động mà Nghị quyết  số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra. Việc bổ sung thành tố “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” là tiếp tục khẳng định người dân ở nông thôn là chủ thể xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ. Qua đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của nhân dân, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Ba là: Hướng mạnh về cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khơi dậy và phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở và tinh thần làm chủ của nhân dân; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho cơ sở phấn đấu đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ xác định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của cơ sở (xã, thôn) và bài học rút ra sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết số 01-NQ/TU đã xác định: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã… các đảng ủy xã, chi ủy, chi bộ thôn phải lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực trên địa bàn, trong đó chú trọng lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới… Phát huy tốt nhất vai trò, trách nhiệm của ban chi ủy và từng đảng viên, trước hết là bí thư chi bộ… Phân công đảng viên bám sát địa bàn vận động các hộ nông dân… tiếp tục phân công cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp phụ trách chỉ đạo các xã xây dựng nông thôn mới.

Để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết cũng xác định: Đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực; phân cấp sử dụng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; khuyến khích ưu đãi đầu tư đủ mạnh để hấp dẫn các  doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phân kỳ đầu tư hợp lý hoàn thành dứt điểm từng công trình dự án, tránh đầu tư dàn trải, phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn luôn là vấn đề chiến lược của Đảng trong các cuộc cách mạng. Xây dựng nông thôn mới là công cuộc lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Với kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, với cách tiếp cận mới, sáng tạo về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời với việc chỉ đạo học tập, quán triệt, triển khai rất bài bản, nghiêm túc, nhất định các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ đạt được và hy vọng sẽ hoàn thành sớm hơn các mốc thời gian đã xác định.

Nguyên Văn Hán

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình